Không chỉ người già mới bị đục thủy tinh thể

28/05/2023 - 06:18

PNO - Cho tới nay, đục thủy tinh thể vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam và trên thế giới. Không chỉ người cao tuổi mới mắc phải, đục thủy tinh thể có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy không thể ngăn ngừa nhưng nếu đục thủy tinh thể được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời sẽ hạn chế sự tiến triển của bệnh, cải thiện thị lực cho bệnh nhân.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi

Bà P.T.H.T. (ngụ quận 8, TPHCM) chưa tới 60 tuổi đã bị nhìn mờ. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Nguyên nhân dẫn tới đục thủy tinh thể của bà T. có thể liên quan bệnh lý nền tiểu đường và tăng huyết áp. Bà T. bị tiểu đường, tăng huyết áp đã 15 năm nay. Thời gian đầu, bệnh nhân nghĩ mình mắt kém do lớn tuổi nên mua kính lão về đeo nhưng thị lực vẫn không cải thiện nhiều. 

Đục thủy tinh thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời để tránh nguy cơ mù lòa - ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Đục thủy tinh thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời để tránh nguy cơ mù lòa - Ảnh minh họa: Internet

Anh N.V.Đ. (45 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) do nhìn mờ nên đi khám. Anh còn thường xuyên bị mỏi mắt mỗi lần tập trung xem ti vi hay đọc báo. Anh rất khó chịu mỗi lần nhà bật nhiều đèn vì cảm thấy lóa và nhức mắt. Thời gian đầu anh Đ. chủ quan, cho rằng do công việc căng thẳng, lại thường xuyên làm việc trên máy tính nên mắt không kịp điều tiết. Khi bác sĩ cho biết anh bị đục thủy tinh thể, anh vô cùng ngạc nhiên. Xưa nay anh cứ tưởng đây chỉ là bệnh của người già, mình mới trung niên thì không thể...

Theo tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy - giảng viên bộ môn mắt Đại học Y Dược TPHCM - có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới bệnh lý đục thủy tinh thể. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất ở bệnh nhân độ tuổi từ 50 trở lên. Điều đó có nghĩa không phải người cao tuổi mới bị đục thủy tinh thể.

Thủy tinh thể là một dạng thấu kính trong suốt, 2 mặt lồi, nằm sau mống mắt (còn gọi là tròng đen), là thành phần quan trọng cấu thành nên hệ thống khúc xạ của mắt. Thủy tinh thể còn có chức năng điều tiết, cho ánh sáng đi qua và hội tụ tại võng mạc giúp mắt nhìn rõ mọi vật ở các khoảng cách khác nhau.

Vì nhiều nguyên nhân, thủy tinh thể bị mờ, ánh sáng khó đi qua. Kết quả là ánh sáng không hội tụ được tại võng mạc, gây nên bệnh đục thủy tinh thể. Do ánh sáng khó đi qua nên người mắc bệnh đục thủy tinh thể bị giảm thị lực (nhìn mờ) và có nguy cơ bị mù lòa nếu không được xử lý phù hợp.

Bệnh đục thủy tinh thể không thể ngăn ngừa nhưng thị lực có thể được cải thiện bằng phẫu thuật lấy thể thủy tinh đục và đặt thủy tinh thể nhân tạo.

Tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp cũng là nguyên nhân

Bệnh đục thủy tinh thể có thể do nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát. Nguyên nhân nguyên phát như bẩm sinh (liên quan tới các rối loạn yếu tố di truyền) hoặc do quá trình lão hóa tự nhiên...

Nguyên nhân thứ phát phải kể tới là chấn thương mắt, bị bệnh về mắt tái đi tái lại nhiều lần (viêm nội nhãn, viêm màng bồ đào), tác dụng phụ từ việc sử dụng thuốc lâu dài (corticoid, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn nhịp tim…). Bên cạnh đó, người mắc các bệnh lý chuyển hóa như tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp cũng là đối tượng nguy cơ cao của đục thủy tinh thể. Không chỉ vậy, lối sống thiếu lành mạnh (sử dụng nhiều chất kích thích như rượu bia, thuốc lá...), hay căng thẳng, mắt tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài… được cho rằng có liên quan đến việc thúc đẩy bệnh đục thủy tinh thể. 

Hình thái của bệnh có thể là đục nhân hoặc đục vỏ, đục dưới bao sau. Đục nhân là nguyên nhân khiến thể thủy tinh đục dần dần từ nhân thủy tinh thể. Người bệnh có thể cảm thấy thị lực nhìn gần cải thiện tạm thời nhưng tới khi thể thủy tinh chuyển sang màu nâu thì mắt sẽ nhìn mờ và khó phân biệt màu sắc. Đục vỏ là hình thái đục từ phía chu biên của vỏ bao thủy tinh thể tiến dần vào trung tâm. Đục dưới bao sau là xuất hiện các đám mờ ở trung tâm hoặc cạnh trung tâm vùng bao sau thể thủy tinh. Vùng đục thường nhỏ nhưng lại nằm đúng vùng ánh sáng đi qua nên thường gây các triệu chứng giảm thị lực trong điều kiện ánh sáng mạnh. Hiện tượng quầng và lóa khiến bệnh nhân rất khó chịu.

Bệnh diễn biến thường chậm, không gây đau đớn, ở giai đoạn đầu gần như không thấy bất kỳ dấu hiệu nào. Khi đến giai đoạn nặng hơn, người bệnh sẽ thấy các triệu chứng điển hình. Thứ nhất là mắt nhìn mờ hơn, khó nhìn, hay mỏi mắt khi tập trung nhìn vào một vật, khó khăn khi lái xe vào ban đêm. Tiếp theo, bệnh nhân tăng nhạy cảm với ánh sáng, hay bị lóa mắt. Thị lực của họ bị ảnh hưởng bởi các mức độ sáng khác nhau. Nhiều người cho biết mình nhìn mờ như có màn sương che trước mắt. Các triệu chứng kể trên có thể thấy ở 1 hoặc cả 2 mắt. Độ mờ có thể khác nhau tùy mức độ đục thủy tinh thể.

Không thể ngừa nhưng có thể cải thiện

Đục thủy tinh thể cần được theo dõi tới khi giảm thị lực chức năng và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày. Cuối cùng, bệnh nhân cần phẫu thuật bỏ thủy tinh thể đục và thay thế bằng các loại kính nội nhãn để lấy lại thị lực.

Người mắc các bệnh lý chuyển hóa như tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp cũng là đối tượng nguy cơ cao của đục thủy tinh thể ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Người mắc các bệnh lý chuyển hóa như tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp cũng là đối tượng nguy cơ cao của đục thủy tinh thể - Ảnh minh họa: Internet

Có 2 phương pháp phẫu thuật lấy thủy tinh thể. Thứ nhất là phương pháp phẫu thuật lấy thể thủy tinh (trong bao, ngoài bao) có hoặc không đặt thủy tinh thể nhân tạo (IOL). Bác sĩ sẽ tạo một đường rạch dài ở 1 phía giác mạc và lấy phần nhân cứng thủy tinh thể ra, sau đó hút phần còn sót lại rồi khâu đóng vết mổ. 

Thứ hai là phẫu thuật tán nhuyễn thể thủy tinh bằng siêu âm (Phaco) có hoặc không đặt IOL. Bác sĩ sẽ tạo 1 đường rạch nhỏ ở 1 bên giác mạc để đưa thiết bị vào mắt. Thiết bị này phát ra sóng siêu âm làm thủy tinh thể mềm và phân thành những mảnh nhỏ, sau đó có thể hút ra. Hiện nay, phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng phương pháp Phaco đang được thực hiện rất phổ biến trên thế giới và Việt Nam. Phaco mang lại khả năng tán nhuyễn và lấy thủy tinh thể đục ra khỏi mắt một cách nhanh chóng và an toàn. Nhờ đó, kết quả của phương pháp này cũng tốt hơn và thời gian hồi phục nhanh hơn.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân cần khám mắt tổng quát nhằm xác định mức độ bệnh, từ đó lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp. Người bệnh sẽ được hỏi về tiền sử dùng thuốc, tiền sử bệnh toàn thân và tại mắt. Tiếp đến, bác sĩ đo thị lực, đo nhãn áp, khám bán phần trước, bán phần sau, siêu âm mắt và đo các thông số sinh trắc (bao gồm đo chiều dài trục nhãn cầu). Điều này giúp tính toán công suất thủy tinh thể nhân tạo. Nhờ thông số trên, bác sĩ biết được độ khúc xạ mục tiêu và tiên lượng sau mổ. Ngoài ra, bệnh nhân cần khám sức khỏe tổng quát trước khi phẫu thuật nhằm giúp lường trước những tác nhân khác có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật, cũng như dự đoán kết quả và hạn chế các biến chứng. Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu cũng rất quan trọng.

Thời gian phẫu thuật thông thường từ 10-20 phút. Bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày. Phẫu thuật Phaco diễn ra rất nhanh và an toàn, không gây đau, không chảy máu. Vết mổ nhỏ nên không cần khâu, giảm hiện tượng loạn thị. Một ngày sau phẫu thuật, các trường hợp không biến chứng thường có thị lực tốt và thị lực dần cải thiện tốt hơn từ 4 đến 6 tuần khi quá trình tái tạo nhãn cầu diễn ra. 

Bước chăm sóc hậu phẫu cũng đóng vai trò khá quan trọng, quyết định sự thành công của ca mổ. Vì thế, bệnh nhân cần sử dụng thuốc sau phẫu thuật theo đúng chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bệnh nhân tránh để xà phòng và nước bẩn bắn trực tiếp vào mắt, không dụi hoặc ấn mạnh vào mắt, hạn chế vận động mạnh, đeo kính để bảo vệ mắt. Để giữ an toàn cho quá trình hồi phục, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết khi nào có thể tập thể dục, lái xe hay thực hiện các hoạt động thường nhật trở lại. 

Thanh Huyền

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI