Không có chỗ cho độc quyền tại Việt Nam

04/09/2020 - 13:12

PNO - Từ vụ kiện của VNG với Tik Tok, một vấn đề khác được đặt ra: nghệ sĩ Việt có muốn hợp tác độc quyền hay vẫn chuộng phân phối cho nhiều bên.

Gần đây, vụ kiện giữa VNG và Tik Tok với mức yêu cầu bồi thường 9,5 triệu USD (khoảng 221 tỷ VND) lại khiến câu chuyện bản quyền thêm "nóng". VNG cáo buộc Tik Tok sử dụng các bản âm thanh thuộc sở hữu của Zing (công ty con của VNG) mà không có sự đồng ý. Ngoài những vấn đề chính yếu xoay quanh một vụ kiện tác quyền, một câu chuyện khác được đặt ra: quyền của Zing với những bản âm thanh này.

Nếu Zing nắm quyền sở hữu - quyền cao nhất với những sản phẩm này thì liệu có việc nghệ sĩ "lòn tay" để kết nối với Tik Tok hay không, và Tik Tok dù có ký kết hợp tác với nghệ sĩ vẫn sẽ bị quy là xâm phạm. Nhưng nếu Zing nắm các quyền thấp hơn thì nghệ sĩ vẫn có quyền ký kết hợp tác với các bên khác. 

Vụ VNG kiện Tik Tok đòi bồi thường 9,5 triệu USD gây chú ý trong gần nửa tháng qua
Vụ VNG kiện Tik Tok đòi bồi thường 9,5 triệu USD gây chú ý trong gần nửa tháng qua

Tại thị trường âm nhạc Âu - Mỹ và những quốc gia có nền giải trí phát triển, nghệ sĩ thường ký kết hợp tác độc quyền với một đơn vị để quản lý, phân phối sản phẩm. Ví dụ, Universal Music Group, Sony Music… sẽ quản lý toàn bộ sản phẩm của nghệ sĩ trực thuộc, sau đó phân phối quyền cho các đối tác theo thoả thuận, hoặc đến các đại lý và mang lợi nhuận về cho nghệ sĩ. Nghệ sĩ chỉ tập trung làm tốt công việc nghệ thuật. Điều này giúp việc quản lý bản quyền trở nên dễ dàng hơn, không bị nhập nhằng. Khi đơn vị độc quyền và thị trường khai thác tốt bản quyền thì cú bắt tay này chắc chắn sẽ diễn ra.

Nhưng tại Việt Nam, hợp tác độc quyền vẫn còn là một khái niệm xa lạ, bởi nhiều nguyên nhân. Phần lớn khán giả Việt vẫn có thói quen nghe nhạc "chùa" từ các nền tảng online. Luật hiện hành quy định chưa chặt, cơ quan quản lý chỉ xử lý hậu kiểm mà không ngăn chặn được vi phạm bản quyền. Thậm chí, việc vi phạm không chỉ diễn ra với khán giả, mà còn với cả nghệ sĩ.

Anh Tuấn Khanh, quản lý của ca sĩ Noo Phước Thịnh cho biết nguồn thu từ bản quyền ở Việt Nam vẫn còn rất ít. Khi nguồn lợi từ việc hợp tác độc quyền chưa "khai thác" triệt để thì nghệ sĩ cũng không mặn mòi.

Một ca sĩ giấu tên cho biết: “Việc phát hành nhạc, thu tiền bản quyền ở Việt Nam không cao như ở nước ngoài. Vì thế, nếu giao hoàn toàn sản phẩm cho một đơn vị quản lý cũng không thể giúp được nhiều, ngược lại còn tự bó hẹp cơ hội. Khi khán giả có thói quen nghe miễn phí trên các nền tảng online, hợp tác càng nhiều bên càng có lợi”.

Ca - nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu cho biết anh thích hợp tác nhiều bên, tạo cơ hội cho khán giả và chính sản phẩm của mình
Ca - nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu cho biết anh thích hợp tác nhiều bên, tạo cơ hội cho khán giả và chính sản phẩm của mình

Theo ca - nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu, phần lớn nghệ sĩ Việt ít ký độc quyền hoàn toàn, nếu có cũng chỉ trong một thời gian nhất định, thường không chuyển giao quyền sở hữu. Riêng anh chuộng việc hợp tác cùng lúc với nhiều đơn vị. “Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho khán giả nghe nhạc. Có thể, họ không nghe trên nền tảng này thì cũng nghe được trên nền tảng khác. Ngoài ra, việc phát hành trên nhiều nền tảng cũng giúp sản phẩm có cơ hội lan toả hơn” - anh nói.

Thực tế, có một số ca khúc đã phát hành khá lâu trên YouTube nhưng lượt nghe, xem khá èo uột, nhưng khi được sử dụng trên Tik Tok đã trở nên nổi tiếng. Rõ ràng, khi cơ hội được mở ra thì nghệ sĩ không dại thu mình.

Anh Tuấn Khanh nói thêm: “Việc hợp tác độc quyền với một đơn vị ít nhiều "gây khó" cho nghệ sĩ vì hiện tại có rất nhiều nền tảng đang hoạt động. Mỗi nền tảng đều mang lại cơ hội cho nghệ sĩ. Chúng tôi tránh thế độc quyền. Thường những nền tảng lớn, có lượt nghe xem tốt, họ đều muốn độc quyền. Nhưng việc này sẽ gây khó cho những nền tảng nhỏ hơn. Chúng tôi xem mọi bên đều ngang bằng như nhau”. 

Phía ca sĩ Noo Phước Thịnh cũng thích hợp tác nhiều bên vì việc phân phối độc quyền có thể gây khó cho nghệ sĩ
Phía ca sĩ Noo Phước Thịnh cũng thích hợp tác nhiều bên vì việc phân phối độc quyền có thể "gây khó" cho nghệ sĩ

Anh cũng tiết lộ, vài năm gần đây, khi Zing bắt đầu yêu cầu độc quyền sản phẩm thì hai bên không còn hợp tác với nhau nữa. Trong khi đó, những nền tảng nghe nhạc có trả phí như Apple Music, Spotify cũng đang phát triển và tạo ra cơ hội, mang về nguồn thu nhất định cho nghệ sĩ, dẫu chưa nhiều.

Và thường với những sự hợp tác này, mỗ đơn vị chỉ có quyền kiểm soát sản phẩm trên nền tảng của chính mình, không thể chuyển giao, kiểm soát bản quyền trên một nền tảng nào khác. 

Hiện, những "ông lớn" của thế giới đang đổ về Việt Nam. Hà Lê và Phúc Bồ ký hợp đồng 10 năm với Sony Music Group. Thái Vũ, Lê Cát Trọng Lý đầu quân về Warner Music Group. Phùng Khánh Linh mới đây cũng chính thức trở thành nghệ sĩ độc quyền của Universal Music. Những cú bắt tay của nghệ sĩ Việt với các đơn vị này là điều dễ hiểu bởi vấn đề bản quyền luôn được xử lý rốt ráo. Còn tại Việt Nam, giấc mơ độc quyền với những đơn vị trong nước dường như vẫn còn quá xa.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI