edf40wrjww2tblPage:Content
Sau giờ thi môn Toán tại Hội đồng thi Trường Nguyễn Thị Minh Khai, nhiều thí sinh rất vui vì làm bài đạt kết quả khá tốt - Ảnh: Phùng Huy
Đề dễ
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, ngày thi thứ hai đã tiếp tục diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đề thi của các môn toán, hóa học và địa lý có nội dung phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình THPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi.
Trong buổi thi môn toán, có bốn thí sinh vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi. Ca thi môn hóa có một thí sinh GDTX bị đình chỉ thi cũng do mang điện thoại di động. Một thí sinh GDTX bị đình chỉ thi môn địa lý do mang tai nghe bluetooth. Không có giám thị nào vi phạm quy chế thi.
Đề thi năm nay không khó. Qua hai ngày với sáu môn thi, đa phần giới chuyên môn và cả TS đều cho là đề dễ, điểm khá giỏi có khả năng “lạm phát”. Thầy Hồ Thành Lợi, tổ trưởng tổ toán trường THPT Nhân Việt đánh giá đề thi môn toán: “Đề có 3 câu để phân loại học sinh (HS) là ý 2 ở câu 2, câu 4 và ý 2 của câu 5. Thời gian làm bài năm nay chỉ 120 phút, ngắn hơn so với các năm trước (180 phút), nhưng đề không làm khó HS có sức học từ trung bình khá trở lên. Đề hoàn toàn ra đúng trọng tâm chương trình toán lớp 12, vừa sức HS nên có thể yên tâm là HS có học lực trung bình cũng có thể đạt từ 5-7 điểm. Với một đề thi tốt nghiệp nhằm kiểm tra kiến thức HS là chính thì như vậy là phù hợp”.
Nhận định về đề môn hóa, ThS Lương Công Thắng, giáo viên Trung tâm luyện thi Thành Đô, đánh giá: đề năm nay khó hơn so với năm ngoái, có khoảng 15% câu hỏi có độ khó cao hơn. Tuy khó hơn nhưng đề hoàn toàn hợp lý cho kỳ thi tốt nghiệp. Phần lý thuyết tương đối cơ bản để đánh giá đại đa số HS. Đề phân bố kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, chỉ duy nhất một câu rơi vào kiến thức lớp 11. HS trung bình có thể đạt từ 6 - 6,5 điểm, HS muốn đạt điểm 10 phải nắm vững kiến thức và khả năng tính toán. Dự đoán điểm khá giỏi môn hóa năm nay sẽ nhiều.
Với môn địa lý, cô Huỳnh Thủy Thùy Lan, giáo viên trường THPT Hồng Hà (Q.Gò Vấp), cho rằng: đề không khó mà lại rất hay, yêu cầu HS vận dụng kiến thức là chính. Theo cô Lan, nếu HS có kỹ năng đọc hiểu Atlat địa lý thì không cần thuộc lòng vẫn có thể đạt 8-9 điểm, thậm chí 10 điểm. “Các câu hỏi có tính vận dụng cao, đòi hỏi TS có sự hiểu biết thực tế khi làm bài, không cần phải học vẹt. Cấu trúc đề thi năm nay cũng không còn để TS chọn theo chương trình chuẩn và nâng cao mà cả bốn câu đều là câu hỏi chung cho tất cả TS, trải dài trong chương trình địa lý lớp 12.
Các câu hỏi đều mang tính thời sự và có ý nghĩa, cụ thể như hỏi về vùng biển Việt Nam bao gồm những bộ phận nào; nguồn tài nguyên khoáng sản và hải sản; vì sao phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù chỉ là vùng đất nhỏ; tình hình sản xuất lúa của nước ta trong những năm qua… Tất cả những yêu cầu này có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước cho HS, giúp các em ý thức được việc phải bảo vệ những nguồn tài nguyên của đất nước.
Câu hỏi về biển còn cho các em tầm nhìn ra thế giới, hiểu được vùng biển của nước ta sẽ nằm trong mối quan hệ với tám quốc gia khác trong vấn đề Biển Đông. Riêng câu kỹ năng của đề thi cũng thể hiện rõ yêu cầu, TS dễ dàng giải quyết được khi nhìn vào Atlat. “Với đề này, TS có thể làm bài thoải mái, chỉ cần dựa vào hiểu biết là có thể làm được” - cô Thùy Lan cho biết.
Cần đổi mới như đề thi môn văn
Đề thi môn văn học ngày càng được đổi mới trong những năm qua. Nhưng, sự đổi mới mạnh mẽ cả về hình thức lẫn nội dung thì chỉ có đề thi của kỳ thi tốt nghiệp năm nay.
Về hình thức, đề thi đã phá bỏ “cấu trúc đề” xưa cũ và xơ cứng tồn tại bao năm nay (gồm ba câu: tái hiện kiến thức đã học - 2 điểm, nghị luận xã hội - 3 điểm và nghị luận văn học - 5 điểm) khi chỉ ra hai câu với một câu 3 điểm và một câu 7 điểm. Cả hai câu đều có sự tích hợp giữa nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Đặc biệt, ở câu 2, đề thi chọn một trích đoạn trong vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ và đưa cả nội dung đoạn trích vào đề thi, giúp TS không cần thuộc tác phẩm vẫn có thể làm bài. Đây là một sự đổi mới táo bạo nhưng đúng hướng, được dư luận hoan nghênh. Đặc biệt hơn, các câu hỏi của đề thi đều theo hướng “mở”, gắn với đời sống xã hội hiện thực, tránh cho TS lối học vẹt và tạo điều kiện để TS có thể thoải mái trình bày suy nghĩ, quan điểm, bộc lộ được khả năng và kỹ năng viết.
Điều khiến nhiều HS và cả phụ huynh băn khoăn là: liệu đáp án của đề thi môn văn có mở không và “mở” như thế nào? Cô Nguyễn Thị Phương Trâm - giáo viên trường THPT Tân Phú (Định Quán - Đồng Nai) đánh giá: “Mức độ đổi mới của đề thi là phù hợp, có sự lồng ghép nhưng không quá lạ với HS. Tôi đoán, đáp án sẽ mở và cho phép giáo viên chấm điểm theo hướng có lợi nhất cho HS”. Về kết quả, cô Trâm cho rằng, để đạt điểm 5 thì không khó, nhưng đạt điểm giỏi thì không nhiều. Trước kỳ thi, lãnh đạo Bộ cũng khẳng định: cùng với việc đổi mới đề thi, đáp án chắc chắn cũng sẽ rất đổi mới.
Sự thay đổi mạnh mẽ ở cách ra đề thi môn văn đã đặt ra vấn đề là đề thi các môn học khác có thể đổi mới theo hướng thiết thực hơn với đời sống? Ông Hồ Phú Bạc - Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng - Sở GD-ĐT TP.HCM - khẳng định: “Hoàn toàn có khả năng”.
Ông Nguyễn Văn Ngai - người có nhiều năm làm phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói: “Điều này là có thể thực hiện ngay đối với các môn lịch sử và địa lý. Còn các môn khác như toán, lý, hóa… cũng không phải là không thể. Những kiến thức HS được học là để ứng dụng vào cuộc sống, nên việc học và thi cũng phải theo hướng đó. Nếu đề thi được đổi mới theo hướng gắn bó thiết thực với cuộc sống, sẽ tác động tích cực đến quá trình đổi mới dạy-học, tạo tiền đề cho việc đổi mới giáo dục thực sự sau năm 2015”.
Từ đề thi các môn sử và văn, có thể thấy đề thi các môn xã hội muốn gửi đến HS (và cả phụ huynh) “thông điệp”: học các môn xã hội không cần phải thuộc lòng mới được điểm cao, mà phải biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Minh Nhật - Tiêu Hà - Dung Nhi