John Major: Tự tin với xuất thân
Sinh ngày 29/3/1943 tại London, ông John Major là con của một đôi vợ chồng làm trong gánh xiếc. Mẹ ông, Gwen Coates, là vũ công và bố ông, Tom Major, là diễn viên nhào lộn. Gia đình họ sống rày đây mai đó, con cái cũng phiêu bạt cùng bố mẹ. Ông John Major là con út, chào đời khi người bố đã 63 tuổi, mẹ 38 tuổi. “Tại Anh, vào thời kỳ đó, một bà mẹ sinh con ở tuổi 38 là quá trễ, do vậy tôi và mẹ đều không khỏe khi tôi ra đời. Nhiều người cho rằng tôi và mẹ tôi đều khó sống sót”, sau này ông Mayor kể lại.
Ông John Major kế nhiệm bà Margaret Thatcher làm Thủ tướng Anh
Ông John Major lớn lên khi Thế chiến II vừa kết thúc, cả châu Âu đều khó khăn, mọi gia đình đều vất vả kiếm sống. Trong hoàn cảnh đó, người sau này trở thành Thủ tướng Anh đã phải bỏ học ở tuổi 16 để tìm việc làm. Tất nhiên, lúc đó, ông Major chỉ có thể lao động chân tay. Có lúc ông là người sai vặt tại một công ty bảo hiểm, khi thì làm công nhân xây dựng, nhưng hầu hết thời gian là… thất nghiệp.
Mãi đến gần 19 tuổi ông Major mới tìm được một việc làm ổn định tại ngân hàng Standard Chartered Bank. Đó là nấc thang đầu tiên trong đời ông. Không lâu sau, bố ông mất. Vốn thể trạng ốm yếu, lại không thể vượt qua nỗi đau mất chồng, bà Gwen cũng qua đời sau đó tám năm, chấm dứt một quãng thời gian dài bệnh tật.
Ông Major nói về mẹ: “Bà luôn muốn biết một cách chính xác những gì tôi đã làm cũng như sắp tới. Nhiều người cho rằng như thế là quá đáng, nhưng tôi lại nghĩ đó là vì bà muốn tôi thành công. Tôi biết ơn mẹ vì điều này”. Trong một cuộc phỏng vấn sau khi đã rời cương vị Thủ tướng Anh, ông Major nói: “Điều tôi tiếc nhất chính là bố mẹ không còn sống để thấy được thành công của tôi”.
Ông John Major nay đã 70 tuổi - Ảnh: Getty
Để bù đắp cho những điều không được học trong trường, ông Major tranh thủ học từ thực tế cuộc sống và qua những chuyến đi. Ông tiếp xúc với nhiều người thuộc nhiều giới, trong câu chuyện với ai ông cũng tìm ra được điều đáng học hỏi. Ông Major nhận ra được điều cốt lõi chính là “Cuộc sống có thể dạy người ta vô số điều mà nhà trường không thể”. Với vốn sống đó và năng khiếu chính trị bộc lộ từ khi còn rất trẻ, ông John Major đã thích ứng với đời sống chính trị ở Anh, đặc biệt là khi tham gia nội các của bà Margaret Thatcher.
Ông Major từng lãnh đạo hầu hết những bộ quan trọng trong chính phủ Anh như Bộ trưởng Các vấn đề xã hội, Bộ trưởng Ngân khố, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại và kinh tế trước khi được bà Margaret Thatcher đề cử vào cương vị lãnh đạo đảng Bảo thủ trong cuộc tổng tuyển cử tháng 11/1990. Đảng Bảo thủ thắng lớn trong cuộc tổng tuyển cử đó và ông John Major trở thành Thủ tướng ở tuổi 47.
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy bối rối khi được hỏi về thời thơ ấu gian khổ của mình. Tôi tự hào với những gì bố mẹ làm cho chúng tôi. Họ không giàu tiền bạc nhưng đối với chúng tôi, họ giàu hơn rất nhiều người về những giá trị khác”, ông Major nói. Ông không hề tự ti về xuất thân, cũng không mặc cảm về việc học dở dang của mình. Điều đó đã bộc lộ phần nào ở khả năng lèo lái nước Anh trong những năm cuối thế kỷ XX đầy bất ổn cả trong nước lẫn trên bàn cờ chính trị quốc tế.
Walter Nash: Con nhà nghèo
So với ông John Major thì cuộc đời ông Walter Nash còn bi thảm hơn. Ông sinh năm 1882 trong một gia đình nghèo tại Kidderminster, Worcestershire (Anh), người bố lại nghiện rượu. Khi còn học tiểu học, ông Nash đã thể hiện rõ sự thông minh vượt trội nên nhận được học bổng vào một trường trung học nổi tiếng trong khu vực. Tuy nhiên, do gia đình không thể đóng góp những khoản phụ trội phát sinh nên trường này đã xóa tên ông. Từ đó, ông Nash đành bỏ dở việc học để bắt đầu mưu sinh, ban đầu là thư ký tại một văn phòng luật sư và sau đó làm việc cho một xưởng gỗ ở Birmingham.
Năm 1906, ông lập gia đình với Lottie May Easton. Sau nhiều năm dành dụm, họ mở được một cửa hàng nhỏ. Khi kinh tế gia đình tạm ổn, ông ghi tên vào một lớp học ban đêm để bổ sung kiến thức. Cuộc sống trắc trở vẫn chưa buông tha ông, hai năm sau, vợ và đứa con trai nhỏ của ông đều lâm bệnh, con gái lại chết khi vừa chào đời. Lúc đó, kinh tế nước Anh đang trì trệ vì ảnh hưởng của Thế chiến I. Công việc làm ăn ngày càng thất bát, khiến ông Nash và vợ đi đến một quyết định đã thay đổi cả cuộc đời họ sau này: rời nước Anh để di dân sang New Zealand, được xem là vùng đất hứa đối với những người Anh nghèo khổ thời đó.
Ông Walter Nash
Đến Wellington vào giữa năm 1909, ông Nash làm việc tại một xưởng may và tìm động lực cho cuộc sống bằng niềm tin vào Đức Chúa trời và chủ nghĩa xã hội. Ông Nash đã gắn bó với đức tin này suốt cuộc đời. Quan điểm chính trị của ông cũng bắt nguồn từ hai niềm tin này, dù công việc làm ăn của ông trong ngành vải sợi và len thời gian đó luôn lâm vào cảnh bất ổn và gia đình ông phải di chuyển liên tục.
Sự thông minh, tính quyết đoán và niềm tin không những giúp ông Nash đứng vững trên đường đời mà còn tiến xa trong sự nghiệp chính trị. Đúng 10 năm sau khi đến New Zealand, ông trở thành một trong những lãnh tụ có ảnh hưởng lớn nhất của Đảng Lao động. Năm 1920, ông trở thành Tổng thư ký đảng này và đưa ra nhiều quyết sách quan trọng cải thiện bộ mặt của đảng trong mắt dân chúng.
Phe đối lập thuộc đảng Bảo thủ luôn đưa vấn đề học vấn thấp cũng như quan điểm thiên về chủ nghĩa xã hội của ông Nash như một lý do để cho rằng ông không thể lãnh đạo đất nước. Do vậy, ông thường xuyên thất cử tại các cuộc bầu cử Quốc hội cho đến tận năm 1929. Khi đảng Lao động thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 1935 và trở thành đảng cầm quyền, ông Nash được cử giữ chức Bộ trưởng Tài chính trong nội các của ông Michael Savage. Đó là lúc cả thế giới rơi vào suy thoái kinh tế trầm trọng nhưng lại là cơ hội để ông Nash thể hiện tài kinh bang tế thế của mình. Trước bao cặp mắt nghi vấn, ông đã thành công trong việc cải thiện nền kinh tế.
Năm 1957, đảng Lao động trở lại cầm quyền lần thứ nhì, lần này trong đảng không còn ai dèm pha uy tín của ông Walter Nash nữa. Ông trở thành Thủ tướng thứ 27 của New Zealand ở tuổi 75. Sau ba năm lãnh đạo đất nước, ông Nash lui về hậu trường và qua đời tám năm sau đó trong nỗi tiếc nuối là chưa bao giờ tìm được cơ hội trở lại trường học một lần nữa.
THIỆN NGA
Kỳ tới: Doanh nhân kiệt xuất