Không cần mua thêm son

29/11/2024 - 06:27

PNO - Nếu mua một cây son, tôi nhất định phải lùng sục cho ra một bộ trang phục phù hợp theo mường tượng. Nếu chốt một đôi giày, tôi cứ quẩn quanh ý nghĩ chắc nơi nào đó, cửa hàng nào đó đang sở hữu chiếc túi phù hợp.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstok

Tôi tự hỏi, tại sao mình phải đầu tư quá nhiều thời gian, tiền bạc và tâm trí cho một công việc không khó, lặp đi lặp lại mỗi ngày. Nếu thực sự yêu bản thân thì tôi phải tỉnh thức để xem việc trang điểm, lựa chọn trang phục cũng như ngồi xuống uống ly nước, ăn chén cơm. Tất cả đều cần được thực hiện một cách bình thường, thảnh thơi, hợp lý.

Sáng nay, khi lướt Facebook, tôi bắt gặp hàng loạt quảng cáo về son. Có những màu trước đây tôi chưa từng thấy qua. Nào là hồng mạc, cam mật, cam hồng mơ. Tôi chột dạ, liệu có phải đây chỉ là chiêu trò của nhà sản xuất khi muốn đặt thêm những cái tên thật mới, thật kêu.

Tuy nhiên, khi lắng lại đọc mô tả và quan sát thật kỹ thì tôi nhận ra, những cái tên ấy thực sự được đặt rất trúng, rất hợp. Theo cảm nhận của tôi, hồng mạc sẽ hợp với những bộ đầm, váy sáng màu, chất tơ, lụa mềm rủ, phom dáng rộng giúp người mặc có cảm giác phiêu diêu, bồng bềnh.

Cam mật là một sắc màu tươi trẻ, rất phù hợp với những cô nàng hiện đại, quyến rũ.
Riêng những cô nàng có tính cách lãng mạn, nhẹ nhàng sẽ dành nhiều ưu tiên cho màu son còn lại.

Thật ra, tôi không phải là nhà tạo mốt, càng không hoạt động trong ngành nghề liên quan đến mỹ phẩm, chăm sóc sắc đẹp hay thời trang. Chỉ là vì làm việc tự do nên tôi có thêm chút thời gian và linh động để quan tâm, chăm chút cho mình.

Tôi nắm kỹ nguyên tắc phối màu trong thời trang; biết lựa chọn chế độ dinh dưỡng nào tối ưu cho da, vòng eo, sức khỏe; trong điều kiện thời tiết nào thì nên sử dụng mùi nước hoa gì cho phù hợp. Mỗi lần mua đôi dép, cây son, chiếc túi xách nào, trong đầu tôi cũng tự động “nhảy số” những kiểu áo quần kèm theo.

Ngăn mỹ phẩm của tôi mỗi ngày thêm chật (ảnh minh họa)
Ngăn mỹ phẩm của tôi mỗi ngày thêm chật (ảnh minh họa)

Ngăn đựng nước hoa, mỹ phẩm của tôi ngày càng chật. Tủ giày dép tràn trong tràn ngoài. Các kệ, giá áo quần thì ngổn ngang, chồng chất. Hằng tuần tôi đều luân chuyển, sắp xếp nhưng đồ đạc chẳng thể gọn gàng. Tất cả là hậu quả của việc cầu kỳ, tham lam quá mức khi mua sắm. Nếu mua một cây son, tôi nhất định phải lùng sục cho ra một bộ trang phục phù hợp theo mường tượng. Nếu chốt một đôi giày, tôi cứ quẩn quanh ý nghĩ chắc nơi nào đó, cửa hàng nào đó đang sở hữu chiếc túi phù hợp, kiểu “sinh ra là để dành cho nhau”.

Nhiều người bạn của tôi bảo, phụ nữ làm đẹp cũng như đàn ông xây nhà - chỉ cần nắm vững những nguyên tắc cơ bản thì trong chặng đường dài phía trước sẽ chẳng bao giờ phải lấp lửng, bối rối, chênh vênh.

Nhưng gần đây, tôi nhận ra mình đang dần rơi vào một mớ bòng bong của sự cầu kỳ trong hành trình đi tìm những vẻ đẹp. Khi kiến thức về thời trang càng được nâng lên, đồng nghĩa gu thẩm mỹ của tôi cũng càng tinh tế, khắt khe hơn.

Tôi tự hỏi, tại sao mình phải đầu tư quá nhiều thời gian, tiền bạc và tâm trí cho một công việc không khó, lặp đi lặp lại mỗi ngày. Nếu thực sự yêu bản thân thì tôi phải tỉnh thức để xem việc trang điểm, lựa chọn trang phục cũng như ngồi xuống uống ly nước, ăn chén cơm. Tất cả đều cần được thực hiện một cách bình thường, thảnh thơi, hợp lý.

Nhắc đến đây, bỗng nhiên tôi thấy có điều gì lấn cấn đầy quen thuộc. Hình như thái độ khi tôi mua sắm, chưng diện cũng hệt cách tôi tư duy, tương tác với chồng. Vì sự vị kỷ mà tôi luôn muốn mình được quan tâm nhiều hơn, luôn muốn chồng làm cho mình nhiều hơn những điều anh ấy có thể.

“Anh lấy áo quần từ sân vào sao không xếp gọn, phân loại luôn?”, “Anh cắm hoa làm gì mà mặt bàn bẩn thế anh vẫn để nguyên?”... Những câu trách chồng mà tôi liên tục phát ra xuất phát từ suy nghĩ chồng mình chưa bao giờ yêu và chăm sóc cho mình thực sự đầy đủ. Lúc nào anh ấy cũng thiếu sót, chểnh mảng; bản thân mình cần nhận được sự ân cần, lo lắng nhiều hơn.

Vì muốn nhiều hơn, muốn được cả “combo”, tôi đã không nhận ra những điều chồng mình đã và đang làm thật tốt, như việc chơi với con, mua hoa tươi cho vợ, lấy áo quần vào nhà kịp trước khi trời mưa…

Những mưu cầu, mong muốn sở hữu của tôi đã chẳng hề làm đẹp hơn cuộc hôn nhân mà chỉ gây thêm căng thẳng, mệt mỏi cho mối quan hệ giữa 2 người.

Cuộc sống đôi khi không phải nhiều mới tốt mà ít hoặc biết đủ mới tốt. Điều đó cũng chỉ được nhận ra sau những trải nghiệm, bài học tự thân.

Tôi đang lắng xuống để định vị lại lộ trình.

Tôi quyết định sẽ dùng thứ mình đang có chứ không rinh thêm những “hứa hẹn” về nhà.
Suy cho cùng, mọi chăm chút đều nhằm tìm kiếm một vẻ đẹp, mà vẻ đẹp cao nhất chính là sự tận hưởng trên tinh thần vừa đủ, yêu thương.

Tôi sẽ không mua thêm son.

Minh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI