Không cho trẻ đi học là "thận trọng quá mức”?

10/11/2021 - 10:32

PNO - “Cử tri cho rằng đây là sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình”, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy nói.

 

ĐBQH Nguyễn Thị Thủy dẫn ý kiến của cử tri, không cho trẻ đi học là thận trọng quá mức và đề nghị Bộ Y tế làm rõ quan điểm này
ĐBQH Nguyễn Thị Thủy dẫn ý kiến của cử tri, không cho trẻ đi học là thận trọng quá mức và đề nghị Bộ Y tế làm rõ quan điểm này

Tiếp tục phiên chất vấn sáng 10/11, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu thực trạng một số tỉnh người lớn đi làm nhưng trẻ vẫn phải học trực tuyến: "Cử tri cho rằng thận trọng quá mức cần thiết mà không tính đến thiệt thòi của học sinh phải học trực tuyến nhiều tháng nay và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà. Từ góc độ chuyên môn, đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của cử tri về sự thận trọng quá mức cần thiết như trên có đúng không?”

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết mới đây, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục Đào tạo đã tổ chức hội nghị với các địa phương, tinh thần là "các địa phương không vì lo lắng quá mà hạn chế việc trẻ em đi học, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc tiểu học".

Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương có biện pháp phòng chống dịch khi mở cửa trường học trở lại, để vừa học nhưng cũng đảm bảo an toàn. Bộ trưởng khẳng định, các địa phương không nên chờ vắc xin mới mở cửa trường học vì "hiện chỉ tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên, trẻ 6-11 tuổi không nên chờ". Hơn nữa, rủi ro ở lứa tuổi 6-11 không lớn. "Chúng tôi khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho các cháu đi học, nhất là địa phương ở cấp độ 1, 2", ông nhấn mạnh.

Cũng theo tư lệnh ngành y tế, Nghị quyết 128 của Chính phủ nêu rõ cấp độ 1 đi học bình thường, nhưng đến nay mới có 22 địa phương có kế hoạch này; vùng cấp độ 3 mới kết hợp học trực tiếp với trực tuyến.

Việt Nam triển khai thành công chiến lược vắc xin

ĐBQH Lưu Văn Đức chất vấn trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chậm tham mưu triển khai chiến lược vắc xin
ĐBQH Lưu Văn Đức chất vấn trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chậm tham mưu triển khai chiến lược vắc xin

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) chất vấn trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chậm tham mưu để sớm triển khai chiến lược vắc xin? Trong thời gian tới, làm sao để tiêm vắc xin công bằng? Bởi theo ĐBQH, hiện có địa phương đã tiêm mũi 2 vắc xin, một số nơi tiêm cho trẻ em từ 12 – 17 tuổi, một số nơi thậm chí đã đề nghị tiêm mũi 3. Trong khi đó nhiều địa phương ở Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận… chưa tiêm hết mũi 1 vắc xin cho người 18 tuổi trở lên.

Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, chiến lược vắc xin của Việt Nam đã triển khai rất thành công dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, các ngành… Cụ thể:

Thứ nhất, Việt Nam đã mua và nhập khẩu, các hợp đồng, cam kết lên tới gần 200 triệu và tới đây có thể lên tới hơn 200 triệu. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng thúc đẩy ngoại giao vắc xin để tăng vắc xin về Việt Nam nhanh và nhiều nhất.

Thứ hai, Việt Nam đang triển khai tự chủ vắc xin qua nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ, khả năng tới đây sẽ có vắc xin được cấp phép.

Thứ ba, tiêm chủng đã triển khai trên quy mô lớn nhất từ trước tới nay, tiêm được 94 triệu người.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến ĐBQH về việc đảm bảo công bằng trong tiêm chủng vắc xin COVID-19. Theo đó, dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, việc tiêm chủng ưu tiên theo khu vực, vùng nguy cơ, tình hình dịch... 

Bộ Y tế khẳng định nguồn cung năm nay đủ để bao phủ 2 mũi vắc xin cho người trên 18 tuổi của cả nước và nhóm từ 12-17 tuổi. Kế hoạch tiêm mũi 3, theo ông cuối năm nay mới có kế hoạch tuy nhiên, các địa phương phải theo hướng dẫn chung của Bộ để "đảm bảo công bằng nhất định trong phân bổ vắc xin, vì có 1 số địa bàn rất nóng, rất căng".

Minh Quang

 
TIN MỚI