Không cấm chất tăng trọng Cysteamine: Thảm họa chăn nuôi mới?

18/10/2016 - 14:36

PNO - Trong khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn đang tranh cãi về việc có đưa cysteamine vào danh mục chất cấm hay không thì nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc sử dụng tràn lan hoạt chất này trong chăn nuôi.

Cysteamine hại thế nào?

Liên tục trong nhiều ngày qua, cơ quan chức năng đã phát hiện các vụ sử dụng cysteamine trong các sản phẩm thức ăn bổ sung cho vật nuôi. GS-TS Võ Duy Giảng - chuyên gia dinh dưỡng vật nuôi cho hay, trong chăn nuôi, cysteamine được coi là một peptid có hoạt tính sinh học, giữ vai trò kích thích sinh trưởng đối với tất cả các loại gia súc, gia cầm. Hormone tăng trưởng trong cơ thể con người giúp cơ thể phát triển bình thường và lớn lên. Đồng thời cơ thể tiết ra một chất kháng hormone tăng trưởng là somatostatin để kiềm chế, khiến hormone sinh trưởng không tiết ra quá nhiều, đảm bảo sự cân bằng về mặt tự nhiên.

Tuy nhiên, khi đưa cysteamine vào cơ thể, chất này sẽ ngăn cản hoạt động của somatostatin, khiến việc tiết hormone sinh trưởng không thể kìm hãm, làm cơ thể phát triển nhanh hơn bình thường. Theo tài liệu của Trung Quốc, sử dụng chế phẩm chứa cysteamine có thể giúp tăng tốc độ tăng trưởng hàng ngày tới 12% và tăng tỷ lệ nạc thêm 4,6%, giảm 8,5% lượng mỡ.

Mặc dù chưa có nghiên cứu khoa học cụ thể liên quan đến sức khỏe con người khi sử dụng các sản phẩm từ động vật được bổ sung cysteamine song GS Võ Duy Giảng cho rằng, vẫn có nhiều nghi ngại. “Khi sử dụng cysteamine, tuyến yên tăng tiết hormone tăng trưởng và sẽ kích thích gan, các mô mỡ tăng tiết IGF-1. Trước đây, một số nghiên cứu cho thấy, IGF-1 có mặt trong sữa bò (khi được tiêm thuốc kích sữa) cho thấy mối liên hệ với sự phát triển ung thư tuyến vú, kết tràng, tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, năm 2014 thì cơ quan nghiên cứu ung thư của Mỹ đã không xác nhận nghi ngờ này”, GS Võ Duy Giảng phân tích.

Khong cam chat tang trong Cysteamine: Tham hoa chan nuoi moi?

Khi sử dụng cysteamine cho động vật lấy thịt. IGF-1 trong mô động vật cũng tăng lên. Điều này gây hại cho sức khỏe của con người hay không, đến nay chưa có tài liệu nào đề cập đến và rất khó để có thể đánh giá bởi trong cơ thể con người cũng có chứa cysteamine, hay còn gọi là cysteamine nội sinh.

Còn theo PGS-TS Lã Văn Kính - Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi, Giám đốc Phân viện Chăn nuôi Nam bộ, tác hại của cysteamine là gây viêm loét tá tràng, tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa, hoại tử vỏ thượng thận. Các tài liệu nghiên cứu của nước ngoài ở người và chuột cho thấy, nếu sử dụng cysteamine liều cao sẽ làm giảm khả năng thụ thai và gây ra hiện tượng dị tật thai nhi.

Điều đáng lưu ý, tới thời điểm hiện tại, các nghiên cứu sử dụng cysteamine hầu hết chỉ được tiến hành ở Trung Quốc và cysteamine chỉ được sản xuất ở Trung Quốc. Đối với các nhà khoa học trong nước, do chưa có điều kiện nghiên cứu vấn đề này nên đều dừng lại ở việc tham khảo các tài liệu nghiên cứu của nước ngoài.

Không cấm cũng không cho phép

Hiện, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) vẫn đang bàn cãi về việc có nên đưa cysteamine vào danh mục chất cấm. Đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng không nên đưa chất này vào danh mục chất cấm nhưng cũng không cho phép, bởi chưa có đủ cơ sở khoa học để chứng minh tác hại của chất này đối với con người.

Phản bác lại quan điểm này, ông Nguyễn Văn Việt - Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT nhấn mạnh: “Dùng từ này rất khó hiểu. Đến thời điểm này thì phải thể hiện rõ quan điểm cấm hay cho phép. Nếu cấm thì sẽ như thế nào, nếu cho phép thì sẽ như thế nào; không nên để câu chuyện “lưỡng tính” như vậy”.

Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT cho rằng, hoàn toàn có đủ căn cứ để cấm cysteamine. Nếu không đưa vào danh mục chất cấm, việc xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm tương đối nhẹ. Do đó, với kết quả kinh doanh siêu lợi nhuận, các doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt để sử dụng, buôn bán hoạt chất này.

Lý giải về việc cysteamine không có trong danh mục được phép sử dụng của Codex và EU nhưng không bị đưa vào danh mục chất cấm, ông Việt cho rằng: “Phương thức chăn nuôi của Việt Nam và nhận thức của doanh nghiệp, người chăn nuôi hoàn toàn khác. Tại EU, việc chấp hành pháp luật rất nghiêm túc và họ không sử dụng. Nhưng ở Việt Nam lại hoàn toàn khác. Chúng ta phải đặt ra yếu tố này”.

Đồng quan điểm với Chánh thanh tra Bộ NN-PTNT, ông Lã Văn Kính cũng cho rằng: “Mật độ kiểm tra, kiểm soát của Việt Nam còn có hạn. Số lượng phòng phân tích đếm trên đầu ngón tay và hầu như chưa đạt chuẩn. Nếu không đưa cysteamine vào danh mục chất cấm thì chúng ta đang tự làm khó mình”.

Thực tế, theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, hiện Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y TW II chưa kiểm tra được cysteamine trong nước tiểu; chỉ có phòng thí nghiệm Pacifi c Lab của Singapore mới phân tích được cysteamine ở dạng nguyên liệu, chưa kiểm được ở dạng thành phẩm thức ăn chăn nuôi với đơn giá phân tích một chỉ tiêu lên tới 40-60 USD.

Ngoài ra, với tư cách của một chuyên gia dinh dưỡng vật nuôi, PGS-TS Lã Văn Kính khẳng định, về mặt dinh dưỡng, không cần sử dụng cysteamine, con giống vẫn có thể phát triển tốt và đem lại lợi nhuận.

Bên cạnh đó, đại diện Viện Thú y cho rằng, việc đưa chất này vào danh mục chất cấm là chính đáng bởi Việt Nam đang hướng tới một nền chăn nuôi lành mạnh, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Thông tin trên có khả năng tăng sức cạnh tranh, xuất khẩu của nông sản Việt Nam so với thị trường Thái Lan, Trung Quốc. “Chúng ta hướng tới hơn 90 triệu người tiêu dùng trong nước và hơn bảy tỷ người trên thế giới chứ không phải vì lợi nhuận”, vị này nhấn mạnh.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI