Không bằng cấp vẫn thành đạt - Bài cuối: Không có gì phải hối tiếc

05/08/2013 - 21:25

PNO - PN - Ông trùm ngành truyền thông Ted Turner đã không thể tốt nghiệp đại học vì... bị đuổi khỏi trường. Trước khi trở thành nhà báo nổi tiếng, mà tên tuổi gắn liền với vụ Watergate, Carl Bernstein chỉ giữ chân “chạy việc” ở tòa...

Từ “paper boy” trở thành nhà báo kiệt xuất

Khong bang cap van thanh dat - Bai cuoi: Khong co gi phai hoi tiec

Carl Bernstein (phải) và Bod Woodward (ảnh: Internet)

Từ khi còn bé, Carl Bernstein đã thích nghề báo. 16 tuổi, cậu được nhận vào một chân “chạy việc” tại tờ Washington Star mà trong nghề báo gọi là “paper boy”, có nhiệm vụ mang bản thảo của phóng viên từ bộ phận này đến bộ phận khác của tòa soạn. Tuy nhiên, chàng trai này nhanh chóng chứng tỏ được khả năng làm báo của mình. Những lúc rảnh rỗi, Carl la cà nơi này nơi nọ, đem về tòa soạn không ít thông tin có giá trị. Thậm chí, một số thông tin của Carl được các phóng viên đánh giá rất cao và sử dụng cho bài viết của mình.

Trong những trường hợp khác, Carl Bernstein hoàn toàn có thể được nhận làm phóng viên, nhưng Washington Star lúc đó lại có quy định là không nhận bất cứ ai chưa qua đại học làm phóng viên. Carl đã học xong bậc trung học tại trường Montgomery Blair High School ở Silver Spring, Maryland, thậm chí đã được nhận vào College Park của trường ĐH Maryland. Chỉ cần qua hai năm bậc cao đẳng (college) và nếu muốn, thêm hai năm nữa ở bậc đại học (university) là cậu đường hoàng trở thành phóng viên. Tuy nhiên, Carl quyết định tạm ngưng việc học vì muốn sớm được trở thành một nhà báo.

Không được tờ Washington Star nhận làm phóng viên không ngờ lại là điều may mắn cho Carl Bernstein. Ngay sau khi rời Washington Star vào năm 1965, Carl Bernstein được nhận làm phóng viên cho tờ Elizabeth Daily Journal ở New Jersey. Anh nhanh chóng nổi bật trong lĩnh vực điều tra. Chỉ sau vài tháng làm việc cho tờ Elizabeth Daily Journal, Carl nhận giải thưởng của Hiệp hội Báo chí bang New Jersey. Từ đó anh được nhiều tờ báo lớn ở Mỹ săn đón.

Khong bang cap van thanh dat - Bai cuoi: Khong co gi phai hoi tiec

Carl Bernstein (trái) và Bod Woodward trong vụ Watergate (ảnh: Internet)

Carl Bernstein chọn Washington Post, tờ báo hàng đầu nước Mỹ, để đầu quân. Chính tại tờ báo này, Carl Bernstein - cùng đồng sự Bob Woodward - đã thực hiện loạt bài điều tra làm rúng động nước Mỹ - loạt bài về vụ Watergate, scandal hủy hoại thanh danh của Tổng thống Richard Nixon khiến ông phải từ chức.

Vụ Watergate bắt nguồn từ một việc tưởng như rất đơn giản. Carl Bernstein và Bob Woodward được phân công viết bài về vụ một nhóm người đột nhập vào trụ sở của đảng Dân chủ tại tòa nhà Watergate. Đến hiện trường để thu thập thông tin, họ phát hiện đây không phải vụ trộm bình thường mà mang hơi hướm của một âm mưu chính trị. Bernstein và Woodward phát hiện những kẻ đột nhập đều đã hoặc đang là nhân viên CIA. Hai nhà báo trẻ còn tìm được chứng cứ cho thấy Tổng thống Nixon có liên quan trực tiếp đến vụ này. Sau nhiều cuộc điều tra của Quốc hội Mỹ, năm 1974 Tổng thống Nixon phải từ chức để tránh nguy cơ bị phế truất. Năm 1973, Carl Bernstein và Bob Woodward được trao giải Pulitzer cho loạt bài điều tra về vụ Watergate.

Khong bang cap van thanh dat - Bai cuoi: Khong co gi phai hoi tiec

Carl Bernstein là một trong những nhà báo kiệt xuất tại Mỹ (ảnh: Internet)

Carl Bernstein không chỉ nổi danh vì vụ Watergate mà còn được biết đến qua những loạt bài điều tra về các vấn đề quan trọng khác của nước Mỹ và quốc tế, như cuộc chiến Iran-Iraq năm 1990, sự liên quan giữa giới truyền thông Mỹ và CIA trong thời chiến tranh lạnh, cuộc lấn chiếm của Israel vào lãnh thổ Liban vào năm 1982… Sau khi giã từ tờ Washington Post vào năm 1977, Carl Bernstein làm việc cho nhiều tờ báo và đài truyền hình lớn khác như ABC, Time, Newsweek, The New Republic, Vanity Fair… Bất cứ ở đâu ông cũng cống hiến cho độc giả những bài điều tra giá trị.

Chắt lọc thông tin thu lượm được từ nghề báo, Carl Bernstein đã xuất bản sáu cuốn sách có giá trị về những biến cố xảy ra trong đời sống chính trị ở Mỹ và quốc tế. Sự nghiệp báo chí của Carl Bernstein đã khẳng định bằng đại học không phải là yêu cầu bắt buộc để trở thành một phóng viên giỏi. Sau này một lãnh đạo của tờ Washington Star phải thừa nhận: “Không nhận Carl Bernstein làm phóng viên là một trong những sai lầm lớn nhất của chúng tôi”.

Bị đuổi khỏi trường đại học, chẳng hề gì!

Khong bang cap van thanh dat - Bai cuoi: Khong co gi phai hoi tiec

Ted Turner (ảnh: CNN)

Ted Turner, ông trùm ngành truyền thông Mỹ, không hoàn tất được bậc đại học không phải vì gia đình không thể chu cấp, cũng không phải vì dốt hay lười biếng. Gia đình Turner vốn là một danh gia vọng tộc ở miền Nam nước Mỹ. Chín tuổi, Ted Turner đã học tại trường McCallie, một trường tư danh giá nhất Chattanooga, Tennesse, nơi có nhiều cô chiêu cậu ấm theo học. Qua bậc tiểu học và trung học ở những trường tư nổi tiếng nhất miền Nam nước Mỹ, Ted Turner vào đại học tại Brown University. Ở đây, Ted được nể trọng không phải vì danh tiếng của gia đình mà bởi thực tài của chính anh. Ngay năm học đầu tiên, anh đã có tên trong nhóm hùng biện của trường, nơi chỉ những sinh viên xuất sắc nhất mới được chọn. Không chỉ thế, Ted còn là thủ quân đội đua thuyền buồm của trường.

Khi Ted Turner chọn ngành học là nghiên cứu về văn minh cổ đại, bố mẹ anh vô cùng sửng sốt. Thậm chí, bố anh - ông Robert Edward Turner II - thừa nhận: “Tôi thật sự kinh hoàng khi biết điều này”. Có lẽ do sức ép gia đình mà Ted chuyển sang học kinh tế. Tuy nhiên, anh không có cơ hội kéo dài sự có mặt ở Brown University. Trước khi kết thúc năm học đầu tiên, Ted bị đuổi học vì nhiều lần vi phạm nội quy, cụ thể là anh thường xuyên để bạn gái qua đêm ở ký túc xá. Từ đó, Ted Turner chưa lần nào trở lại đời sinh viên.

Khong bang cap van thanh dat - Bai cuoi: Khong co gi phai hoi tiec

Ted Turner thuở trẻ (ảnh: Internet)

Không hối tiếc vì bị đuổi học, Ted Turner nhanh chóng bước vào lĩnh vực truyền thống của gia đình là truyền thông và quảng cáo, đặc biệt ở mảng phát thanh truyền hình. Sau khi ông Robert Turner qua đời năm 1963, Ted tiếp quản sự nghiệp của bố. 40 năm trong ngành này, ông đã biến đổi hoàn toàn lĩnh vực truyền thông của nước Mỹ cũng như thế giới. Điểm son trong sự nghiệp của Ted Turner là việc thành lập kênh truyền hình CNN, kênh thời sự quốc tế 24/24 đầu tiên trên thế giới. Lập tức, CNN trở thành kênh truyền hình được đón xem nhiều nhất vì các nhóm phóng viên của hãng luôn có mặt đầu tiên ở các điểm nóng nhất trên thế giới để thực hiện phóng sự độc quyền.

Khong bang cap van thanh dat - Bai cuoi: Khong co gi phai hoi tiec

Ông trùm truyền thông Mỹ Ted Turner (ảnh: CNN)

Ted Turner còn được biết đến qua những nỗ lực nhằm giúp các nước xóa tan mâu thuẫn và xích lại gần nhau hơn. Sau khi Mỹ và các nước phương Tây tẩy chay Olympic Moscow 1980 và phe Đông Âu trả đũa bằng cách tẩy chay Olympic Los Angeles 1984, ông đã thành lập Đại hội Thể thao thiện chí (Goodwill Games) để vận động viên hai khối có cơ hội tranh tài với nhau bên ngoài các cuộc tranh tài ở Olympic. Ông Turner còn được kính trọng vì biết chia sẻ nỗi đau của người khác. Năm 1998, ông tặng một tỷ USD trong tài sản ba tỷ của mình vào quỹ của Liên Hiệp Quốc để tổ chức này cứu giúp nạn nhân của chiến tranh, thiên tai và nạn đói nghèo trên thế giới.

Mãi đến tháng 11/1989, Ted Turner mới được Brown University trao bằng cử nhân danh dự, nhân dịp ông đã về thăm trường cũ.

 THIỆN NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI