Không bằng cấp vẫn thành đạt - Bài 2: Doanh nhân kiệt xuất

15/07/2013 - 07:25

PNO - PN - Tháng 11/2012, tỷ phú Richard Branson (ảnh trái), ông chủ tổ hợp Virgin Group, đến Mỹ gặp ba người hâm mộ từng xăm trên người nhãn hiệu Virgin của ông. Thú vị là trong ba người đó có Sophia Amoruso (ảnh phải), một doanh nhân triệu...

Cô Tấm công nghệ

Khong bang cap van thanh dat - Bai 2: Doanh nhan kiet xuat

Sophia Amoruso - cô Tấm công nghệ (ảnh: Internet)

Biệt danh này do tờ The New York Times, nhật báo hàng đầu của Mỹ, đặt cho Sophia Amoruso, năm nay 29 tuổi, bà chủ Nasty Gal, một công ty bán lẻ quần áo phụ nữ nổi tiếng qua mạng.

Cuộc gặp giữa hai doanh nhân thành đạt, một già một trẻ, diễn ra ngắn ngủi tại Los Angeles, bang California (Mỹ) nhưng gây ấn tượng mạnh cho nhà tỷ phú người Anh. Sáng hôm sau, trên trang mạng cá nhân, ông Branson viết: “Sophia Amoruso xăm hình logo Virgin Records lúc cô ấy mới 16 tuổi. Nó mang đến vận may cho sự nghiệp kinh doanh khi cô ấy thành lập Nasty Gal và trở thành một trong những công ty phát triển nhanh nhất ở Mỹ”.

Thật ra, không phải Amoruso chê bằng cấp đại học. Gia đình cô vốn không khá giả. Năm 10 tuổi, cô phải chứng kiến cảnh cha mẹ thất nghiệp, buộc cô phải rời khỏi trường dòng để “tiết kiệm chi phí”. Cha cô đi phát báo mỗi sáng còn Amoruso bán nước chanh ở Sacramento, thủ phủ bang California. Từ lúc đó, Amoruso đã đọc những bài báo và sách vở nói về những công ty khởi nghiệp, và nuôi ước mơ có một công ty riêng.

Đến năm 22 tuổi, Amoruso đã trải qua mười công việc lặt vặt. Cô rất thích nhiếp ảnh và dự định vào một trường nhiếp ảnh nhưng dội ngược vì học phí quá “chát”. Rồi cô cũng vào một trường đại học cộng đồng gần nhà, nhưng làm công việc kiểm tra thẻ sinh viên với mức lương 13 USD/giờ. Một công việc chán như… “con gián”.

Khong bang cap van thanh dat - Bai 2: Doanh nhan kiet xuat

Sophia Amoruso (ảnh: Internet)

Một ngày, Amoruso thử thời vận trên trang eBay. Cô thích mặc quần áo kiểu xưa, nên nghĩ nhiều bạn trẻ cũng thích phong cách hoài cổ này giống mình. Thế là Amoruso mua lại trên mạng một chiếc áo vest nữ hiệu Chanel kiểu xưa với giá 8 USD. Rao bán đấu giá trên eBay cô bán lại được 1.000 USD. Thắng lợi bất ngờ này đã khiến Amoruso hào hứng tìm trên mạng mua giá rẻ quần áo xưa hàng hiệu như Yves Saint Laurent rồi rao bán lại trên eBay.

Dĩ nhiên, chuyện mua đi bán lại trên mạng của Amoruso có thể đã thất bại nếu cô không chịu khó sáng tạo. Đầu tiên là chọn đối tượng. Amoruso nhắm vào lớp phụ nữ từ 18 đến 24 tuổi. Kế đến là tên thương hiệu riêng trên eBay. Amoruso chọn một cái tên khá sốc là Nasty Gal (gái lẳng lơ), lấy ý từ album nhạc năm 1975 của Betty Davis, một nữ ca sĩ sexy, vợ cũ của huyền thoại nhạc Jazz Mỹ Miles Davis. NastyGal.com cũng là một trang web đen mà Amoruso mua lại tên miền, biến nó thành một trang web bán lẻ trực tuyến quần áo. Chiêu kế tiếp là Amoruso nhờ bạn bè làm người mẫu mặc quần áo mà cô muốn bán trên mạng. Cô chăm chút rất kỹ khâu này, từ chuyện tạo dáng, góc chụp đến phong cách ăn mặc trẻ trung, gợi cảm và táo bạo, dù quần áo được trưng ra là thời trang… xưa. Dù không học qua trường lớp thiết kế thời trang hay nhiếp ảnh nào, thậm chí không biết PowerPoint là gì, Amoruso vẫn làm rất tốt khâu tiếp thị bằng hình ảnh bắt mắt. Chưa hết, Amoruso còn sử dụng rất hiệu quả các trang mạng xã hội, bắt đầu từ Myspace (với 60.000 người theo dõi), kế đến là Facebook (470.000 người theo dõi), Twitter (57.000 người theo dõi) và Instagram (321.000 người theo dõi).

Sự sáng tạo đã làm nên thành công. Sau một năm rưỡi mua bán trên eBay, doanh thu của Nasty Gal đạt 115.000 USD. Lúc này, Amoruso mới thành lập Công ty Nasty Gal. Năm 2012, doanh thu công ty đạt 128 triệu USD, tăng gấp bốn lần năm trước. Tài sản của Amoruso ước tính đạt 250 triệu USD chỉ sau sáu năm khởi nghiệp.

Tay không lập “đế chế”

Richard Branson cũng không khác mấy Sophia Amoruso nếu nói về chuyện học hành. Sinh ra và lớn lên ở Blackheath (London) trong một gia đình hoạt động ngành tư pháp, Branson sớm được giáo dục về tính tự lập, cứng cỏi. Năm bốn tuổi, Branson được mẹ mang đi khỏi nhà nhiều cây số rồi bảo cậu tự tìm lối về. Nhờ một người hàng xóm giúp đỡ, Branson đã về đến nhà an toàn.

Thử thách trên chưa bằng lúc đi học chữ. Học hết cấp II Trường Scaitcliffe, Branson vào Trường trung học Stowe. Giỏi các môn thể thao, nhất là bơi lội, nhưng Branson rất vất vả khi học chữ vì mắc chứng dyslexia khiến ông đọc rất khó khăn. Vì chứng bệnh quái ác này, thành tích học tập của ông rất tồi. Học chưa hết lớp 10, Branson đành bỏ học. Bù lại, khả năng hoạt động xã hội của ông rất tốt.

Khong bang cap van thanh dat - Bai 2: Doanh nhan kiet xuat

Richard Branson (ảnh: Internet)

Bước khởi nghiệp của Branson là đi bán thiệp Giáng sinh và chim két đuôi dài. Thất bại hoàn toàn! Ông quay sang làm báo. Năm 1968, cùng với Jonny Gems, một người bạn thân, ông xuất bản tờ Student theo khuynh hướng hippy. Lần này ông thành công nhờ nhạy bén về quảng cáo. Ông kinh doanh đĩa hát theo đơn đặt hàng qua bưu chính. Mẫu quảng cáo đăng trên tờ Student đánh trúng tâm lý giới trẻ. Đơn đặt hàng gửi về tới tấp. Kinh doanh có lãi, ông thuê một cửa hàng đã phá sản trên đường Oxford, London để mở tiệm bán đĩa. Đang lúc ông chưa biết đặt tên cửa hàng là gì, một người bạn gái của ông gợi ý tên Virgin (Trinh nữ) vì Branson và những người bạn “hoàn toàn trinh trắng khi bước vào thương trường”.

Đế chế Virgin đã chào đời như thế, khi “kẻ thất học” Richard Branson mới 20 tuổi. Lúc bấy giờ đã có một đài truyền hình đề nghị thực hiện bộ phim tài liệu về ông như một doanh nhân trẻ xuất sắc.

Đế chế Virgin hiện nay bao gồm hơn 400 công ty hoạt động ở hơn 30 nước trong các lĩnh vực mua bán đĩa nhạc, sản xuất và ghi âm đĩa hát, trò chơi điện tử, hàng không dân dụng và vũ trụ, đường sắt, tài chính, mua bán lẻ, nước giải khát, điện thoại di động, mỹ phẩm, điện ảnh, internet, khách sạn và resort.

Hiện Branson là một trong năm người giàu nhất nước Anh và có tên trong danh sách 260 người giàu nhất thế giới với số tài sản ước tính 4,6 tỷ USD. Được xem là doanh nghiệp tầm cỡ “siêu anh hùng”, những bí quyết thành công của Richard Branson đã được đúc kết thành năm bài học như sau:

Khong bang cap van thanh dat - Bai 2: Doanh nhan kiet xuat

Tỷ phú Richard Branson (ảnh: Internet)

1. Phải là một nhà lãnh đạo tốt

Ông Branson thường nói: “Phải biết chăm sóc nhân viên như người trong gia đình. Phải thương yêu họ. Có như vậy mới khiến họ cống hiến hết mình”. Cụ thể, hàng tháng ông đều viết thư riêng cho từng nhân viên, khuyến khích và hỗ trợ họ thực hiện những sáng kiến cải tiến Virgin.

2. Xây dựng thương hiệu mạnh

Năm 2005, Branson tuyên bố “Mục tiêu của tôi là biến Virgin thành thương hiệu được cả thế giới kính trọng”. Có thể nói, hiện nay, mục tiêu này đã không còn xa.

3. Luôn đi đầu

“Cơ hội kinh doanh giống như xe buýt. Bao giờ cũng có một chiếc xe buýt khác muốn qua mặt. Vì vậy phải luôn đi đầu”.

4. Làm điều chưa ai làm

“Chúng ta phải đi tới những nơi chưa ai tới”, ông Branson nói, khi ông hợp tác với bang New Mexico (Mỹ) xây dựng cảng thương mại hàng không vũ trụ đầu tiên trên thế giới.

5. Hồn nhiên, vui vẻ

Ông Branson thường tuyên bố “Tôi giống như Peter Pan, một đứa trẻ không muốn trở thành người lớn”.

 VĂN ANH 

Đón đọc kỳ tới: Những "thủ khoa" trường đời

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI