Ngày 30/05, TAND Q.Bình Thạnh (TP.HCM) đã ra quyết định bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Nga (47 tuổi, ngụ Q.12) - nữ tài xế lái BMW gây tai nạn kinh hoàng, khiến 1 người chết và 5 người bị thương, ở ngã tư Hàng Xanh, vào đêm 21/10/2018 - sau thời gian bà được tại ngoại điều tra.
|
Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn ở ngã tư Hàng Xanh (TP.HCM) do nữ tài xế say rượu gây ra |
Vào cái đêm định mệnh ấy, theo lời bà Nga khai, bà có uống rượu bia tại một nhà hàng ở Q.3 và tự lái xe về nhà. Kết quả kiểm tra ghi nhận bà Nga có nồng độ cồn đến 0,94mg/lít khí thở.
Rạng sáng 01/05, hai phụ nữ đi xe máy trong hầm đường bộ Kim Liên (Hà Nội) đã bị Lê Trung Hiếu (39 tuổi, ngụ Q.Ba Đình, Hà Nội) lái Mercedes tông chết. Ông Hiếu khai với cơ quan điều tra, tối 30/4, ông có uống bia rượu trước khi lái xe. Nồng độ cồn của ông Hiếu tại thời điểm kiểm tra là 0,751mg/lít khí thở.
Trước đó, ngày 19/04, cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Định đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Huyện (60 tuổi, ngụ phường Trần Hưng Đạo, TP.Quy Nhơn) - người đã điều khiển chiếc xe Lexus bảng số “tứ quý 6” lao vào đám tang hôm 11/04, khiến 4 người chết, 9 người bị thương. Kết quả kiểm tra nồng độ cồn của ông Huyện là 0,315mg/lít khí thở.
|
Thân nhân một nạn nhân trong vụ xe Lexus lao vào đám tang ở Quy Nhơn |
Bà Nga, ông Huyện, ông Hiếu không phải là trường hợp cá biệt trong câu chuyện “nhậu say gây tai nạn”. Trái lại, họ chỉ là một số trong rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc đã (và chắc chắn sẽ còn) xảy ra tại Việt Nam. Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong quý I/2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người và 3.141 người bị thương. Chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 38.700 vụ vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe lưu thông trên đường.
Những vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra ở khắp nơi trên dải đất Việt Nam đã khiến bao gia đình rơi vào cảnh tang thương, gây thiệt hại khủng khiếp đối với nền kinh tế, đến mức đã có đề xuất xem việc lái xe gây tai nạn là hành vi giết người, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phát logo “Đã uống rượu bia - Không lái xe” và khuyến khích mọi người thay ảnh đại diện trên mạng xã hội bằng logo này, nhằm góp phần thay đổi nhận thức của người dân về an toàn giao thông và tác hại của bia rượu.
Thế mà, thật khó hiểu, chiều 3/6, Quốc hội khóa XIV đã không thông qua phương án quy định “cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn”, tức cấm lái xe một khi đã uống rượu bia, trong Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Thậm chí phương án quy định “cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông” cũng chỉ có 49,59% đại biểu đồng ý - không đủ số quá bán để được thông qua.
Bia, rượu có gì tốt đẹp để các vị đại biểu Quốc hội ngăn chặn việc chúng bị cấm (bán trong khung giờ quy định, quảng cáo trong các điều kiện cụ thể, uống rồi lái xe) trong luật? Còn nhớ, tại nghị trường Quốc hội, một đại biểu - sử gia đã dẫn cả thơ để phản đối việc cấm rượu bia. Có lẽ ông quên, người xưa cũng đã có thơ dặn rằng "Bán dạ tam bôi tửu" và đương nhiên là uống xong đi ngủ chứ không phải uống rồi lái xe trên đường để rồi có thể trở thành kẻ sát nhân.
Khi thảo luận về Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và khi biểu quyết không đưa các quy định cấm vào luật, có vẻ nhiều đại biểu cũng đã quên rằng, Luật Giao thông đường bộ "nghiêm cấm hành vi điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn", nghĩa là người đã uống rượu bia, bất kể nhiều hay ít, tuyệt đối không được lái xe hơi. Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, Luật Giao thông đường bộ cấm điều khiển xe nếu "nồng độ cồn vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở".
|
Bàn thờ chị Lê Thị Thu Hà - nữ lao công bị tài xế say xỉn tông chết vào đêm 22/4 tại Hà Nội |
Trong 3 vụ tai nạn xôn xao dư luận nêu trên, những người điều khiển xe hơi đều đã uống rượu bia và nồng độ cồn đều vượt mức quy định đối với xe mô tô, xe gắn máy - những điều họ thừa biết là bị cấm, bởi đó là những điều họ đã được học và trả lời trong kỳ thi sát hạch cấp giấy phép lái xe. Cái Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm (vẫn bị vi phạm, dẫn đến chết người), thật mỉa mai, lại còn chẳng được đưa vào Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia.
Thứ hạng cao của Việt Nam trong top những quốc gia tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới không hề là thứ hạng đáng tự hào trong thế giới văn minh mà đó chỉ là chỉ dấu của một xã hội say sưa, không tỉnh táo. Nếu không thể nâng cao được đời sống văn hóa tinh thần cho người dân trong việc loại bỏ cố tật "chén chú chén anh", thói quen bàn hợp đồng trên bàn nhậu, ép nhau uống đến say mèm và xem việc "ngàn chén không say" là đẳng cấp... ít nhất, có lẽ, những người đại diện cho ý chí của nhân dân cũng nên tìm cách chặn đám đệ tử lưu linh làm hại xã hội.
Giờ thì, Luật phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ không cấm người ta uống rồi lái xe (quy định ấy còn chả được đưa vào luật để biểu quyết nữa là) thì cái gì sẽ cứu những chị lao công quét đường trong đêm như chị Lê Thị Thu Hà? Cái gì sẽ cản những chiếc xe điên lao vào những con người lương thiện không đủ tiền "lấy sắt bọc thân"? Trong khi thế giới văn minh đã có những điều luật cấm rượu, bia; những quy định xử phạt cực nặng người lái xe say xỉn thì chúng ta dừng lại.
Phạm Thành Nhân