Không có cha, nhà vẫn có nóc

14/08/2021 - 14:24

PNO - Con người ta lớn lên ngoài cái ăn, cái mặc còn nhờ tình thương. Tôi nghĩ về gia đình mình, tuy khuyết hình thức, nhưng tôi có thiếu thốn gì đâu.

1. Hồi còn nhỏ, tôi vẫn hay hỏi ngoại: “Ủa, ba con đâu hả ngoại?”. Tôi hỏi nhiều nhất là khi thấy ba mấy đứa chung xóm đi làm xa về cho chúng bịch kẹo Nuga ngọt, thơm và beo béo vì có đậu phộng trong đó.  

Câu trả lời nhất quán của má tôi ngày ấy là: “Con không có ba”. Tôi không hiểu vì sao tôi lại không có ba và cứ nghĩ hoài về việc mình chỉ có má với bà ngoại là người thân. Đến lớn hơn, khoảng lớp Năm, lớp Sáu, tôi mới hiểu chuyện khi nghe nhiều người lớn xung quanh nhắc về ba tôi. 

“Thằng Vinh ba mi hồi xưa đàn hay hát giỏi lắm. Mai mốt lớn không biết mi có giống ba mi không?”, cậu Bảy hàng xóm nói. Tôi hỏi má: “Bộ ba đàn hay lắm hả má?”.

Má tôi lặng im, nhìn xa xăm. Có lẽ má đã từng nghĩ tới “kịch bản” lúc này, khi tôi cần biết về ba mình nhiều hơn. Má bắt đầu kể cho tôi nghe về người mà tôi chưa một lần được gọi “ba ơi”.

Tác giả bên mẹ và con trai
Tác giả bên mẹ và con trai

“Hồi đó ông nội con là thầu công trình thủy lợi ở xã mình, ba con cùng nhiều người thợ khác lên đây ở làm hai, ba năm. Ba con ở trọ nhà ngoại, ba má phát sinh tình cảm. Má thích và yêu ba con vì tiếng đàn, lời ca và cả lời hứa xong công trình sẽ hỏi cưới”, má tôi rưng rưng.

Tôi đã chạm vào nỗi đau của má. Tôi ôm má khóc. Ba sau đó đã không giữ lời hứa với má, dù biết tôi đã tượng hình. Công trình xong, ông rời đi và vài năm sau cưới vợ. 

Ôm nỗi buồn tủi một mình sinh con khi mới là cô gái 20 tuổi lỡ dở và tương lai mịt mùng phía trước, má được ngoại tôi chở che. Má là con út, các cậu dì tôi thương em nên cũng đùm bọc. Má đã giữ lại đứa con “ngoài giá thú” là tôi…

2. Từ đó, tôi không hỏi về ba nữa. Tôi ý thức má đã khổ quá rồi, một vai gánh hai trách nhiệm: là má và cũng là ba của một đứa trẻ ở làng quê nghèo, chỉ có vài ba sào ruộng là phương tiện mưu sinh.

Tôi tự cho mình ý nghĩ, rằng ba tôi đã không còn, giống như một vài đứa bạn mồ côi cha cùng trang lứa. Tôi đáp lại tình yêu thương, sự chăm sóc của má, của ngoại, sự bảo bọc của người thân bên ngoại bằng việc học thật giỏi.

Năm nào tôi cũng mang về cho má và ngoại phần thưởng cùng những tấm giấy khen “học sinh giỏi”, “học sinh xuất sắc”… 

Má tôi nghĩ về tương lai của tôi bằng cách động viên tôi học. Ngoại tôi cũng chắt chiu dành dụm từng bữa chợ xa, có khi cả năm trời mới dư một ít để đổi năm phân hoặc một chỉ vàng “để dành cho thằng cu mai mốt đi học đại học”.

3. Năm lớp Mười, tôi đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi văn cấp tỉnh, má và ngoại rất vui. Từ đó, thầy cô, bạn bè cũng biết nhiều hơn đến hoàn cảnh “nghèo ơi là nghèo” của tôi.

