edf40wrjww2tblPage:Content
Không còn là chồng, vẫn ở lì trong nhà
Người phụ nữ ngồi bó gối ở góc căn nhà chừng 10m2, nặng nề kể về nỗi khổ dai dẳng. Năm 1992, ly hôn chồng, được chia một khoản tiền, bà mua căn nhà nhỏ. Thời gian này, có ông Lê Văn Bảo (từng một đời vợ) thường xuyên tán tỉnh bà. Tìm hiểu chưa kỹ, bà đã “nhắm mắt đưa chân”, kết hôn với ông Bảo vào năm 1993. Theo bà, đó là quyết định sai lầm: “Tôi mới ly hôn, còn cay cú vì chồng cũ ngoại tình, nên đến với ông Bảo như một sự trả thù đời”.
Bà Bê sống cùng đứa con chung với chồng trước, ông Bảo về, bà sinh với ông thêm hai con gái. Căn nhà xuống cấp, bà được chính quyền hỗ trợ 17 triệu đồng để xây lại nhà theo diện nhà tình nghĩa vì bà là con liệt sĩ. Ông Bảo vốn là thợ xây, đã bỏ công xây nhà.
Căn nhà nhỏ của bà Bê chưa kịp ráo vôi, thì bạn thân của bà cũng muốn xây nhà và ngỏ ý mời ông Bảo qua giúp với tiền công “hữu nghị”. Không ngờ, tính chất “hữu nghị” ấy được phát huy quá mức, ông Bảo gần như công khai tình cảm với chủ nhà. Quá chán ngán, bà Bê xin ly hôn. Ông Bảo cũng đồng thuận để theo duyên mới. Bà Bê không yêu cầu ông cấp dưỡng nuôi hai đứa con chung.
Thế nhưng, duyên mới của ông Bảo chóng đổ vỡ. Năm 2005, chỉ dăm tháng sau ngày ly hôn, ông muốn trở lại, nhưng bà Bê cương quyết chối từ. Ông Bảo nhờ con gái năn nỉ giúp. Cuối cùng, bà Bê xuôi lòng, chấp nhận cho ông Bảo về ở với giao ước: chỉ ở chung, không liên quan đến nhau.
Theo lời bà Bê, từ năm 2005 đến nay, ông Bảo ở chung nhà, nhưng không tuân theo giao ước. Ông thường xuyên đòi “tòm tem”, bà từ chối, ông gây sự. Ông Bảo luôn lấy lý do “vì tôi thương bà nên mới như vậy”, còn bà Bê khẳng định rạch ròi “tôi và ông không liên quan, đừng can thiệp vào cuộc sống của tôi”. Dù không còn dính dáng đến nhau nhưng ông Bảo vẫn cho mình quyền ghen với vợ cũ. Ông thường xuyên hạch hỏi bà Bê “Đi đâu? Đi với ai? Gặp người ta để làm gì?”. Bà gặp gỡ, chuyện trò với đàn ông, ông Bảo cũng theo dõi và chửi rủa. Thậm chí, bà gặp bạn cùng giới, ông nói bà là đồng tính. Mỗi khi đi theo dõi vợ cũ, ông Bảo mang theo dao, kéo và dọa “nếu dám nói chuyện với bạn trai, tôi sẽ đâm chết cả hai”. Ông Bảo còn kiểm soát các nội dung trong điện thoại của bà Bê, phát hiện chút gì đó “đáng ngờ” là nổi cơn tam bành.
Hàng ngày, bà Bê đi giúp việc nhà, khoảng 21g là xong việc, nhưng bà vẫn kiếm chỗ nấn ná, không muốn về nhà, bởi: “Đi làm về đã đuối, gặp ổng ngồi lù lù trong nhà, sưng sỉa, kiếm chuyện nên tôi quá mệt mỏi”. Nhưng nếu đến khuya bà mới về, ông lại cao giọng hạch hỏi: “Đi làm kiểu gì mà giờ mới về? Đi với thằng nào?”.
Ông Bảo cũng không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một người “góp gạo thổi cơm chung”. Bà Bê ngao ngán kể: “Mỗi tháng góp 200.000đ, gần đây ổng cũng không làm. Trong khi đó, dầu, bột ngọt, gạo, nước mắm… ổng vẫn lấy xài. Thu nhập của tôi quá thấp, phải nuôi con, lại gánh thêm một “cục nợ”, làm sao chịu thấu?”.
Bà Đào Thị Bê mệt mỏi, uất ức khi kể về nỗi khổ của mình
Chính quyền bó tay?
Về lý, căn nhà là của riêng bà Bê (vì bà mua trước thời điểm kết hôn với ông Bảo), bà cũng đã ly hôn với ông Bảo, nên không còn phải thực thi quyền và nghĩa vụ với người này nữa. Thế nhưng, dù bà đã làm đủ cách, bà vẫn không “bứng” được ông Bảo ra khỏi nhà.
Gần đây, mỗi lần bà Bê đề cập chuyện dọn ra khỏi nhà, ông Bảo lại bắt bẻ: “Tôi từng bỏ công ra xây ngôi nhà này, phải đưa tôi 10 triệu, tôi mới dọn đi”. Bà chia sẻ: “Ông ấy biết tôi không có tiền, nên mới đặt điều kiện đó ra để làm khó”. Bà đã nhờ công an khu vực, nhưng công an cũng lắc đầu.
Ngày 26/12/2013, khi phóng viên tìm đến Công an P.11, Q.3 để tìm hiểu sự việc, ông Lê Phương Quang (cảnh sát khu vực, phụ trách địa bàn nơi bà Bê sinh sống) khẳng định: “Bà Bê có nhờ công an cưỡng chế ông Bảo ra khỏi nhà, nhưng việc đó vượt quá quyền hạn của công an. Về nguyên tắc, ông Bảo vẫn còn đăng ký hộ khẩu ở ngôi nhà 159/52/30 Trần Văn Đang, thì làm sao công an có thể đuổi ông ấy ra khỏi địa chỉ mà ông ấy đăng ký thường trú? Bà Bê chỉ cần cầm hộ khẩu và quyết định ly hôn lên phòng hành chính của Công an Q.3 trình báo, sẽ được tách khẩu”. Phóng viên đặt câu hỏi: “Sau khi tách khẩu, ông Bảo không còn chung hộ khẩu thường trú với bà Bê, nhưng vẫn còn hộ khẩu ở chính ngôi nhà 159/52/30 Trần Văn Đang, thì đâu thể cưỡng chế ông ra khỏi nhà bà Bê?”. Ông Quang thừa nhận: “Đúng như vậy. Chỉ có cách nhờ lực lượng tư pháp P.11 can thiệp. Cán bộ tư pháp phường sẽ kết hợp với công an vận động ông Bảo ra khỏi nhà bà Bê. Chúng tôi tin tưởng việc vận động sẽ đạt kết quả”.
Tháng 7/2013, bà Bê từng gửi đơn cầu cứu bộ phận tư pháp P.11, Q.3. Đến ngày 26/12/2013, trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Nguyễn Thị Huyền Tuyết (cán bộ tư pháp - hộ tịch P.11, Q.3) khẳng định: “Chúng tôi đã nhận được đơn của bà Bê, đã hai lần xuống nhà bà Bê để giải quyết, nhưng có vẻ như bà Bê không quyết liệt trong việc muốn hay không muốn ông Bảo ra khỏi nhà”. Vậy nhưng, bà Bê lại khẳng định: “Bà Huyền Tuyết chưa hề xuống nhà tôi để làm việc. Khi tôi gọi điện thoại cho bà Tuyết để hỏi, bà Tuyết nói rằng có xuống hai lần, nhưng chỉ gặp… hàng xóm”. Trả lời phóng viên, bà Tuyết cũng cho biết, bản thân bà không nhớ rõ đã xuống làm việc ngày nào, và lúc làm việc thì... không ghi biên bản (?).
Sau quãng thời gian thể hiện sự hời hợt trong việc giải quyết đơn thư của bà Bê, ngày 27/12/2013, bà Huyền Tuyết đã kết hợp cùng ông Lê Phương Quang, bà Nguyễn Thị Ngẫu (nguyên tổ trưởng tổ dân phố - nơi bà Bê sinh sống) cùng bà Phùng Thị Ngọc Thành (Phó Chủ tịch Hội LHPN P.11) xuống nhà bà Bê để làm việc. Lúc này, ông Bảo cũng có mặt. Trong buổi làm việc, bà Bê một mực nhờ chính quyền “bứng” ông Bảo ra khỏi nhà, nhưng lạ kỳ ở chỗ, đoàn làm việc lại tập trung hòa giải cho hai người. Bà Bê thất vọng: “Tôi đâu cần hòa giải? Tôi muốn sống yên thân trong căn nhà của mình, nhưng ông Bảo cứ ở lì trong nhà tôi và chính quyền lại làm công tác hòa giải là thế nào?”.
Theo biên bản làm việc hôm đó, đoàn công tác đã chốt lại: “Hai bên đi đến thống nhất với nhau và ông Bảo hứa không đụng chạm gì đến bà Bê. Từ ngày hôm nay, việc ai nấy làm. Còn ông Bảo phải phụ chi tiền điện, nước hàng tháng”.
Vậy là “huề cả làng”. Giờ đây, bà Bê lại tiếp tục những ngày nghẹt thở khi “đi vô đụng, đi ra đụng” ông Bảo - người bà không còn muốn nhìn mặt từ lâu.
Trần Triều
PHẢI LÀM ĐƠN KHỞI KIỆN ĐẾN TÒA ÁN Để “bứng” chồng cũ ra khỏi nhà thì bà Bê với tư cách là chủ sở hữu căn nhà phải làm đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân Q.3, TP.HCM để đòi lại một phần nhà đã cho ông Bảo ở nhờ. Theo điều 255 Bộ luật Dân sự về các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu: Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại... Khi giải quyết vụ kiện, tòa án sẽ căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp để xem xét, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Bê và buộc ông Bảo, người đang chiếm một phần căn nhà của bà Bê phải trả lại nhà cho bà Bê. Còn ông Bảo, nếu có bằng chứng chứng minh: “Tôi từng bỏ công ra xây dựng ngôi nhà này, phải đưa tôi 10 triệu” thì cũng có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Sau khi có bản án hoặc quyết định có hiệu lực thi hành của tòa án mà ông Bảo không tự nguyện thi hành án, thì bà Bê có quyền gửi đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án Q.3 có biện pháp cưỡng chế, buộc ông Bảo ra khỏi căn nhà của bà Bê. LS Lê Nguyễn Thuyền Quyên (Trưởng Văn phòng luật sư Sài Gòn Gia Định) |