Không biện pháp nào có thể thay thế vắc xin COVID-19

07/11/2021 - 07:41

PNO - Nghiên cứu cho thấy những người từng nhiễm COVID-19 cũng cần tiêm vắc xin. Ngay cả đối với trường hợp không thể tiêm chủng do vấn đề sức khỏe, vắc xin COVID-19 vẫn có thể bảo vệ họ một cách gián tiếp bằng miễn dịch cộng đồng.

Theo nghiên cứu do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố ngày 29/10, vắc xin COVID-19 cung cấp khả năng bảo vệ mạnh hơn khả năng miễn dịch tự nhiên sau lần nhiễm bệnh trước đó.

Nghiên cứu xem xét hơn 7.000 người nhập viện vì COVID-19 và phát hiện ra rằng nhóm chưa tiêm chủng - nhưng từng mắc bệnh - có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn gấp năm lần so với nhóm tiêm chủng đầy đủ và chưa nhiễm bệnh trước đó. Giám đốc CDC - tiến sĩ Rochelle Walensky - cho biết: “Chúng tôi có thêm bằng chứng khẳng định tầm quan trọng của vắc-xin COVID-19, ngay cả khi bạn từng nhiễm bệnh”. 

Người đã nhiễm vẫn nên tiêm phòng

CDC ước tính, khi đợt triển khai vắc xin bắt đầu vào giữa tháng 12/2020, hơn 1/4 người Mỹ (91 triệu) đã nhiễm SARS-CoV-2. Tính đến tháng 5/2021, tỷ lệ đó tăng lên hơn 1/3 dân số, bao gồm 44% người trưởng thành trong độ tuổi 18 - 59. Tuy nhiên, CDC hướng dẫn tất cả mọi người, bất kể từng nhiễm hay chưa, đều nên tiêm chủng đầy đủ. Đến tháng 6, một cuộc khảo sát của quỹ Kaiser Family Foundation cho thấy có 57% những người nhiễm COVID-19 sau khi khỏi bệnh đã được tiêm phòng.

 

Kết quả các nghiên cứu cho thấy ngay cả những người từng nhiễm COVID-19 cũng nên tiêm ít nhất một liều vắc xin - Ảnh: REUTERS
Kết quả các nghiên cứu cho thấy ngay cả những người từng nhiễm COVID-19 cũng nên tiêm ít nhất một liều vắc xin - Ảnh: REUTERS

Về mặt khoa học, các tế bào miễn dịch có thể nhận biết và chống lại bệnh truyền nhiễm theo hai cách chính. Đầu tiên là sự lây nhiễm tự nhiên, cách này giống như những bài học kinh nghiệm của một người có được sau khi thoát ra từ vùng chiến sự, nơi mà kiểu gì thì cũng phải trả giá dù rẻ hay đắt. Ở cách còn lại, vắc xin giúp kích hoạt hệ miễn dịch một cách an toàn thông qua sự bắt chước vô hại của vi khuẩn hoặc virus, huấn luyện “lính canh” nhận ra những kẻ tấn công cơ thể từ trước khi chúng thực sự lộ mặt. Đối với SARS-CoV-2, cả tiêm chủng và lây nhiễm tự nhiên đều có thể kích hoạt trí nhớ miễn dịch. 

Monica Gandhi - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California San Francisco - cho biết: “Kể từ tháng 11/2020, có rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng các tế bào B và tế bào T của hệ miễn dịch có thể ghi nhớ và phản ứng với sự lây nhiễm COVID-19 tự nhiên. Từ đó sản sinh ra các kháng thể chống lại các biến thể mới”. Tuy nhiên, sức mạnh và độ bền của khả năng miễn dịch phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của lần nhiễm ban đầu. Những người có khả năng miễn dịch tự nhiên mạnh mẽ có thể được bảo vệ khỏi sự tái nhiễm trong tối đa một năm, nhưng họ vẫn không nên bỏ qua vắc xin.

Hơn nữa, với một người nhiễm bệnh nhưng trước đó đã tiêm vắc xin COVID-19, các tế bào sẽ được đánh thức và tiếp tục tạo ra các kháng thể có thể giúp chống lại những biến thể mới. Đây là trường hợp mà các nhà khoa học gọi là miễn dịch “hybrid”. Một nghiên cứu ở Israel chỉ ra rằng miễn dịch “hybrid” có hiệu quả ngang ngửa hiệu quả mà mũi tiêm tăng cường tạo ra. 

Bảo vệ người chưa tiêm và không thể tiêm

Các báo cáo gần đây của Bộ Y tế bang Victoria (Úc) cho thấy, người chưa tiêm chủng có nguy cơ mắc COVID-19 và lây truyền cho những người xung quanh cao hơn mười lần so với những người đã tiêm chủng đầy đủ. Trong số những người chưa tiêm chủng cần được cộng đồng chú ý bảo vệ có một số không thể tiêm chủng ngừa COVID-19 vì chưa đủ tuổi hoặc vì các lý do sức khỏe khác, một số khác bị suy giảm miễn dịch, không có được mức độ bảo vệ từ vắc xin cao như những người khác cho dù họ đã tiêm chủng... Do đó, việc tăng mức độ bao phủ của vắc xin trong cộng đồng, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, rửa tay cẩn thận... sẽ giúp bảo vệ gián tiếp những người này. 

Một số ý kiến đề xuất nên xét nghiệm thường xuyên để ngăn chặn sự lây lan COVID-19 cho những người không muốn tiêm chủng. Theo nhiều nghiên cứu, độ nhạy xét nghiệm nhanh vào khoảng 65%, vì vậy, xét nghiệm kháng nguyên nhanh chỉ có thể tìm thấy khoảng 2/3 trường hợp dương tính. Mọi người cần lưu ý rằng nếu đến tham dự một buổi tụ họp, nơi mọi người đều có kết quả âm tính với xét nghiệm kháng nguyên nhanh, thì thực sự nguy cơ lây nhiễm tại đó vẫn tồn tại khá cao. 

Ngọc Hạ (theo NBC, BMJ, CNA, Seattle Times, NY times, Cochrane.org)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI