Nguyễn Minh Thư là con gái út một gia đình gia giáo, bố làm bác sĩ, nhà có cửa hàng ở một phố tấp nập. Cuộc sống bình an, vui vẻ và ngập tràn tiếng cười cho tới khi cô lấy chồng.
Cưới nhau chưa được vài tháng thì chồng cô - anh Trương Văn Cường - xui rủi vướng vào một vụ tai nạn giao thông. Thư phải thăm nuôi chồng trong trại giam trong hơn một năm trời và lo trả tiền thiệt hại do tai nạn.
|
Cùng nhau đi qua sóng gió, anh Cường và chị Thư rất trân trọng hạnh phúc hiện tại |
Vừa đơn độc đương đầu với sóng gió, vừa phải đảm nhiệm vai trò con dâu hiếu thảo, một mình Thư chăm nom bố mẹ chồng già yếu.
Khi đó cô là nhân viên thu ngân thu nhập ít ỏi, ngày ngày cô đi làm ở cơ quan, tối về còm cõi trong căn phòng lạnh giá. Cô nhận làm thêm vài việc, lúc thì làm tóc, sơn móng tay, lúc thì nấu cỗ thuê… Vất vả chân tay đã đành, tinh thần còn mệt hơn. Có lẽ vì nguyên nhân ấy mà cô sảy thai sau bao ngày trông ngóng.
Có người hỏi cô: “Nhiều biến cố xảy ra ngay sau khi kết hôn. Vậy cuộc sống hôn nhân gập ghềnh lắm phải không Thư?”. Thư trả lời: “Đúng là nhiều điều không hay xảy ra, nhưng tôi nghĩ, chuyện không hay chỉ là nhất thời thôi. Phải sống lạc quan để truyền động lực cho chồng và những người thân”.
|
Vợ chồng anh Cường - chị Thư đã 21 năm bên nhau |
Nói sao làm vậy, Thư luôn nghĩ đến điều tốt đẹp. Mỗi lần vào thăm chồng trong trại giam, cô mang theo vừa vật chất, vừa tinh thần. Nhờ vậy mà anh Cường vượt qua thời kỳ gian khó và nhanh chóng trở về hội nhập cuộc sống.
Trở lại cuộc sống của người tự do, anh Cường đi làm thầu xây dựng. Công việc của anh lúc bận, lúc rảnh, thu nhập thất thường, nhưng co kéo cũng tạm ổn.
Một bé trai kháu khỉnh ra đời, cuộc sống vợ chồng sang trang khác, bận rộn hơn. Con thứ hai là bé gái, nhưng sinh ra đã có triệu chứng của bệnh tim, hai vợ chồng bận rộn và lo lắng bội phần.
Thu nhập không đủ tiền thuốc thang cho con, bộn bề vất vả nhưng cả hai luôn xác định: “Vợ chồng mình sẽ cố gắng nhất có thể. Chẳng phải có con đã là hạnh phúc, đã khiến cuộc sống có ý nghĩa rồi sao”.
Cứ như vậy, lúc chồng bận việc, Thư động viên anh chịu khó làm ăn. Công việc của anh Cường phải dãi dầu nắng mưa, nặng trách nhiệm.
Thư động viên chồng và nhóm thợ của chồng bằng những bữa cơm ngon cô nấu. Ai cũng khen vợ anh Cường đảm đang, đi làm vất vả nhưng vẫn lo cơm nước cho nhóm thợ. “Giàu vì bạn, sang vì vợ”, Thư cũng tìm kiếm trong các mối quan hệ họ hàng, bạn bè để tìm việc cho chồng.
Phía Cường cũng vậy, anh luôn động viên, an ủi vợ những lúc cơ quan cô ít việc, rồi khi cơ quan Thư giải thể, cô phải ra ngoài bươn chải. Kinh tế gia đình eo hẹp. Thư đi nấu cỗ thuê cho người bà con, nhưng việc không ổn định, con cái thì ốm đau…
Năm ngoái là đỉnh điểm khó khăn của hai vợ chồng. Vì dịch COVID-19, cả chồng lẫn vợ đều ít việc, Thư mở quán bán bún mọc ngay trong ngõ. Công việc vất vả, Thư phải dậy từ lúc gà gáy để chuẩn bị cho thực khách ăn sáng.
Bạn bè thấy thế, xót xa: “Vất vả sớm hôm như vậy, hẳn là mệt mỏi, chán chường lắm phải không?”. Trái hẳn với sự lo lắng của bạn bè, Thư nói: “Bán bún vậy chứ hạnh phúc lắm. Anh Cường thường dậy sớm cùng mình bê nồi nước lèo to tướng ra ngõ. Bọn mình cảm nhận hạnh phúc từ những điều nhỏ. Có nhau, dù khó khăn nhưng không thấy khổ. Gia đình mạnh khỏe, vợ chồng thương nhau, con cái mạnh khỏe, ngoan ngoãn là tốt rồi”.
Quán bún chỉ vỏn vẹn 6-7 mét vuông trong ngõ nhỏ. Anh Cường thiết kế quán thẩm mỹ, thoáng mát, sạch sẽ và tươm tất. Khách hàng đến không chỉ để ăn ngon, mà còn muốn chứng kiến tinh thần vợ chồng chủ quán vất vả mà lạc quan.
Họ chia sẻ: “Mình phải bán hàng từ tâm, bán cho khách rồi gia đình mình cũng ăn. Những viên mọc phải thơm, những cọng dọc mùng phải xanh, giòn. Nồi nước dùng phải trong, ngọt từ xương. Bàn ghế phải sạch sẽ…”.
Với suy nghĩ: “Mình tốt với người ngoài còn được, huống chi với người nhà. Phải thật tốt với nhau mới hạnh phúc”, 21 năm cưới nhau, vợ chồng cùng con cái chung sống mấy thế hệ trong ngôi nhà nhỏ, chưa bao giờ xảy ra chuyện đáng tiếc. Mẹ chồng thương con dâu như con gái. Vợ chồng Cường Thư cũng luôn tận dụng cơ hội để hâm nóng tình cảm.
Anh Cường từng chia sẻ: “Không chỉ sống có ích mà còn cần phải sống vui vẻ và hạnh phúc để có năng lượng chăm sóc bố mẹ già và con cái. Lựa chọn sống như thế nào đều là do chúng ta. Không nên đổ thừa hoàn cảnh, số phận, để rồi quên đi hạnh phúc lứa đôi.
Vợ chồng mình luôn tạo ra cơ hội để nghĩa tình ngày một dày hơn qua những cuộc dã ngoại. Người ta giàu có thì ở khách sạn 5 sao, bọn mình eo hẹp thì nhà nghỉ bình dân nhưng không vì thế mà không hoan hỷ”.
|
Vợ chồng anh Cường - chị Thư và các con |
Những lúc vợ chồng bạn bè xảy ra chuyện lớn, Thư và Cường thường khuyên: “Đường đời có vui có buồn. Vị có chát có ngọt. Chúng ta đều là những người không hoàn mỹ, nên cần đón nhận người không hoàn mỹ. Vợ chồng mỗi người nhịn đi một chút thì chuyện gì cũng qua”.
Châm ngôn giữ gìn hạnh phúc của họ là “Hạnh phúc chính là từ những điều nhỏ nhoi, đâu phải từ điều lớn lao. Không biết trân quý thì dẫu có nhiều nữa cũng sẽ mất. Không biết yêu thương thì dẫu có giàu mấy cũng sẽ nghèo. Không biết khoan dung thì dẫu duyên có sâu mấy cũng chia ly”.
Khánh Phương