Không chần chừ nhập viện nếu trẻ thở rên sau khi tiêm vắc xin ComBE Five

16/01/2019 - 16:46

PNO - PGS.TS Trần Minh Điển - BV Nhi Trung ương khuyến cáo, khi trẻ xuất hiện thở rên sau khi tiêm vắc xin ComBE Five, cần nhanh chóng đưa đi bệnh viện để tránh hậu quả đáng tiếc

Trẻ càng khỏe mạnh, phản ứng càng nặng

Chiều 16/1, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác xử lý phản ứng sau tiêm chủng tại 700 điểm cầu trên cả nước. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, đây là cuộc họp khẩn cấp với sự tham gia của cả những người làm công tác dự phòng (cán bộ tiêm chủng, sàng lọc bệnh…) tới những người xử lý phản ứng nếu có.

Có thể thấy, đây là động thái của Bộ Y tế sau khi những thông tin về vắc xin ComBE Five gây ra nhiều luồng dư luận. Hiện đã có 3 ca tử vong sau khi tiêm vắc xin ComBE Five, trong đó 2 ca không xác định rõ nguyên nhân và 1 ca đang được dự đoán sốc phản vệ.

Về vấn đề phản ứng sau khi tiêm vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, đây là một vấn đề khó khăn. Bộ trưởng Tiến phân tích, khi tiêm chủng có nghĩa là trực tiếp gây ra miễn dịch chủ động. Đưa vào cơ thể con người 1 lượng kháng nguyên không đủ gây bệnh nhưng có khả năng kích thích cơ thể sinh ra lượng kháng thể.

Khong chan chu nhap vien neu tre tho ren sau khi tiem vac xin ComBE Five
Trẻ được tiêm chủng ComBE Five tại trạm y tế

“Khi kháng nguyên gặp kháng thể, bao giờ cũng có một phản ứng, nhẹ nhất là sốt. Nếu không có phản ứng đó, khó lòng sinh ra kháng thể chủ động. Chúng ta thấy, trẻ càng khỏe mạnh, phản ứng càng mạnh, sốt càng cao”, Bộ trưởng Tiến nói.

Không chỉ với vắc xin ComBE Five mà theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đã đưa chất lạ, thuốc vào cơ thể thì luôn có nguy cơ phản ứng, nhẹ là sốt, nặng là sốc phản vệ, thậm chí tử vong. Dù tiêm chủng không an toàn tuyệt đối song nếu không tiêm chủng chắc chắn sẽ mắc bệnh. Càng mắc bệnh nhiều, nguy cơ tử vong càng cao.

So với vắc xin toàn tế bào (ComBE Five), vắc xin vô bào (như một số vắc xin dịch vụ tại Việt Nam) an toàn hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tiến cho rằng tiêm vắc xin vô bào thì nhiều trẻ vẫn có nguy cơ có bệnh, do kháng thể vô bào không mạnh bằng toàn tế bào “Trên thế giới đang bàn cãi về vắc xin vô bào. Nhiều nơi muốn quay lại tiêm vắc xin toàn tế bào, nhất là khu vực biên giới”, Bộ trưởng Tiến nói.

Những dấu hiệu phải đưa trẻ tới cơ sở y tế sau khi tiêm ComBE Five

Liên quan tới trường hợp trẻ 70 ngày tuổi tại Hà Nội tử vong sau khi tiêm vắc xin comBE Five, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, qua báo cáo cho thấy, phản ứng của trẻ không mạnh như phản ứng của vắc xin Quinvaxem (sốt cao, co giật, nôn trớ nhiều) mà trẻ chỉ nôn nhẹ, nằm yên. Lúc bố mẹ phát hiện ra và đưa đi bệnh viện thì đã muộn.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh các cán bộ tại cơ sở tiêm chủng hướng dẫn trẻ sát sao hơn về các biểu hiện phản ứng sau khi tiêm phòng.

Tại Hội nghị, PGS.TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương khuyến cáo, saau khi tiêm vắc xin, trẻ biểu hiện sốt cao trên 39 độ C, sốt kéo dài trên 24 giờ hoặc sốt xuất hiện sau 12 giờ thì cần nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế.

Bên cạnh đó, còn có các dấu hiệu khác cần lưu ý như: quấy khóc kéo dài, kém tương tác cha mẹ, trẻ mệt xỉu, li bì và hôn mê; co giật; nôn trớ, bú kém, bỏ bú; phát ban.

PGS.TS Trần Minh Điển khuyến cáo, phải đặc biệt chú ý khi trẻ xuất hiện dấu hiệu thở rên: “Khi trẻ thở nhanh, khó thở co kéo hõm ức, thở rên, ậm ạch, tím môi và chi lạnh… thì nên đưa trẻ đi bệnh viện".

Khong chan chu nhap vien neu tre tho ren sau khi tiem vac xin ComBE Five
Nếu trẻ thở rên sau khi tiêm vắc xin ComBE Five, cần nhanh chóng đưa tới bệnh viện

Trường hợp trẻ ở Thạch Thất vừa tử vong, lúc 22 giờ ngày 9/1, bé có thở rên nhưng gia đình không đưa đi bệnh viện. Thở rên có thể nhận biết là những âm thanh ngắn, bật hơi và nghe như tiếng rên rỉ.

Với các trường hợp trẻ gặp phản ứng nhẹ hơn như sưng tấy chỗ tiêm, bỏ bú, sốt… Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương khuyên các gia đình theo dõi cẩn thận tại nhà. Cho trẻ bú ít một, nhiều lần và hạ nhiệt bằng Paracetamol với liều lượng 10/15 mg/kg/lần. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI