Lần thứ tư trong 5 năm qua, Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương mở phiên tòa dân sự xét xử vụ án “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Ngọc Dung - 53 tuổi, ở khu phố 3, P.Tân Định, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương và bị đơn là ông Lai Văn Chín - 77 tuổi, ở khu phố 6, P.Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, cha chồng của nguyên đơn.
Ở nhờ, trở mặt kiện đòi đất
Đất tranh chấp là của cụ Lai Văn Sâm (có nguồn gốc đất từ năm 1933) để lại cho ông Chín và một phần ông Chín mua lại vào năm 1973 của bà Lai Thị Mít (là cô ruột ông Chín), tổng diện tích 3.000m². Vào năm 1986, con trai ông Chín là Lai Hoàng Phương lấy vợ là bà Nguyễn Ngọc Dung. Năm 1990, ông Chín cho vợ chồng ông Phương - bà Dung đến ở nhờ trên mảnh đất này để trông coi.
Vào năm 1996, ông Lai Văn Chín được UBND thị xã Bến Cát cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chỉ có 861m². Năm 2013, ông Chín yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Bến Cát chỉnh lý và đo vẽ lại để đúng diện tích thực tế. Lúc này, bà Dung chống đối, thậm chí xúc phạm ông Chín. Bất ngờ trước hành động của vợ với cha mình, ông Phương can ngăn và giải thích thì mới phát hiện: chính vợ mình đã tự đi kê khai đất, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất với diện tích 861m². Phần còn thiếu (trong tổng số 3.000m²), bà Dung tính toán sẽ thuộc về mình trong tương lai. Bức xúc với mưu đồ cùng với thái độ, hành vi của vợ với cha mình, ông Phương làm thủ tục ly hôn với bà Dung.
Mâu thuẫn ngày càng lớn, đỉnh điểm là khi bà Dung bất ngờ khởi kiện ông Chín để đòi toàn bộ thửa đất. Trước tòa, bà Dung khai, vào năm 1986, bà có làm đơn xin cấp đất và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho bà. Bà Dung cho rằng, bà và các con của bà đã sinh sống và canh tác ổn định trên phần đất này từ năm 1986 cho đến năm 2011. Vì vậy, bà khởi kiện, yêu cầu tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Chín.
Bằng chứng của nguyên đơn: mơ hồ
Dù khởi kiện, yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Lai Văn Chín nhưng bà Dung lại không cung cấp được tài liệu chứng minh việc bà được chính quyền giao đất từ năm 1986. Bà cũng không cung cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bằng chứng bà Dung trưng ra là chứng từ đứng tên nhận tiền đền bù tài sản khi mở rộng Quốc lộ 13 vào năm 2002, nhưng theo kết quả xác minh của tòa án, năm 2002, bà Dung chỉ là người đứng tên trên biên bản ký nhận tiền bồi thường tài sản trên đất từ Tổng công ty Becamex IDC và dự án này không thu hồi đất, nên không có căn cứ xác định quyền sử dụng đất đang tranh chấp là của bà Dung.
Với các biên lai đóng thuế đất nông nghiệp và thuế nhà đất do bà Dung cung cấp, TAND thị xã Bến Cát khẳng định, mảnh đất đang tranh chấp là đất phi nông nghiệp; Chi cục Thuế thị xã Bến Cát không tìm thấy hộ bà Nguyễn Ngọc Dung kê khai nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp tại ấp 3, xã Tân Định, nên việc bà Dung khẳng định mình là người trực tiếp nộp thuế là không có cơ sở.
Trong khi chứng cứ ông Chín nộp cho hội đồng xét xử gồm tờ bán đất của ông Lai Văn Sâm (cha ông Chín) mua năm 1933 có chính quyền xác nhận, tờ bán đất năm 1973 do ông Chín mua của bà Lai Thị Út, có xác nhận chính quyền, đơn xin cất nhà tạm trú để canh tác do ông Lai Văn Chín viết, có xác nhận của chính quyền năm 1978, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND thị xã Bến Cát cấp cho ông Lai Văn Chín năm 1996. Từ năm 1933 đến nay, mảnh đất của ông Chín chưa từng bị thu hồi hay tranh chấp với ai, có nhiều người hàng xóm làm chứng.
Đơn xin cất nhà tạm trú để canh tác do ông Lai Văn Chín viết, có xác nhận của chính quyền năm 1978
Tan nát gia đình vì đất
Trong phần phát biểu của mình tại phiên tòa diễn ra 3 tuần trước, luật sư Huỳnh Văn Tâm - Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Chín - cho rằng, về quan hệ gia đình, mặc dù bà Dung và ông Phương đã ly hôn, nhưng vẫn còn hai đứa con chung và cũng là cháu nội của ông Chín. Vì quan hệ máu mủ, ông Chín có thể có phương án hợp tình nhưng phải trên cơ sở hợp lý. Về quan hệ xã hội, bà Dung là giáo viên nên cần suy nghĩ chín chắn, biết kiềm chế cảm xúc và cư xử có đạo đức hơn.
Tại bản án số 19/DS-ST ngày 30/7/2018, TAND thị xã Bến Cát đã tuyên: “Xét bà Dung không có đất ở nào khác và đã ở ổn định, lâu dài trên phần đất tranh chấp từ năm 1986 đến nay, có công sức giữ gìn, cải tạo đất nên yêu cầu cho bà Dung một phần đất theo tỷ lệ 3/7. Cụ thể, nguyên đơn được chia phần đất có diện tích 763,7m² trong tổng diện tích đất tranh chấp gần 3000m², kèm theo sơ đồ bản vẽ. Hiện tài sản tranh chấp do phía nguyên đơn quản lý, sử dụng nên tuyên buộc nguyên đơn (bà Dung) phải giao trả cho ông Chín quyền sử dụng diện tích đất đang tranh chấp là 1.871m² kèm theo hồ sơ bản vẽ và cây trồng, tài sản gắn liền với phần đất này”. Tòa cũng tuyên ông Chín bồi hoàn cho bà Dung 183.905.800 đồng giá trị tài sản gắn liền trên đất.
Phiên sơ thẩm kết thúc trong tâm trạng nặng nề của những người tham dự. 5 năm cho một vụ án dân sự chưa có hồi kết vì cả hai bên đều còn thời hạn kháng cáo. Bước ra khỏi tòa, hình ảnh ông cụ râu tóc bạc phơ một mình lầm lũi đón xe giữa cơn mưa rát mặt khiến nhiều người day dứt.