Nhiều người âm thầm yểm trợ, khi thì xấp vải may đồ mới ngày tết, lúc đóng hộ học phí hoặc có thầy cô cho tôi mượn sách tham khảo để tôi có thêm kiến thức cho lộ trình học vấn dài hơn. 

Ngoại đã không thể chờ tôi trở về để gọi “ngoại ơi, con về rồi nè”, và tặng ngoại chiếc mền ấm như mơ ước. Đó là chiếc mền dự định thay chiếc mền cũ vá năm bảy chỗ mà ngoại vẫn đắp trước khi về cõi vĩnh hằng. Tôi khóc nghẹn. Ngoại là người thương tôi nhất mà giờ cũng bỏ tôi đi…

Má an ủi tôi, nhắc về ước mong lớn nhất của ngoại chính là tôi được học thành người, sống tử tế. “Nếu thương ngoại thì con hãy làm cho được điều đó nghe hông?”, má động viên.

4. Tôi vào đại học trong hoàn cảnh khó khăn của gia đình. Má bỏ lại căn nhà vách tre nứa để vào TP.HCM làm thuê cho một tiệm phở. Những tháng lương nhọc nhằn của má đủ để tôi trang trải năm đầu. Năm thứ hai, tôi gặp được những “ông bụt” xa lạ, hỗ trợ học bổng cho sinh viên nghèo.

Đó cũng là thời điểm tôi tập tành viết lách để vừa rèn nghề báo mình đang học, vừa nghĩ rằng sẽ “kiếm thêm” cho má đỡ lo. Cũng may, những nỗ lực của tôi, trong đó có sự hỗ trợ của bạn bè đã được đáp đền khi có một vài tờ báo điện tử, rồi báo in dùng tin bài. 

Tôi nhận những đồng nhuận bút đầu mà vui khôn tả. Tôi biết mình đã có thể phụ má, tự lo, tự học ở TP.HCM. “Má đừng đi làm cho người ta nữa. Má về quê lo cho ngôi nhà mình với hương khói cho ngoại, con sẽ tự lo học phí và sinh hoạt phí nha”, tôi cười nói với má mà nước mắt cứ trào ra. 

5. Giữ lời hứa với má, tôi tự sống, tự hoàn thiện mình từng chút với những hỗ trợ, yêu thương, giúp đỡ của nhiều người. Với tôi, họ là những ân nhân . Có lẽ vì thấy tôi hiền lành, chân thành và làm gì cũng hết lòng nên tin tưởng tiếp sức hoặc giao phó một việc quan trọng. 

Giờ má tôi đã đỡ nhọc về công việc lẫn tinh thần vì bà đã không còn lặn lội đồng sâu ruộng cạn như hồi nào. Công việc của má là làm bà nội, chăm cho cậu con trai ba tuổi của tôi, cũng có hoàn cảnh gần giống ba nó năm nào.

Cách đây bốn năm, tôi cũng đã gặp ba, gặp bà nội. Tôi không buồn giận nữa. Có lẽ do tôi hiểu nhân duyên trong đời, người làm sai đã là đáng thương rồi. Nghe đâu, tính ba lăng nhăng nên cũng không hạnh phúc với vợ của ba.

Ba chắp vá vài nơi, có thêm vài đứa con nữa, nhưng tuổi già ba cũng chỉ một mình. Tôi về quê Quảng Ngãi của ba để biết nguồn cội, còn quê hương trong lòng tôi chỉ có một, là nhà ngoại mình và Quảng Nam. 

Con người ta lớn lên ngoài cái ăn, cái mặc còn nhờ tình thương. Tôi nghĩ về gia đình mình, tuy khuyết hình thức, nhưng tôi có thiếu thốn gì đâu. Có lúc tôi còn đùa với má: “Hồi nớ ba không cưới má là má hên đó”. Má tôi cười cười. Nụ cười bình yên ở tuổi gần 60 mới đẹp làm sao. 

Lưu Đình Long

(Giám đốc công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông  Mây thong dong)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI