* Phóng viên: Xin ông cho biết tầm quan trọng của chính sách hỗ trợ vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội (NƠXH) hiện nay?
- Ông Lê Hoàng Châu: Năm 1990, TP.HCM đã thực hiện thành công dự án 1.000 căn nhà bán trả góp trong 10 năm tại khu dân cư Bàu Cát, Q.Tân Bình. Tiếp đến, Luật Nhà ở năm 2005, 2014 đã dần hoàn thiện chính sách về NƠXH để hỗ trợ cho chín nhóm đối tượng, trong đó có năm nhóm đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH hoặc xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà để ở, cụ thể là họ được vay vốn tín dụng dài hạn với lãi suất (LS) ưu đãi.
Trong 15 năm qua, đã có hàng trăm ngàn hộ được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi về NƠXH. Nhưng trong giai đoạn 2015-2020, có rất ít người được vay vốn tín dụng ưu đãi liên quan NƠXH là do thiếu dự án và nguồn vốn tín dụng ưu đãi hoặc cấp bù LS của Nhà nước quá chậm và quá ít.
Hiện nay, Nhà nước đang áp dụng mức LS ưu đãi bằng 50% mức LS cho vay thương mại bình quân của các ngân hàng thương mại lớn nhất (LS cho vay thực tế khoảng 5%/năm). Riêng LS cho vay hiện nay của Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ có 4,8%/năm. Thời hạn cho vay ưu đãi trong giai đoạn 2006-2015 tối đa là 10 năm, giai đoạn 2015-2020 tối đa 15 năm và mới đây là 25 năm theo Nghị định 49/2021/NĐ-CP. Các chính sách này ở nước ta tương đồng với chính sách NƠXH ở nhiều nước công nghiệp phát triển nhưng có thêm các chính sách miễn, giảm thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các cơ chế ưu đãi tài chính khác từ nguồn vốn của Nhà nước.
|
Một dự án nhà ở xã hội ở H.Bình Chánh (TP.HCM) |
Trong các chính sách về NƠXH của Nhà nước, chính sách cho vay tín dụng dài hạn với LS ưu đãi là quan trọng nhất bởi nó đáp ứng đúng nhu cầu của người có thu nhập thấp và thời hạn vay dài là cần thiết nhất. Do vậy, HoREA nhận thấy, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã không đúng với chính sách cốt lõi của Nhà nước về NƠXH (hỗ trợ cho vay vốn tín dụng ưu đãi dài hạn với LS thấp) có tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở.
* Ông có nhận định gì về đề xuất của NHNN?
- Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ Luật Nhà ở năm 2014, ngày 20/10/2015, tập thể Chính phủ - trong đó NHNN là thành viên - đã xem xét, thông qua và ban hành Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý NƠXH. Sau đó, ngày 9/12/2015, NHNN đã ban hành Thông tư 25/2015/TT-NHNN để hướng dẫn thực hiện và ngày 1/4/2021, tập thể Chính phủ đã xem xét, ban hành Nghị định 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Căn cứ Nghị định 49/2021/NĐ-CP, NHNN đã soạn bản dự thảo Thông tư 25. Đây là việc làm rất cần thiết. Nhưng, dự thảo này lại đề xuất quy định dẫn đến xung đột pháp luật với khoản 4, điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10, điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021), nên nếu NHNN trao đổi kỹ với Bộ Xây dựng và Bộ Tư pháp trước khi công bố dự thảo để lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, sẽ chặt chẽ hơn, tránh gây lo lắng cho các đối tượng được hưởng chính sách NƠXH.
Đề xuất này của NHNN vừa không phù hợp với một số quy định của Luật Nhà ở năm 2014, vừa không phù hợp với khoản 4, điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10, điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021.
* Ông đề xuất gì để vừa đáp ứng nhu cầu của người mua, thuê, thuê mua NƠXH, vừa phù hợp các quy định pháp luật?
- Hiệp hội đề nghị NHNN vẫn giữ nguyên quy định tại khoản 3, điều 6 Thông tư 25/2015/TT-NHNN, chỉ bỏ mục đích “thuê”. Cụ thể, đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua NƠXH, mức vốn cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng, để phù hợp với chính sách về NƠXH của Luật Nhà ở năm 2014 và khoản 4, điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10, điều 1 Nghị định 49/2021/NĐ-CP. Đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ đề xuất sửa đổi khoản 4, điều 50 Luật Nhà ở năm 2014 theo hướng bổ sung thêm cụm từ “mua, thuê mua NƠXH” để đảm bảo sự đồng bộ của các quy định pháp luật.
Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung thêm “Chương trình mục tiêu thực hiện chính sách về NƠXH” vào Nghị quyết của ủy ban về các chương trình mục tiêu quốc gia được sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước chi trung hạn trong giai đoạn 2021-2026 để có căn cứ pháp luật bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện chính sách về NƠXH.
* Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Cần hướng xử lý hài hòa của các bộ, ngành Trước đây Nhà nước có gói vay 30.000 tỷ đồng ưu đãi LS cho chủ đầu tư làm dự án NƠXH và cho người mua, thuê mua NƠXH, là gói cấp thẳng, cấp tín dụng. Còn hiện nay, Nhà nước có gói 3.000 tỷ đồng để cấp bù LS, nhưng quy trình thực hiện của gói ưu đãi này khá phức tạp nên các chủ đầu tư không mặn mà, dẫn đến NƠXH ngày càng khan hiếm. Việc dừng cấp tín dụng cho người mua, thuê mua NƠXH là vấn đề liên quan đến các nghị định nên phía NHNN chỉ giải quyết vấn đề theo hướng của họ, còn lại là trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Theo tôi, các bộ, ngành cần có hướng xử lý đảm bảo hài hòa quyền lợi của ngân hàng và người vay vốn để mua, thuê mua NƠXH. Tiến sĩ Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương |
Ngân hàng phải hỗ trợ người có thu nhập thấp Việc loại trừ đối tượng vay vốn ưu đãi từ các ngân hàng thương mại để mua, thuê NƠXH ảnh hưởng rất nhiều đối với người cần mua nhà. Trước đây, người mua, thuê NƠXH được hưởng gói vay ưu đãi LS 30.000 tỷ đồng hoặc một số gói ưu đãi khác. Bây giờ, nếu loại trừ họ ra khỏi các gói vay ưu đãi này thì số tiền họ phải trả tăng lên nên càng khó khăn hơn, nhất là sau thời gian giãn cách xã hội. Thực tế, đã có không ít lần ngân hàng tìm những “khe hở” để tạo thuận lợi cho mình, nên theo tôi, Nhà nước phải can thiệp vào vấn đề này, không thể “đem con bỏ chợ” hoặc Nhà nước nên có quy định yêu cầu ngân hàng trích khoảng bao nhiêu phần trăm để hỗ trợ người mua NƠXH vay vốn ưu đãi LS như luật đang yêu cầu doanh nghiệp trích 20% quỹ đất của dự án để làm NƠXH. Ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng Việt Nam |
Bích Trần (thực hiện)