Không chấp nhận con bị tâm lý, cha mẹ đi chọc tủy con để tìm bệnh

31/07/2017 - 20:00

PNO - Đưa con đi khắp các bệnh lớn ở TP.HCM, khám gần như tất cả các khoa, vợ chồng anh L.T.H. (35 tuổi, ở TP.HCM) vẫn không thể nào tìm ra được bệnh của con trai.

Con hờn dỗi vì mẹ thích xem phim dài tập

Gần đây bé L.M.Q. (4 tuổi) thường bị nóng sốt, ngất xỉu liên tục, bé sợ ăn vì cứ ăn vào, lại ói ra hết. Theo anh H., những lúc bé Q. biểu hiện bệnh, anh đều ôm bé đi chạy chữa, hết khoa Ngoại đến khoa Nội, hết bệnh viện đến bác sĩ tư... nhưng sau mỗi lần xét nghiệm, bác sĩ đều khẳng định bé không bệnh. 

Khong chap nhan con bi tam ly, cha me di choc tuy con de tim benh

“Còn nước còn tát”, anh chị điểm lại các khoa mình đưa con đi chỉ còn sót lại khoa Tâm lý. “Tôi không nghĩ con mình bị tâm lý, nhưng thực sự không còn khoa nào để khám cho bé. Tôi thử đưa con đến bác sĩ để xem có bị tự kỷ hay thần kinh có vấn đề gì không”, anh H. thở dài.

Khi anh đưa bé Q. đến gặp thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến, chuyên gia tâm lý lâm sàng, khoa Tâm lý, Bệnh viện Quận 2 TP.HCM, chị Yến phát hiện bé Q. không bị bệnh về thực thể mà có bệnh về tâm lý. 

Nguyên nhân khiến bé bị nóng sốt, nôn ói liên tục là do bé muốn thể hiện cảm xúc của mình, muốn được mẹ quan tâm, ôm ấp, muốn được chơi, được nói chuyện với cha mình nhưng luôn bị để mặc suốt một thời gian dài.

Anh H. cho rằng mình liên tục bận rộn với những chuyến công tác nên anh… tạm để con như vậy. Tuy nhiên, càng ngày, bé Q. không chịu ăn uống mặc cho mẹ bé kỳ công nấu nướng.

Mỗi lần lên cơn bệnh, bé Q. không chấp nhận một sự quan tâm nào ngoài ba và mẹ mình. Điều này khiến anh chị phải lao đao khi ai cũng bận việc, không thể ở suốt bên cạnh để vỗ về bé.

Khong chap nhan con bi tam ly, cha me di choc tuy con de tim benh

Điều đáng buồn, trong khi bé đã chờ đợi cả một ngày dài để có thể được ở bên cha mẹ, nhưng cuối ngày cha lại đi công tác. Khi bé Q. muốn nói chuyện với mẹ, mẹ lại đẩy bé ra, hoặc cứ để bé tự nói mà không trả lời vì… bận xem phim dài tập. 

Để gây sự chú ý từ mẹ, bé Q. đập phá đồ chơi, la hét, quấy khóc, từ đó bị nôn ói. Khi bé nôn ói lại bị mẹ đánh đòn, bắt ăn lại đồ ăn nên sợ hãi. Mỗi lần đến giờ cơm, bé lại nóng sốt, ngất xỉu, nôn ói.

Khong chap nhan con bi tam ly, cha me di choc tuy con de tim benh
Cha mẹ luôn lắng nghe con

Thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến cho biết: “Bé Q. không phải bị tự kỷ hay thần kinh như ba của bé nghĩ, mà bị bệnh tâm lý ở dạng rối loạn tâm căn. Vì khi tôi tiếp xúc với bé, cháu tiếp xúc tốt, phản ứng nhanh nhạy.

Việc bé đột ngột bị nóng sốt, ngất xỉu là do cảm xúc của bé quá lớn nhưng không biết cách thể hiện ra bên ngoài. Cảm xúc quá mức chịu đựng khiến bé không chịu nổi sẽ lả đi, mệt mỏi, nôn ói, cảm thấy đau nhức cơ thể. Thậm chí, bé sẽ ngất xỉu”.

Dù các bác sĩ và chuyên gia tâm lý khẳng định bé chỉ bị tâm lý nhưng anh H. không tin, quyết định ôm con về, tiếp tục đi chọc dò tủy sống… tìm bệnh cho con. Điều này nguy hiểm vì tai biến chọc dò dịch não tủy có thể xảy ra.

Khong chap nhan con bi tam ly, cha me di choc tuy con de tim benh
Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến

Đừng bao giờ đổ lỗi cho thời gian

Theo chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến, hầu hết cha mẹ có con bị bệnh tâm lý khi chị trao đổi, câu đầu tiên họ tâm sự không phải nói về con mình, mà luôn cho rằng “Tôi quá bận” hoặc “Tôi không có thời gian”. 

“Trẻ em ở bất kỳ độ tuổi nào, nhất là ở những giai đoạn quan trọng như lúc bé bắt đầu học hỏi về cách thể hiện cảm xúc, khi dậy thì, bé cần được nâng đỡ nhiều về ngôn ngữ, cảm xúc,… để không cảm thấy cô đơn, hụt hẫng. 

Cha mẹ nên dành ra khoảng 10 phút (đối với trẻ nhỏ), 15-20 phút (với trẻ ở giai đoạn dậy thì) để trẻ có thể bày tỏ cảm xúc của mình. Đừng để mỗi khi chúng muốn nói với cha mẹ, người thân thì người lớn lại bận việc, xem ti vi, hay tiếp nhận một chiều (nghe mà không trao đổi với trẻ - PV). Đừng ngụy biện rằng tôi không có thời gian mà bỏ mặc cảm xúc của con mình”.

Khong chap nhan con bi tam ly, cha me di choc tuy con de tim benh

Ngày càng có nhiều trẻ em mắc các chứng bệnh về tâm lý. Trẻ bị vấn đề về tâm lý có những biểu hiện khác nhau từ việc ngồi im lặng một góc, chơi một mình, đến quấy phá gây sự chú ý hay có các triệu chứng thực thể như đau bụng, co giật, vận động yếu… 

Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Quận 2, mỗi tuần trung bình có đến 4 ca trẻ em bị mắc bệnh tâm lý, thường gặp nhất ở những trẻ khoảng 4 tuổi trở lên. 

“Không hẳn trẻ thờ ơ những sự việc xảy ra xung quanh, hay bộc lộ hành vi, cảm xúc theo hướng phản ứng mạnh, tiêu cực đều bị bệnh tự kỷ. Cha mẹ nên tìm hiểu, xem lại các tình huống giao tiếp của mình với trẻ. Ngoài những câu thăm hỏi thường nhật như con học bài xong chưa, con ăn gì chưa,… hãy lắng nghe, phản hồi tâm sự của trẻ", thạc sĩ Phan Thị Hoài Yến chia sẻ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI