Không biết nuôi, vẫn quyết giành con

15/12/2017 - 09:46

PNO - Tất nhiên, trong trường hợp chồng có trách nhiệm, nuôi dạy con chu đáo thì quá tốt. Ta hãy vững tin và kết nối tốt để bé có cuộc sống ổn thỏa cả về vật chất, tinh thần.

Nếu trong một gia đình êm ấm, hạnh phúc mà các anh chồng giành phần chăm sóc con thì quý hóa quá. Ở đây, bình thường họ đổ việc học hành, ăn uống, đưa đón con... lên vai vợ, nhưng khi vợ muốn ly hôn thì lồng lên giành quyền nuôi con, dù chẳng biết nuôi như thế nào.

Khong biet nuoi, vãn quyét gianh con
Đa số các ông khi giành được con sẽ giao cho ông bà nội hoặc cô bác nuôi hộ

Dùng con làm áp lực

Phụ nữ Việt sẵn tố chất hy sinh, nhưng một khi đã mỏi mệt, hy sinh mà không được công nhận, họ sẽ bất mãn, dù có thể họ không lên tiếng. Các ông chồng được nước lấn tới, xem việc lo cho gia đình, chồng con là trách nhiệm đương nhiên của vợ, không có gì đáng phải bàn cãi, kể lể.

Các ông vin vào cớ tiếp khách, bàn chuyện làm ăn để đi sớm về muộn, nhậu nhẹt bê tha, bồ bịch... Đến khi về nhà, vợ để sẵn tờ đơn ly hôn, yêu cầu ký vào thì các anh đem con ra để giữ vợ, kiểu: "Em muốn sống sao cũng được nhưng đừng ly hôn, giữ gia đình để con có đủ cha mẹ; mình hãy sống vì con".

Nhưng phụ nữ, khi đã tỉnh cơn mê, đủ tỉnh táo để hiểu rằng nếu tiếp tục, bản thân mình chỉ có từ khổ tới khổ. Vậy là các ông tung chiêu mạnh hơn: "Cô đi đâu thì đi, nhưng con phải để tôi nuôi; hoặc tôi sẽ không đồng ý ly hôn". Với bản năng thương yêu và bảo vệ con, ít có chị nào đồng ý giao con cho chồng.

Cuộc chiến giành con nổ ra gay gắt chỉ để che giấu một cuộc chiến khác - các ông muốn khống chế ta. Hiếm ông giành con vì tự tin mình có thể chăm sóc con tốt hơn người mẹ. Họ giành vì không chịu thua cuộc, không chấp nhận thất bại, muốn cho người mẹ phải đau đớn, hối hận.

"Gà trống" nuôi con ra sao?

Đa số các ông khi giành được con sẽ giao cho ông bà nội hoặc cô bác nuôi hộ. Ai cũng thông cảm “đàn ông đàn ang” vụng về, nuôi con sao được, mà không hề hỏi đặt câu hỏi chuyện không chăm sóc được, sao họ vẫn nhất quyết giành con. Thế mới nói, lúc giành thì giành cho “đã nư” chứ đâu nghĩ gì. Ông bà chăm sóc chu đáo cỡ nào đi nữa, đứa trẻ vẫn cần tình cảm của cha mẹ mỗi ngày. 

Khong biet nuoi, vãn quyét gianh con

Như trường hợp anh H. giành con, chị vợ cũng thuộc loại "máu lạnh" - giao ngay con cho chồng. Hằng ngày, sau giờ làm, 16g30 là anh phải đón con, rồi vội vàng chạy về, nấu cơm cho con ăn; tối đến không còn cảnh tụ tập với bạn bè ở quán nhậu. Đến cuối tuần, con về mẹ, anh mệt lử, chỉ muốn ngủ rồi đi siêu thị mua thức ăn về chuẩn bị cho tuần sau.

Nhiều lúc, anh thấy cuộc đời mình quá bi đát và căng thẳng. Anh nấu ăn dở tệ, thằng bé ăn không nổi, cuối cùng là sáng nào cũng mì gói. Nhìn con gầy nhom cùng với bảng điểm thảm hại, anh mới hiểu vợ mình trước đây đúng là “ba đầu sáu tay”. Cuối cùng, anh đành thỏa thuận đưa con về bên vợ và thấy mình như cất được gánh nặng.

Nên làm gì trước chiêu giành con?

Các chị nên nhớ, dù chồng không thuận tình, các chị vẫn có thể đơn phương ly hôn. Việc con sẽ ở với ai phụ thuộc vào ý muốn của con nếu bé đã trên chín tuổi. Nếu con chưa đến chín tuổi, tòa án sẽ quyết định dựa trên các điều kiện thuận lợi với trẻ. Chưa hẳn người đàn ông có thu nhập cao hơn sẽ được quyền nuôi con vì tòa còn xét đến môi trường sống của người nào ảnh hưởng tốt tới đứa bé, đến lỗi của các bên và nhiều yếu tố khác.

Chị em nên tự tin tìm hiểu và chuẩn bị các điều kiện thuận lợi nhất để có quyền nuôi dạy con. Trong trường hợp chưa tự tin, ta có thể nhờ sự tư vấn của các luật sư. 

Với những ông chồng không biết gì về nội trợ mà giằng co, giành con quá quyết liệt, ta có thể ra điều kiện là con phải sống chung với chồng và chồng chính tay chăm sóc, không được ủy quyền cho ai khác. Bằng cách đó, những anh không biết nuôi con sẽ không chóng thì chầy cũng phải nhờ đến sự hỗ trợ của ta hoặc phải trả con lại cho ta.

Tất nhiên, trong trường hợp chồng có trách nhiệm, nuôi dạy con chu đáo thì quá tốt. Ta hãy vững tin và kết nối tốt để bé có cuộc sống ổn thỏa cả về vật chất, tinh thần. Còn ta, hãy sống thật hạnh phúc, phụ nữ nhé! 

Phụ nữ hiếm khi đòi ly hôn nếu xét thấy ông chồng còn... có thể sửa chữa. Họ thường dứt khoát với những anh lười biếng, thiếu trách nhiệm, bỏ bê con cái, tạo gương xấu cho con. Những anh này, đa số chẳng có kỹ năng chăm con, nếu không có ông bà giúp đỡ thì sau một thời gian thường coi con như... cục nợ.

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI