PNO - PN - Gautam Adani, chủ tịch Adani Group và Ray Kroc, chủ tịch Công ty MacDonald's đều khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Hai doanh nhân nổi tiếng này còn giống nhau ở chỗ họ chưa từng tốt nghiệp đại học.
Từ hai bàn tay trắng
Sinh năm 1962 tại Ahmedabad, bang Gujarat thuộc miền Tây Ấn Độ, trong một gia đình tài chính khiêm tốn nhưng có đến bảy người con, Gautam Adani đã chọn con đường đầy thử thách khi bước vào đời. Cha Gautam có xưởng dệt nhưng anh không làm việc ở đó mà lên Mumbai, thành phố lớn nhất Ấn Độ, với vài trăm rupee trong túi. Anh xin vào tiệm kim hoàn Anh em nhà Mahindra để học nghề, bắt đầu từ khâu tuyển chọn kim cương. Gautam học nghề rất nhanh nhờ làm việc cật lực và cần mẫn. Hai năm sau, Gautam ra riêng, lập một công ty môi giới kim cương ở Zaveri Bazaar, Mumbai. 20 tuổi, Gautam đã có trong tay một triệu rupee, số tiền không nhỏ thời đó. Anh trở thành một doanh nhân trẻ nổi tiếng ở Mumbai.
Nhận ra tài năng của em trai, người anh cả Mahasukh Adani, một doanh nhân thành đạt, gọi Gautam về công ty của mình, giao cho em làm giám đốc một nhà máy nhựa mới mua lại. Thế là Gautam khăn gói quay về thành phố quê hương Ahmedabad. Đó là một nhà máy sản xuất nhựa từ nguyên liệu PVC nhập khẩu. Vốn có đầu óc kinh doanh nhạy bén, Gautam đứng ra tự nhập PVC. Chẳng mấy chốc, Gautam rành rẽ mọi ngóc ngách của nghiệp vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là nguyên liệu.
Cuối năm 1988, Gautam lập công ty xuất khẩu riêng Adani Export Ltd chuyên xuất khẩu hàng nông sản và thiết bị điện. Lúc bấy giờ, các doanh nhân cùng trang lứa với Gautam Adani đang tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mới như công nghệ thông tin và viễn thông, nên Gautam tự học hỏi ngành mậu dịch quốc tế. Adani Group ra đời trong hoàn cảnh đó, hoạt động lặng lẽ với số vốn khiêm tốn khoảng 500.000 rupee. Tuy nhiên, Adani Export Ltd lại là con chim đầu đàn của một tập đoàn, mà 20 năm sau, giá trị tài sản của tập đoàn Adani lên đến 270 tỷ rupee, là một trong những tập đoàn phát triển nhanh nhất ở Ấn Độ và có tầm cỡ thế giới. Adani Group, một trong mười tập đoàn lớn nhất Ấn Độ, hiện có hơn 50 công ty hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, chế biến dầu thực vật, phân phối khí gas. Ngoài ra, Adani Group còn kinh doanh bất động sản, đặc khu kinh tế và dịch vụ công nghệ thông tin.
Cảng Mundra được xem là bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của Gautam Adani. Năm 1993, chính quyền bang Gujarat quyết định tư hữu hóa cảng Mundra. Tập đoàn Adani trúng thầu vào năm 1995 và điều hành cảng này cho đến nay. Đây là cảng tư nhân lớn nhất Ấn Độ, có năng lực xếp dỡ hàng năm lên đến 80 triệu tấn hàng hóa. Từ cột mốc này, Gautam Adani lập công ty điện Adani Power Ltd, sở hữu nhiều nhà máy điện lớn ở bang Rajasthan và Maharastra. Công ty này cũng nổi tiếng về điện mặt trời ở Ấn Độ.
Gautam Adani có vợ là bác sĩ nha khoa và hai con. Bản thân không có bằng cấp nhưng Gautam rất coi trọng việc học hành của con cái.
Ông Gautam Adani, chủ tịch Adani Group (ảnh: Internet)
Cuộc chinh phục của chú hề Ronald
Với phương châm “chất lượng tốt, dịch vụ tốt, sạch sẽ và đáng đồng tiền bát gạo” Công ty nhà hàng MacDonald’s hiện có mặt ở 119 nước và lãnh thổ, với hơn 34.000 nhà hàng. Mỗi ngày, các nhà hàng này phục vụ 69 triệu thực khách (theo số liệu của công ty).
Ray Kroc - tên đầy đủ là Raymond Albert Kroc - một người Mỹ gốc Cộng hòa Czech chính là người có công bành trướng thương hiệu McDonald’s ra thế giới, dù ông không phải là người sáng lập. Hai anh em Dick và Mac McDonald mới là cha đẻ nhà hàng chuyên bán bánh hamburger (bánh mì kẹp thịt băm viên) McDonald’s thành lập năm 1940.
Ray Kroc sinh tại thành phố Oak Park, bang Illinois, năm 1902. Nhà có ba anh em nhưng Ray là người đặc biệt nhất, có biệt danh “Danny mộng mơ” vì suốt ngày… mơ đi buôn. Thời trung học, Ray từng đi bán nước chanh, mở tiệm bán đĩa hát nhưng thất bại.
15 tuổi, Ray thành “kẻ thất học” một phần vì chán học và phần khác vì không khí chiến tranh thế giới lần thứ nhất đã tràn đến nước Mỹ. Ray khai man tuổi để xin vào Hội Hồng thập tự Mỹ, học lái xe cứu thương ở bang Connecticut. Cùng đơn vị với Ray có một gã tên Walt Disney. Sau đó, mỗi người đi một ngả. Walt Disney sang châu Âu còn Ray lên thành phố Chicago. Ban ngày Ray đi buôn ly giấy cho Công ty Lily Tulip Cup, ban đêm chơi đàn piano trong các hộp đêm. Trong thời gian đi bán ly giấy, Ray làm quen với Earl Prince, người sáng chế máy khuấy sữa một lần được năm ly rất nhanh và gọn gàng.
Ray đã mua đứt bản quyền phân phối chiếc máy nói trên khắp nước Mỹ. Năm 1954, Ray đến thành phố San Bernadino, bang California. Tại đây, hai anh em chủ nhà hàng MacDonald’s đặt mua tám máy. Quan sát nhà hàng kiểu mới này - chỉ bán hamburger, khoai tây chiên, nước ngọt và sữa khuấy với giá rẻ 15 xu/bánh hamburger, Ray xin làm đối tác và nghĩ đến việc nhân rộng mô hình này khắp nước Mỹ kèm theo một phương thức phục vụ mới, hứa hẹn nhiều cơ hội thành công.
Ông Ray Kroc, chủ tịch Công ty MacDonald’s (ảnh: Internet)
Thời điểm đó, Ray Kroc 52 tuổi, nhưng sức khỏe lại yếu. Dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới, mười phần Ray chỉ nắm được vận may 50%. Trước đó, ông từng thất bại nhiều lần. Sau này, ông kể: “Lúc đó sức khỏe tôi khá bi đát. Tôi mắc bệnh tiểu đường và chớm bệnh thấp khớp. Túi mật không còn, tuyến giáp cũng bị cắt. Dù vậy, tôi vẫn tin mình sẽ thành công”.
Ý tưởng nhân rộng nhà hàng khắp nước được anh em nhà MacDonald’s đón nhận một cách dè dặt: “Ai làm?” - “Hãy giao cho tôi làm” - Ray thuyết phục. Năm 1961, Ray mua lại thương hiệu McDonald’s với giá 2,7 triệu USD. Ray giữ nguyên format ban đầu, chỉ bán thức ăn nhanh kèm nước uống nhưng theo phong cách của ông, một người sùng bái sự sạch sẽ. Từ sàn bếp, đồng phục nhân viên đến bãi giữ xe, tất cả phải tinh tươm. Ông cũng tiêu chuẩn hóa kích cỡ bánh, khẩu phần ăn, nhiệt độ và thời gian nướng bánh. Chất lượng bánh hamburger McDonald’s phải ngang nhau từ New York đến Bắc Kinh hay Tokyo. Đó là điều kiện tiên quyết của Ray khi nhượng quyền thương mại cho bất cứ ai muốn mở nhà hàng McDonald’s .
Niềm tin của Ray đã biến thành sự thật. Năm 1963, các nhà hàng của ông bán hơn một tỷ bánh hamburger. Con số ấn tượng này được trương lên bảng đèn nê-ông trước cửa mỗi nhà hàng McDonald’s. Cũng năm đó, ông khánh thành nhà hàng thứ 500, với sự xuất hiện lần đầu tiên chú hề Ronald McDonald làm nức lòng khách hàng nhí trên thế giới. Ai cũng biết, khi trẻ con đòi ăn nhà hàng McDonald’s thì hầu hết cha mẹ đều phải chiều. Khai thác đúng vào điều đó cho thấy tài kinh doanh của Ray Kroc.
John Mariani, tác giả quyển ẩm thực America Eats Out, nhận xét: “Trong vòng sáu năm kể từ ngày đăng mẩu quảng cáo đầu tiên trên truyền hình năm 1965, có đến 96% trẻ em Mỹ biết mặt chú hề Ronald trong khi tỷ lệ trẻ nhận ra tổng thống Mỹ thấp hơn nhiều”.