Tháng Tư và tháng Năm vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có đợt giám sát về tình hình xâm hại trẻ em (XHTE) trên địa bàn. Theo dõi hoạt động của đợt giám sát này tôi giật mình.
Những vùng nông thôn như Bình Chánh, Củ Chi tưởng như rất yên bình thì lại “dậy sóng” bởi tình trạng XHTE. Có nơi mỗi năm xảy ra hàng chục vụ. Nhiều gia đình đã rơi vào thảm cảnh khi có con em bị “yêu râu xanh” tấn công. Có nhà tan tác bởi kẻ xâm hại trẻ chính là người thân, ruột thịt… Không ít đứa trẻ đã mang thai và phải làm mẹ sớm ở cái tuổi vẫn còn là con nít. Nhiều đứa trẻ, kể cả kẻ thực hiện hành vi xâm hại, đều đã phải dở dang việc học hành; nhiều thanh thiếu niên rơi vào vòng lao lý, đánh mất tương lai.
Nhưng vấn đề nghiêm trọng hơn khiến tôi trăn trở, đó là công tác bảo vệ trẻ trước vấn nạn xâm hại tình dục (XHTD) tại thành phố đang có lỗ hổng cần báo động.
Trong chuyến giám sát, bà Thi Thị Tuyết Nhung - trưởng đoàn đã từng không hài lòng: vì sao đến thời điểm này rồi mà vẫn còn có địa phương báo cáo chưa trung thực về tình hình xâm hại trẻ em?
|
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH)với đoàn giám sát, trong thời gian từ năm 2017 đến 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 71 vụ/113 trẻ bị bạo hành, XHTD, trong đó có 49 vụ xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE); hầu hết các nạn nhân bị bạo lực, xâm hại đều được cán bộ chuyên trách của ngành từ thành phố đến cơ sở tiếp cận, can thiệp, hỗ trợ, chăm sóc; trong khi cùng thời gian trên, công an thành phố lại ghi nhận đến 170 vụ liên quan bạo lực, XHTE, trong đó có 147 vụ XHTDTE.
Sự vênh nhau quá lớn của những con số nêu trên khiến ta phải đặt câu hỏi: phải chăng có đến 98 đứa trẻ là nạn nhân trong các vụ XHTD trên địa bàn thành phố đã bị bỏ rơi, không được cán bộ chuyên trách trẻ em tiếp cận, can thiệp, chăm sóc… theo quy định của pháp luật? Phải chăng cán bộ chuyên trách trẻ em cấp xã/phường/thị trấn đã chưa làm hết trách nhiệm của mình?
Theo tôi, ở đây đang có sự thiếu đồng bộ, nhất quán và chưa nghiêm túc trong thực thi Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/CP hướng dẫn thi hành luật này.
Bà Trần Thị Phương Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - phát biểu tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn quận 9
|
|
Tính đến cuối năm 2018, toàn TP.HCM có 384 nhân viên phụ trách bảo vệ trẻ em, trong đó hoạt động ở cấp xã/phường/thị trấn là 334 người, theo báo cáo của ngành LĐTBXH. Như vậy là không phường/xã/thị trấn nào ở thành phố không có cán bộ làm công tác trẻ em. Vậy thì vì sao trẻ bị xâm hại xảy ra ngay trên địa bàn mà cán bộ không biết? Vì sao giữa hai ngành cùng can thiệp và bảo vệ trẻ em bị xâm hại lại có con số báo cáo vênh nhau lớn như vậy?
Theo tôi có rất nhiều nguyên do, trong đó phải kể đến nhiều vụ việc người dân đã không báo với chính quyền mà tố cáo trực tiếp với công an quận, huyện. Nhiều vụ việc nạn nhân là người từ nơi khác đến thành phố ở trọ, không đăng ký tạm trú, tạm vắng, sau khi bị xâm hại, đi tố cáo với công an rồi âm thầm dọn nhà đi chỗ khác nên chính quyền không nắm bắt được.
Nguyên do thứ hai đồng thời cũng là một thách thức của công tác bảo vệ trẻ em, đó là sự non tay của lực lượng cán bộ bảo vệ trẻ em cơ sở. Điều này thì báo cáo của Sở LĐTBXH TP.HCM cũng cho biết, hiện đội ngũ nhân sự làm công tác trẻ em từ thành phố đến quận/huyện đã có sự biến động theo chiều hướng giảm cả về số lượng và chất lượng.
Thượng tá Trần Đức Thắng - Phó trưởng CA huyện Bình Chánh cũng tỏ ra sự bức xúc trước nạn xâm hại trẻ em trên địa bàn.
|
|
Tuy nhiên, theo tôi suy đoán, trong vấn đề trên “lỗi” một phần có thể xuất phát từ phía công an. Phải chăng đã có những trường hợp công an chỉ lo điều tra, phá án mà bỏ quên thông tin vụ việc cho chính quyền, đoàn thể cùng can thiệp, hỗ trợ nạn nhân, giám sát việc thực thi pháp luật cho đồng bộ và hiệu quả? Ở đây, theo tôi, không chỉ là con số báo cáo vênh nhau, mà còn là nỗi đau, là khoảng trống đầy thách thức trong công tác bảo vệ trẻ em của thành phố. Nó cho thấy sự thiếu nhịp nhàng, đồng bộ giữa các ngành, các cấp trước vấn nạn XHTDTE.
Tháng 6/2019: Kiểm tra, thanh tra liên ngành về tình hình thực hiện quyền trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em
Ngày 28/5, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã ban hành Kế hoạch số 2016/KH-UBQGVTE về việc kiểm tra, thanh tra liên ngành về tình hình thực hiện quyền trẻ em và công tác bảo vệ trẻ em năm 2019.
Cụ thể, trong tháng Sáu này, việc kiểm tra sẽ được thực hiện tại 2 bộ, ngành và 7 tỉnh thành trong cả nước. Mỗi đoàn kiểm tra do một thành viên của ủy ban làm trưởng đoàn và đại diện các bộ, ngành, tổ chức tham gia. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ thanh tra một số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.
Tiếp theo, trong quý III/2019, Bộ LĐTBXH và Bộ Tư pháp sẽ tiến hành thanh tra tại các cơ sở trợ giúp xã hội (có chức năng cho con nuôi người nước ngoài) của ba tỉnh thành.
Nội dung kiểm tra gồm: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, ban hành văn bản; phân công, phối hợp và triển khai các hoạt động nhằm bảo đảm quyền của trẻ em theo trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em. Công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của người dân và trẻ em về bảo vệ trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Theo báo cáo của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, năm 2018 phát hiện 1.356 vụ với 1.479 đối tượng xâm hại 1.358 trẻ em, trong đó có 1.087 vụ xâm hại tình dục, chiếm tỷ lệ 80%.
Đông Phong
|
Theo dõi từng buổi làm việc của đoàn giám sát của HĐND thành phố, tôi cảm nhận được sự cả quyết và thẳng thắn của từng thành viên khi chỉ ra những báo cáo chưa trung thực về tình hình XHTE từ cơ sở. Và hơn nữa, đoàn đã soi được nguyên do vì sao hành trình khiếu kiện của người dân, của những nạn nhân bị XHTD lại quá nhiêu khê như đã từng.
Tôi mong HĐND và chính quyền thành phố một lần nữa hãy ngồi lại để nhìn nhận, rút kinh nghiệm về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trước vấn nạn XHTD một cách thật nghiêm túc và có trách nhiệm. Vì sao quy trình phối hợp thống nhất trong can thiệp các vụ việc XHTE đã được bàn nhiều mà đến nay chưa thể ban hành? Chúng ta cần phải chờ thêm gì nữa?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM)