Dĩ nhiên là không ai ngờ nó sẽ xảy đến, nhưng một khi bạn sinh con thiếu tháng, mọi chuyện dường như đảo lộn hết cả.
Vợ chồng tôi chính là điển hình của cặp cha mẹ đó. Chúng tôi không chỉ chưa tham gia bất kỳ lớp học tiền sản nào, chưa chuẩn bị phòng cho bé và thậm chí còn chưa quyết định đặt tên con là gì khi con gái tôi sinh non 7 tuần, bé chỉ nặng 1.8kg và cao 45.7cm.
Nhưng thật may mắn, con gái mới sinh của chúng tôi, Sloane, đã không cần bất kỳ sự hỗ trợ dinh dưỡng hay hô hấp nào và chỉ phải ở lại phòng chăm sóc đặc biệt 10 ngày. Chúng tôi – ông bố, bà mẹ kiệt sức, lo lắng phải thích ứng với một thế giới hoàn toàn mới mẻ khi đứa trẻ thiếu tháng của chúng tôi chào đời.
Chúng tôi bước vào phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh mà không biết gì cả và bước ra cực kỳ am hiểu nhờ vào các bác sĩ và y tá tuyệt vời ở bệnh viện.
Dưới đây là 6 điều chúng tôi đã học được:
1. Không rõ khi nào có thể đón bé về nhà
Sinh non làm những mơ mộng khi con chào đời của bạn tiêu tan: Chồng bạn không phải là người cắt dây rốn, con bạn không được đặt nằm trên ngực mẹ khi vừa ra đời, bạn và con không được ở chung phòng trong bệnh viện, và tệ nhất là bạn không biết khi nào mới có thể bế bé về nhà.
Khi tôi cuối cùng cũng có thể xuống phòng chăm sóc đặc biệt để thăm Sloane, cô y tá nói với chúng tôi rằng không thể đón bé về nhà cho tới khi gần với ngày dự sinh của bé.
Mọi ngày vào buổi sáng, tôi đều hỏi bác sĩ khi nào con tôi mới có thể về nhà. “Mới chỉ hai ngày thôi”, bác sĩ trả lời sau lần thứ hai tôi dò hỏi. Tôi há hốc miệng ngạc nhiên vì tôi cảm tưởng cứ như 2 tuần trôi qua rồi. Vài ngày trôi qua, có vẻ như bé sẽ không cần ở đó lâu đến thế. Và sau 10 ngày, chúng tôi thật may mắn khi bé đã có thể về nhà. Nhưng không phải gia đình nào có trẻ sinh non cũng được may mắn như vậy.
2. Bé phải trải qua một bài kiểm tra ở ghế ngồi ô tô trước khi có thể rời phòng chăm sóc đặc biệt
Trước khi được về nhà, bé phải đạt ít nhất 2.7kg. Sau đó bé phải cho thấy rằng mình đã có thể tăng cân, giữ nhiệt cơ thể và qua được một bài kiểm tra được thực hiện trên ghế xe ô tô.
Bài kiểm tra này thật sự làm tôi sợ hãi, tôi nghĩ rằng ghế xe ô tô rất nguy hiểm. Bé nhà tôi phải qua được bài kiểm tra để chắc chắn rằng có thể rời viện an toàn. Bé sẽ được đặt ngồi trên ghế xe ô tô trong vòng 90 phút, cảnh trong xe được nối với màn hình máy tính để theo dõi.
Nhịp tim của các bé không được xuống dưới một mức nhất định, nếu dưới mức đó thì phải đợi 24h để thử lại lần nữa. Thật may mắn là Sloane đã qua ngay ở lần thử đầu, vì thế chúng tôi đã đón bé về nhà và lúc đó bé được 1.8kg.
3. Trẻ sinh non có hai tuổi: Tuổi thực và tuổi cơ thể
Chúng tôi được biết rằng mặc dù Sloane sinh vào ngày 12 tháng 6 nhưng ngày dự sinh chính xác của bé là ngày 1 tháng 8 – còn được gọi là tuổi cơ thể. Khi được 4 tháng tuổi, chúng tôi cho bé đi kiểm tra và được bác sĩ nói rằng cơ thể bé đang phát triển ở giai đoạn 2 tháng tuổi.
Biết rằng cơ thể của đứa bé 4 tháng tuổi lại chỉ hoạt động như 2 tháng tuổi khiến chúng tôi có chút lo ngại nhưng dần dần chúng tôi cũng quen với chuyện đó.
4. Bạn sẽ liên tục được nghe câu: “Vì bé sinh thiếu tháng, nên…”
Vì khi cơ thể bé hoạt động theo tuổi cơ thể, các y tá, bác sĩ, thực tập sinh, chuyên gia sữa mẹ, tất cả những người liên quan đến y khoa đều sẽ giải thích lý do bé chưa làm được điều gì đó là bởi vì bé sinh thiếu tháng.
Bé buồn ngủ khi tập nằm sấp?, “vì bé sinh thiếu tháng!”. Bé ngủ cả ngày à?, “vì bé sinh thiếu tháng!”. Bé ngủ khi đang ti mẹ à?, “vì bé sinh thiếu tháng!”. Phải luôn nhớ rằng: “Bé sinh thiếu tháng!”.
5. Bé sử dụng năng lượng nạp vào khác với trẻ sơ sinh đủ tháng
Mỗi ca trực, y tá mới sẽ làm nhiệm vụ kiểm tra cơ thể Sloane, một trong số đó là kiểm tra nhiệt độ. Bé cần giữ nhiệt độ cơ thể không dưới 36.5° C.
Một tối, nhiệt độ cơ thể bé xuống quá thấp. Chúng tôi quanh quẩn bên bé đầy lo lắng, cô y tá lấy nhiệt độ ở nhiều chỗ trên người bé và thậm chí thay cả nhiệt kế nhưng nhiệt độ người bé vẫn như vậy.
Khi tôi chuẩn bị cho bé bú sữa thì cô y tá dừng tôi lại và giải thích rằng vì nhiệt độ cơ thể bé đang quá thấp nên phải đợi đến khi nhiệt độ tăng mới được cho bé ăn. Phải nói rằng khi ấy tôi và chồng đã cho rằng điều đó thật vô lý. Chúng tôi không thể tin được rằng họ lại không cho bé ăn và bé sẽ tụt cân mất.
Cô y tá rất nhã nhặn gọi cho bác sĩ để tiếp tục giải thích cho chúng tôi hiểu rằng trẻ sơ sinh thiếu tháng sử dụng năng lượng nạp vào theo cách khác. Bé sẽ không nhận được dinh dưỡng từ thức ăn mà sẽ dùng năng lượng được nạp vào đó để sưởi ấm, trái ngược với việc nhận calo.
Chúng tôi cảm thấy bớt lo lắng hơn nhưng vẫn không hoàn toàn dễ chịu lắm, ít nhất là cho đến khi nhiệt độ cơ thể bé trở lại bình thường và chúng tôi có thể cho bé ăn.
6. Nên cho bé ăn bằng cách cho ti, bú bình và bơm sữa
Khi quyết định nuôi Sloane bằng sữa mẹ, tôi đã được nói rằng nên cho bé ăn bằng cách cho ti, bú bình và bơm sữa khoảng 3 tiếng một lần từ khi sinh đến khoảng ngày dự sinh ban đầu của bé. Cách này giúp bé ăn đủ và giữ nguồn sữa mẹ dồi dào.
Nhưng tôi phải chia sẻ thẳng thắn rằng: Cho ăn theo cách này cực kỳ mệt mỏi! Vài ngày đầu mất thời gian đến mức tôi chỉ có nửa tiếng trước khi lại bắt đầu quá trình trên một lần nữa . Mất thời gian bởi vì bé sẽ ngủ khi đang ti mẹ, rồi sau đó cho bé bú bình thì như một cuộc vật lộn vậy. Cuối cùng, tôi tìm ra giải pháp với sự giúp đỡ của chồng: anh ấy cho con bú bình trong khi tôi bơm sữa. Mọi chuyện cuối cùng rồi cũng đâu vào đấy.
Thảo Thanh