Không chủ quan với bệnh mắt đỏ khi ngày tựu trường cận kề

21/08/2024 - 06:07

PNO - Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Công Hinh - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt TPHCM - cho biết, hầu như mỗi ngày đều có bệnh nhân đến khám, điều trị đau mắt đỏ. Tuy các ca bệnh rời rạc ở nhiều địa phương nhưng bệnh viện vẫn đang theo dõi sát, đặc biệt khi mùa khai trường sắp tới.

Bệnh nặng hơn vì tự ý mua thuốc điều trị

Mấy hôm trước, chị Trần Thị Hiền (quận Bình Thạnh, TPHCM) thấy mắt bên phải của con gái P.T.H.K. (7 tuổi) đổ ghèn, ửng đỏ nhưng nghĩ do con vừa ăn nhãn nên bị nóng. Chị nhỏ nước muối sinh lý để vệ sinh mắt, nhắc bé uống nhiều nước. Tuy nhiên, mắt của K. ngày càng sưng to, chảy dịch, bé than ngứa mắt, dụi liên tục. Chị ra tiệm thuốc tây mua thuốc về cho con uống rồi bôi thuốc mỡ vào cả hai mắt bé.

“Ban đầu, mắt của con đỡ sưng, tôi tiếp tục bôi và cho con uống theo hướng dẫn của người bán. Không ngờ sau đó bé sốt cao, than đau mắt và quấy khóc. Kiểm tra mắt cho con, tôi tá hỏa vì cả tròng mắt đỏ ngầu. Tôi liền đưa bé đến Bệnh viện Mắt TPHCM khám” - chị Hiền kể. Bác sĩ chẩn đoán bé K. bị viêm mắt, đau mắt đỏ, trầy giác mạc cả hai mắt. Hiện mắt bé sưng nề nên chưa đánh giá được thị lực. Chị Hiền khá lo lắng vì không chỉ K. mà anh trai của bé cũng than đau, ngứa mắt.

Bác sĩ Dương Công Hinh thăm khám mắt cho người bệnh
Bác sĩ Dương Công Hinh thăm khám mắt cho người bệnh

Sau khi khám mắt, anh Phạm Minh Hoàng (ở quận 10) và con trai 10 tuổi đều được chẩn đoán viêm giác mạc dạng xuất huyết. Mặc dù bệnh ở giai đoạn nhẹ, chỉ cần uống thuốc và nhỏ mắt theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng thấy mắt con sưng tấy, đỏ ngầu, anh Hoàng vẫn rất lo lắng. Anh cho biết, trước đó, con trai anh có đi chơi chung với 2 người anh em họ cũng bị đau mắt nên anh khá cảnh giác. Vừa nghe con than xốn, ngứa mắt, anh đã đưa con đến bác sĩ tư nhân thăm khám. Bác sĩ nói bé bị sốt do viêm họng, cho thuốc nhỏ rửa mắt. “Tôi chăm sóc con rất cẩn thận, nhưng chỉ 3 ngày là mắt bé đổ ghèn, sưng mọng, tôi cũng đau mắt theo. Tuần sau là con tôi đi học trở lại, nhưng giờ đôi mắt bé sưng bụp, sốt cao, có thể sẽ bị bỏ lỡ dịp khai giảng” - anh nói.

Bác sĩ Dương Công Hinh cho biết, vào thời điểm này năm 2023, TPHCM ghi nhận trên 71.000 ca đau mắt đỏ do 2 chủng vi rút thường gặp là enterovirus và adenovirus. Trong đó có đến 1/3 trường hợp là trẻ em, tỉ lệ này tương đối lớn. Vào những giai đoạn thời tiết thay đổi như hiện tại, độ ẩm cao, nhất là học sinh sắp quay trở lại trường học, ngoài cảnh giác với sởi, sốt xuất huyết thì đau mắt đỏ, viêm mắt, đỏ mắt rất đáng lưu ý. Phụ huynh cần cẩn trọng với bệnh này để không lỡ việc tựu trường của con, nhất là trẻ mầm non, tiểu học.

Cảnh giác với đau mắt đỏ

Theo bác sĩ Dương Công Hinh, đau mắt đỏ có nhiều nhóm nguyên nhân, có thể do vi rút, vi khuẩn, dị ứng hay các bệnh nhiễm trùng khác… Do bệnh lây qua đường không khí, tiếp xúc gần với người bệnh, dùng chung các vật dụng như khăn mặt, quần áo, vật dụng, nên tốc độ lây lan rất nhanh nếu không biết cách phòng và cách ly người bệnh.

Đa phần khi trẻ vừa mới bị đau mắt đỏ thường chỉ bị kích thích mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt… ở một bên mắt, đi kèm các cơn sốt hầm hập, đau họng. Sau vài ngày, mắt còn lại cũng sẽ gặp kích ứng, bệnh theo. Ngoài ra, trẻ có thể nổi hạch ở tai, khi sờ vào đau nhiều, dụi mắt liên tục. Nặng hơn, mắt của trẻ sẽ đỏ ửng, nhiều chất nhầy, cảm giác cộm, xốn mắt, sợ ánh sáng. Lúc này, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện có chuyên khoa mắt để khám, tránh để lâu trẻ dễ bị biến chứng nặng như viêm kết mạc, giác mạc, giảm thị lực.

“Bệnh viện đã từng gặp tình huống cha mẹ sợ con bị lây bệnh sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết… nên dù con bị đau mắt đỏ nhưng vẫn để con ở nhà, tự mua thuốc cho trẻ uống, nhỏ mắt. Đến khi 2 mắt trẻ sưng to, nhìn mờ, mới đưa đến bệnh viện thì trẻ đã vào giai đoạn nặng, nhiều biến chứng. Chưa kể có phụ huynh còn tự ý sử dụng các phương pháp dân gian như nhỏ thuốc gia truyền, đắp lá cây làm mắt trẻ bị nhiễm khuẩn, trầy xước giác mạc rất nguy hiểm” - bác sĩ Dương Công Hinh chia sẻ.

Do đó, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cho trẻ đeo kính mát để bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn, dụi mắt gây bội nhiễm; hướng dẫn con rửa tay bằng xà phòng; khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn ghế; không dùng chung dụng cụ sinh hoạt với các trẻ khác, không đến nơi đông người để tránh lây nhiễm trong cộng đồng… Nếu trẻ đã đi học, người lớn nên báo ngay với giáo viên, cho trẻ nghỉ học từ 5-7 ngày để ngừa lây bệnh cho các bạn. Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là vitamin và khoáng chất để trẻ sớm khỏi bệnh. Trong quá trình chăm sóc, nếu thấy trẻ sốt cao, bỏ ăn, than đau mắt nhiều, nhìn mờ… hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được điều trị đúng cách.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI