Không buông xuôi

26/03/2013 - 23:03

PNO - PN - “Không chỉ khán giả, giới chuyên môn mà cả những nghệ sĩ chúng tôi cũng đặt với nhau câu hỏi: Thị trường nhạc Việt ngày càng nhiễu loạn như thế, trách nhiệm thuộc về ai? Câu trả lời thường là những cái lắc đầu cười...

Khong buong xuoiChắc chắn không chỉ mình ca sĩ Phương Thanh (ảnh) lo ngại cho tương lai nhạc Việt như thế, mà bất kỳ ai quan tâm đến nền âm nhạc vài năm gần đây đều nhận ra sự bất ổn này.

Ở thời cực thịnh của nhạc Việt, những năm cuối thập niên 1990 và đầu 2000, hàng loạt những dự án âm nhạc có chất lượng ra đời. Lúc bấy giờ, đã manh nha khái niệm showbiz nhưng chất lượng của các sản phẩm âm nhạc luôn được đặt lên hàng đầu. Do vậy, những album thời ấy đến giờ vẫn là dấu son trong sự nghiệp của các ngôi sao như: Mây trắng bay về của Thanh Lam; Ngày không mưa, Khu vườn yên tĩnh của Hồng Nhung; Tóc ngắn, Made in Vietnam, Chat với Mozart của Mỹ Linh hay Nhật thực của Hà Trần.

Ngay cả ở dòng thị trường, người ta cũng không thể chê được các sản phẩm âm nhạc thời đỉnh cao của Lam Trường, Phương Thanh, Đan Trường, Cẩm Ly và sau này là Mỹ Tâm, Hồ Quỳnh Hương, Quang Dũng.

Nhưng đã lâu lắm rồi, hầu hết những cái tên đang ngự trị trên ngôi cao trong showbiz Việt chưa có một sản phẩm âm nhạc đúng chất. Các sản phẩm âm nhạc phát hành rải rác thời gian qua của những diva hay ngôi sao thị trường hầu như chỉ làm cho có để nhắc khán giả nhớ họ vẫn còn đây chứ không mang sự đột phá về nghệ thuật.

Có thể xem thời điểm này là đáy của nhạc Việt khi chính những người làm nghề còn tự chán với diện mạo của mình. Đó cũng chính là lý do các ca sĩ Lam Trường, Mỹ Tâm, Quang Dũng, Thanh Thảo, Đàm Vĩnh Hưng, Hồng Ngọc, Phương Thanh… đã có những buổi gặp gỡ riêng với kế hoạch bắt tay nhau để mang lại diện mạo mới cho nhạc Việt trong thời gian tới.

Tháng Chín năm ngoái, hai nhạc sĩ Thanh Bùi và Dương Khắc Linh cũng manh nha một cuộc gặp gỡ với 30 nhạc sĩ được cho là “đình đám” nhất của thị trường âm nhạc gần đây để bàn nhau “chấn hưng nhạc Việt” ở khâu sáng tác.

Quả thực, sự ra đời ồ ạt của những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát với sự lên ngôi của hàng loạt thần tượng âm nhạc, giọng hát Việt, sao mai trong thời gian qua đã dẫn đến sự bùng nổ về số lượng ca sĩ nhưng lại không kéo theo sự phát triển của đội ngũ sáng tác. Hậu quả là có quá nhiều thảm họa âm nhạc ra đời, khi các ca sĩ trẻ chỉ thích “ăn xổi” hơn là đầu tư làm nghệ thuật nghiêm túc.

Thêm vào đó, việc thiếu sự kế cận của lớp nhạc sĩ trẻ, thiếu những gương mặt đủ sức tạo thành luồng gió mới cho nhạc Việt như lớp đàn anh: Anh Quân, Huy Tuấn, Quốc Bảo, Võ Thiện Thanh, Đức Trí, Đỗ Bảo… đã làm cho diện mạo của nhạc Việt trở nên nghèo nàn.

Nếu dựa theo chu kỳ của bất động sản, cứ 10 - 12 năm sẽ có một thời kỳ cực thịnh soi chiếu vào nhạc Việt, thì có lẽ thời kỳ hoàng kim đang trở lại. Hơn lúc nào hết, nhạc Việt đang cần sự nhiệt huyết của những giọng ca, những nhạc sĩ kỳ cựu để tạo nên bước chuyển mình bước vào thời hoàng kim.

Manh nha đâu đó, người ta thấy một niềm tin mới khi các gương mặt gạo cội tuyên bố không buông xuôi. Hy vọng họ có thể kết nối được với nhau để có làn gió mới mát lành hơn thổi vào nhạc Việt.

M.I.N.H

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI