Với chị, hiện nay không phải các bậc cha mẹ cảm thấy bất lực, mà là bất lực thực sự trong hành trình lớn lên cùng con.
|
Ảnh minh họa |
Phóng viên: Các bậc cha mẹ hiện đại không thiếu kiến thức dạy con, nhưng có vẻ họ áp dụng kiến thức đó chưa đúng. Làm sao để dạy con cho đúng, thưa chị?
ThS Trần Thị Ái Liên: Điều khổ nhất chính là chúng ta không hiểu nguyên lý. Thông tin cha mẹ cóp nhặt được đôi khi chỉ từ ngọn, không có gốc. Cuộc sống thời công nghệ cung cấp quá nhiều thông tin, dẫn đến việc chúng ta rối, không biết đâu là đúng, đâu là sai. Tôi cho rằng, không có cách để dạy con đúng.
Các bạn đừng giật mình, bởi không có cách dạy con đúng, cũng không có cách dạy con sai, mà chỉ có cách dạy con thế nào cho hợp lý. Thế nào là dạy con hợp lý? Nghĩa là phải hợp với đứa trẻ, hợp với nguyên lý. Làm sao dung hòa giữa nguyên lý khoa học, truyền thống, điều kiện, thói quen, lối sống của gia đình, khả năng của cha mẹ, hoàn cảnh, môi trường và nhu cầu của đứa trẻ. Phải linh hoạt khi áp dụng nguyên lý ấy.
* Cha mẹ làm cách nào để đọc được nhu cầu của đứa trẻ?
- Rất đơn giản. Chúng ta phải là những ông bố bà mẹ có thông tin khoa học. Nhu cầu chính đáng của một đứa trẻ dựa trên thông tin khoa học. Thể trạng thì dựa trên thông tin y khoa. Tình cảm thì dựa trên khoa học tâm lý. Ít nhiều chúng ta phải biết những thông tin cơ bản để nắm được nhu cầu của con mình một cách cơ bản nhất, gần với con nhất.
|
ThS Trần Thị Ái Liên |
* Tất cả dựa trên thông tin khoa học, vậy chúng ta không thể ứng dụng kinh nghiệm của người khác trong việc dạy con của mình?
- Đúng vậy, vì kinh nghiệm là cái không thể phổ quát được. Nhiều cá nhân tự xưng mình có kỹ năng dạy con, rồi mang những kinh nghiệm lượm lặt ra truyền bá, vô tình làm mọi người mắc kẹt trong một rừng thông tin. Kinh nghiệm có được là do nghiên cứu mà thành. Đừng bao giờ lấy kinh nghiệm bạn có và bắt mọi người theo mình.
Nhưng nghiên cứu cũng rất dễ sai. Kết quả nghiên cứu dựa trên một khảo sát nhỏ nào đấy, rồi cho rằng đó là kết quả có khảo sát. Những người tham gia nghiên cứu không thể đại diện cho tất cả. Do vậy, không phải mọi nghiên cứu đều đúng. Khi tìm hiểu kiến thức dạy con, bạn phải đặt cho mình những câu hỏi cần thiết. Tôi khuyên các bậc cha mẹ, khi tìm hiểu nên tìm những thông tin có nguồn gốc đáng tin cậy, để chọn lọc và dạy con mình.
* Nhiều bậc cha mẹ nói rằng, chị từng chia sẻ về "ngũ tự" mà một đứa trẻ nên có?
- Tôi tin rằng, một con người có “ngũ tự” đó thì vừa đủ, tạm gọi là người tử tế. Đấy là: tự do, tự chủ, tự lập, tự trọng, tự cường.
Người tự do là người có kỷ luật nhưng tuân theo những kỷ luật hợp lý. Biết thế nào là đúng để tuân theo. Can đảm chống lại những kỷ luật không đúng. Có dạng người không bao giờ tuân theo một kỷ luật nào, kể cả kỷ luật của chính mình, đấy chính là người không tự do. Người tự do có kỷ luật cá nhân và tuân theo luật của tập thể.
Người tự chủ có quyết định cá nhân, không lệ thuộc vào sự hối thúc của người khác. Không bị cám dỗ bởi tiền bạc hay quyền lực. Đấy là người khi đưa ra quyết định, không bị chi phối bởi sợ hãi hay quyền lực, mà quyết định vì lý lẽ, vì lương tâm.
Người tự trọng luôn luôn làm đúng dù không ai kiểm soát.
Người tự lập chịu trách nhiệm về bản thân, không dựa dẫm ai, không lợi dụng lòng tốt của người khác. Họ luôn chịu trách nhiệm, không đổ lỗi.
Người tự cường luôn tự vươn lên, với sức lực tài năng của mình. Họ luôn học hỏi để phát triển bản thân.
Với một đứa trẻ, cha mẹ chỉ cần xoay quanh “ngũ tự” này để dạy con mình phát triển, trưởng thành, là một người… “xài” được.
* Đó là một quan điểm thú vị mà cha mẹ có thể tham chiếu, tất nhiên không phải phương pháp nào cũng có thể áp dụng cho mọi đứa trẻ. Tôi tin chúng ta cần tham khảo để rút kinh nghiệm trong từng sai lầm của mình, chị nghĩ sao?
- Có thể chúng ta biết con mình đúng, nhưng vẫn không thể chấp nhận được cái đúng ấy. Tương tự, trẻ cũng có thể thấy cha mẹ đúng nhưng không chấp nhận. Thói quen thấy đúng mà không chịu chấp nhận hình thành từ chính chúng ta.
Mong ước của cha mẹ là con cái được sung sướng, hạnh phúc. Nhưng chúng ta lại không chấp nhận điều khiến trẻ hạnh phúc nhất: được làm theo lựa chọn của mình. Cốt lõi của kỷ luật không nước mắt nằm ở vấn đề này. Khi dạy con bằng cách áp đặt, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi nước mắt của trẻ. Vì khi bắt người khác làm theo ý mình, chỉ có cách đánh hoặc dụ dỗ.
Con đường duy nhất ta phải hướng đến, là tôn trọng sự khác biệt của mỗi người. Không chấp nhận sự khác biệt nên khi con còn nhỏ, cha mẹ ép trẻ được, con lớn hơn một chút, ta không thể ép trẻ theo ý mình, và thấy bất lực. Đó là do phương pháp dạy của chúng ta thường theo kiểu “mạnh được yếu thua”, dùng quyền làm cha mẹ để ép con cái.
Người cao thượng không bao giờ dùng sức mạnh để ép người khác. Khi bất lực với con, ta lại nghĩ là do trẻ hư, cha mẹ không sai. Muốn dạy con tốt, những lý lẽ đạo đức phải được giữ gìn một cách đúng đắn, có chuẩn mực. Thể hiện rõ vai trò của mỗi cá nhân trong gia đình, vai trò làm mẹ, làm cha như thế nào, con cái có những quyền lợi gì.
Chúng ta bắt con tuân thủ theo ý mình, trẻ không làm theo khiến ta bối rối. Vì theo cách “mạnh được yếu thua” nên đến khi con lớn, mạnh hơn, cha mẹ không biết dạy con cách nào cho đúng. Đứa trẻ lớn lên trong những nguyên lý ấy, có ngày sẽ đối xử với cha mẹ theo đúng nguyên lý mình dùng để dạy con khi xưa.
Người lớn áp đặt trẻ, khi con phản biện lại thì không đủ lý lẽ và làm lơ. Như vậy là chúng ta đã không chính trực khi dạy con: không dám thừa nhận mình sai, không xin lỗi khi mình không đúng. Chúng ta bám lấy việc đã là cha mẹ thì tuyệt đối đúng, con cái tuyệt đối sai. Sợ “mất mặt” nên ta không có thói quen xin lỗi trẻ khi mình sai.
* Vậy, dạy con như thế nào là hợp lý theo cách của chị?
- Điều cốt lõi nhất của chúng ta là thiếu tư duy phản biện, nên thường nghe những lời chia sẻ, thay vì lắng nghe, phân tích rồi đưa ra kết luận cuối cùng của mình. Quá nhiều thông tin khiến chúng ta hoang mang.
Phải xử lý hết thông tin, ta mới có kiến thức của riêng mình. Do vậy, không có cách dạy con đúng, chỉ có cách dạy con hợp lý. Cha mẹ phải có một nền tảng về chuẩn mực đạo đức, phân biệt được hoàn cảnh để biết lúc nào đúng, khi nào sai mà cân nhắc mọi điều.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ.
Đoàn Tâm (thực hiện)