|
Cô Nguyễn Thị Phương đam mê tập yoga mỗi ngày, có thể thực hiện nhiều động tác khó |
Cô Nguyễn Thị Phương (64 tuổi, hiện sống tại Hà Đông, Hà Nội) thường thích được gọi là “người nhiều tuổi” thay vì gọi là “người già”. Bước vào tuổi U70, cô vẫn rất tươi trẻ, dẻo dai và thường xuyên đi du lịch, gặp gỡ bạn bè.
Bí quyết cô Phương chia sẻ là: “Bà ngoại chỉ việc sống vui vẻ mà không cần phải trông cháu”.
Cô Phương là giáo viên tiểu học về hưu. Vợ chồng cô có 2 con gái, đều đã lập gia đình và có 3 cháu ngoại. Con gái, con rể của cô Phương sống gần ba mẹ và rất tâm lý. Thấy bố mẹ luôn gắn bó, tình cảm với nhau nên các con thường xuyên mua quà, đưa bố mẹ đi chơi, động viên ông bà theo đuổi đam mê và không muốn “lấy cắp thời gian của bố mẹ”.
Chồng cô Phương hơn vợ 12 tuổi, sức khỏe cũng yếu hơn. Cô Phương thường ưu tiên việc được ở bên cạnh, chăm sóc chồng, cùng đi dạo, nấu nướng. Ngoài ra, cô dành thời gian chính để tập yoga.
Gần đây, mẹ của cô Phương già yếu, anh trai của cô cũng bị bệnh nên cô đón mẹ về nhà chăm. Vì không vướng bận gì, cô Phương được chồng động viên đón mẹ ruột về phụng dưỡng. “Tôi thấy mình còn được chăm mẹ là hạnh phúc. Còn các cháu thì có con cái chăm rồi”, cô Phương chia sẻ.
|
Cô Phương trẻ đẹp rạng rỡ ở tuổi 64 (ảnh nhân vậy cung cấp) |
Bố chồng tôi là ông nội, ông ngoại của 6 đứa cháu, đứa bé nhất mới 2 tuổi nhưng không chăm cháu nào. Ông có quan điểm rõ ràng từ đầu: “Ông bà phải có không gian riêng để làm những điều ý nghĩa thay vì trông cháu”.
11 năm trước, khi tôi sinh con gái đầu lòng, bố chồng tôi nói: “Bố mẹ sẽ hỗ trợ các con tiền để thuê người giúp việc, còn bố mẹ không chăm được”. Tính ông nói là làm. Tôi nhớ lúc đó, tiền chúng tôi thuê giúp việc là 5 triệu/tháng. Cứ định kỳ 3-6 tháng, ông bà lại gửi một khoản bằng đúng tiền lương người giúp việc. Dù chúng tôi từ chối, ông bà vẫn nhất quyết đưa.
Ông nói, tùy từng hoàn cảnh khác nhau nhưng giữa bố mẹ hay con cái thì chuyện tiền bạc luôn phải rõ ràng. Nếu ông bà đã hứa giúp khoản nào thì cần phải giúp khoản đấy. Ngược lại, con cái nhờ ông bà trông cháu, cần nói trước sẽ gửi bố mẹ bao nhiêu và nên làm đúng cam kết. Khi sinh những đứa con sau, vợ chồng tôi tự chịu trách nhiệm về tiền thuê người giúp việc nhưng tôi vẫn học được bố chồng mình rất nhiều thứ về tư duy.
|
Bố chồng tôi trông cháu cũng rất khéo nhưng ông... từ chối trách nhiệm từ đầu, chỉ chơi cùng cháu khi ông thích (ảnh tác giả cung cấp) |
Thời gian về hưu, bố chồng tôi tiếp tục học hỏi, đầu tư và phát triển bản thân. Mỗi sáng, ông đều thức dậy từ 4g sáng để tập thể dục. Vừa tập, ông vừa kết hợp nghe để cập nhật giá vàng, thông tin các doanh nghiệp, xã hội, bí quyết chăm sóc sức khỏe... Thời gian còn lại trong ngày, ông trồng hoa, trồng rau sạch, đi cà phê với bạn bè, đánh cờ tướng, bóng bàn…
Quan sát lịch trình và sự kỷ luật của ông, dù chẳng biết tài khoản ông có bao nhiêu, tôi vẫn hiểu vì sao ông luôn toát lên sự giàu có. Ngược lại, mỗi khi đưa con đi học, tôi lại gặp rất nhiều ông bà trong khu chung cư vất vả với cháu. Hết trông đứa lớn rồi đứa bé, có những ông bà đã phải xa ngôi nhà rộng rãi, xanh mát của mình để sống trong căn hộ chật chội suốt mười mấy năm.
Trong hầu hết những tâm sự được nghe, tôi chưa thấy cô bác nào vui vẻ khi bị gán trách nhiệm trông cháu lên mình. Họ yêu thương cháu chắt, sẵn sàng giúp đỡ con trong những trường hợp bất đắc dĩ hoặc trong thời gian ngắn, nhưng nếu bị ép buộc trong thời gian dài thì khác.
“Không còn cách nào khác nên đành phải trông cháu thôi. Chứ nhiều lúc nhìn những ông bà phải trông cháu cho đến già, không còn đủ sức làm gì nữa, cô cũng sợ. Đời người trôi qua nhanh lắm cháu ạ, cứ sống hết mình để đến lúc đỡ hối hận vì chưa kịp làm gì vui”, một cô từng chia sẻ với tôi.
Cũng có những người phấn đấu làm việc cả đời, đến tuổi già mới tìm ra phong cách sống yêu thích. Cô Hoàng Hải Yến (59 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội) từng làm 30 năm trong ngành bảo hiểm. Thời gian còn công tác, cô cũng từng sợ ngày về hưu, quẩn quanh trong nhà, phải trông cháu và chấp nhận sự lão hóa, bệnh tật nhanh chóng.
Nhưng may mắn thực tế xảy ra ngược lại. Về hưu 4 năm, cô Yến tự hào khi chia sẻ rằng “nghỉ hưu là chặng rực rỡ nhất cuộc đời”. Vì ở tuổi hưu, dù đã lên chức bà nội, không những không phải trông cháu, cô còn phá bỏ giới hạn để theo đuổi rất nhiều vùng trời mới.
|
Ở tuổi gần 60, cô Yến được mệnh danh là "bà nội 6 múi" |
Cô Hải Yến tìm hiểu chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, “điêu khắc” cơ thể U60 ngày càng săn chắc. Cô còn được mệnh danh là “bà nội 6 múi”, thường xuyên hẹn hò, gặp gỡ với hội bà nội, bà ngoại để cùng nhau chia sẻ những cách sống vui tuổi xế chiều. Cô cũng đọc sách, rèn luyện tâm trí mỗi ngày, học hỏi thêm về công nghệ, làm đẹp…
“Tôi thích chơi và trò chuyện với các cháu nhưng nếu bắt tôi phải ở nhà trông cháu suốt ngày suốt tháng thì tôi chịu. Tôi còn có nhiều đam mê muốn thực hiện lắm!”, cô Yến chia sẻ.
Cha mẹ già thường là "nguồn nhân lực" đầu tiên các cặp vợ chồng trẻ "huy động" trong vấn đề chăm sóc con cái giúp. Nhưng nhiều người con, cũng vì vin vào tình yêu thương, nhẫn nhịn vô điều kiện mà ngược đãi, ép buộc cha mẹ.
Họ cần phải nhận thức rằng thời gian sống của cha mẹ không còn nhiều. Cha mẹ cần được quyền “tiêu dùng” khoảng thời gian còn lại với mục đích mang đến lợi ích về sức khỏe, hạnh phúc. Khi có quyền lựa chọn này trong tay, ông bà sẽ được sống một cuộc đời trọn vẹn, ý nghĩa. Cả cha mẹ và con cái đều sẽ không tiếc nuối nếu một ngày ngọn đèn trước gió tắt đi...
Linh Nguyễn