Không bỏ được cơm vợ nấu

10/08/2021 - 17:49

PNO - Nấu ăn ngon là cả một quá trình. Người nấu ăn tỉ mỉ, biết chăm chút từng chi tiết, nấu ăn bằng cả trái tim thì mới ra một bữa cơm ngon.

Thím tôi không sinh con được, nên thím không phản ứng nhiều khi chồng hú hí bên ngoài. Chuyện tình ngày trẻ của chú tôi, dường như cả xã ai cũng biết. 

Chú quen cô Mỹ. Chú có nhiều tài lẻ, biết đàn ca, biết võ thuật và cái miệng khéo, nên cô Mỹ rất “say”. Rồi họ có với nhau một đứa con trai. 

Nhưng, thím tôi vẫn rất… oai, vẫn là người đàn bà quyền lực của chồng. Thím và cô Mỹ chưa một lần gặp mặt nhau, ngay cả con riêng của chồng, thím cũng không đòi dắt về “coi thử”, chỉ đôi lần chú chở thằng nhỏ có việc ngang nhà, mới ghé vào để nó chào mẹ lớn. 

Nhà thím và nhà cô Mỹ cách nhau chừng hơn năm cây số. Nghe đâu cô Mỹ là người miền khác tới đây lập nghiệp, mà theo chú, cô ấy cái gì cũng được, chỉ trừ nấu ăn, món nào cũng ngọt như chè.

Từ nhỏ đến lớn, chú và thím đã uống chung nguồn nước sông quê, cùng phong tục, tập quán, thói quen, địa lý, điều kiện khí hậu và những quan niệm ẩm thực khiến họ rất hợp gu. 

Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK

Trong ăn uống, thím rất chăm chút, cẩn trọng. Bữa ăn nhất định phải đủ ít nhất ba món, gồm kho, canh, rau xào/luộc. Thím không cho phép mình nấu ăn qua loa, thím không quá quan trọng chuyện bữa ăn phải đủ các nhóm dinh dưỡng, mà là chú trọng hình thức và hương vị từng món, cũng như sự ngon miệng.

Ví như nấu canh bí đao, nhất định phải có lá hành rắc lên, vừa đẹp mắt, vừa tạo mùi thơm. Hay như, đã kho cá, nhất định phải cay, mới đúng khẩu vị của hai vợ chồng. 

Bữa cơm, dù ăn một mình hay ăn với chú, nhất định phải “lên mâm” đàng hoàng, chứ không phải nghĩ ăn ít người thì cứ mỗi người mỗi tô cho tiện. Chén bát, thỉnh thoảng thay mới.

Tối trước khi ngủ, thím đã lên thực đơn cho ngày mai, mà theo thím “như thế mới có nhiều thời gian để cân nhắc, suy nghĩ, chứ không phải ra chợ đụng đâu mua đó”, bởi vậy bữa cơm của thím luôn tươi mới, hầu như vài tuần mới có sự lặp lại.

Mỗi bữa ăn thím nấu, đều thể hiện kỹ năng của người phụ nữ yêu cái bếp, bởi vậy dù đi đâu, chú cũng phải quay về ăn cơm nhà. Không phải thím cố tình nấu ngon để níu kéo chồng, mà những gì thím thể hiện đều rất tự nhiên. 

Quả nhiên, sau cơn say nắng rất nặng, chú vẫn chọn ăn cơm vợ nấu. Thím không trách, không nhắc chuyện cũ, chỉ nhắc chồng gởi tiền nuôi con. Cô Mỹ xinh xắn nên hai năm sau cô lấy chồng, theo chồng định cư nước ngoài. Năm tháng qua nhanh, cậu con trai nay đã ngoài 20, đi làm có tiền, thi thoảng cậu gởi quà cho ba và “mẹ lớn”. 

Có lần tôi nói với mẹ tôi rằng, chỉ cần cô Mỹ biết nấu ăn là cô có được chú chứ gì? Nhưng mẹ tôi nói, đâu dễ. Nấu ăn ngon là cả một quá trình. Người nấu ăn tỉ mỉ, biết chăm chút từng chi tiết, nấu ăn bằng cả trái tim thì mới ra một bữa cơm ngon.

Giờ chú thím đã ngoài 60, chú vẫn chỉ mê “cơm vợ nấu”. Thỉnh thoảng chuyện tình “ngoài luồng” của chú lại được bà con kể lại trong các cuộc tụ tập đám giỗ. Bao giờ câu kết cũng là “Ổng có bà vợ tuyệt vời, nên ổng làm sao khổ được”. 

Ái Nghĩa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI