Không ai quên được mùa xuân quê nhà

17/02/2015 - 07:59

PNO - PN - Bạn ở New York nói rằng: “Rồi em cũng quen dần thôi! Tết đến chẳng hay, Tết đi rồi chẳng tiếc”. “Quen dần” có nghĩa là phôi pha, là rụng rơi ký ức!”. Trong tôi đang chia làm hai nửa, vừa muốn thích nghi để hòa nhập, vừa...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Từ khung cửa sổ hình vuông của khách sạn Crown ở New Jersey (Mỹ), tôi nhìn ra khoảng sân rộng mênh mông. Nổi bật trên nền tuyết trắng xoá là hàng cây trút lá mùa đông, để lại những nhành cây trơ trọi, yếu ớt trước cơn gió dữ. Chợt nhớ đến cây mai nhỏ bé nơi quê nhà đang đợi tôi về lặt lá cũng sẽ khẳng khiu và rung rinh trước gió như thế! Nhưng từ những nhành cây gầy guộc sẽ đơm nụ, nở hoa vàng rực rỡ báo hiệu xuân sang".

Khong ai quen duoc mua xuan que nha

Hoa xuân cập bến Kênh Tẻ những ngày giáp Tết - Ảnh: Đỗ Ngọc

Khong ai quen duoc mua xuan que nha

Những chậu hoa mai hãy còn e ấp nụ cập bến Kênh Tẻ, chờ người Sài Gòn thưởng thức mùa Tết - Ảnh: Đỗ Ngọc

Tôi viết những nỗi niềm trên khi đón Tết “tây” ở Mỹ bảy năm về trước, lúc đó lòng nôn nao vui sướng với viễn cảnh sắp được về nhà ở Việt Nam để đón Tết “ta”. Vậy mà, thời cuộc đẩy đưa, giờ đây tôi lại đón Tết ở trời Tây, lòng ngổn ngang không biết bao giờ mới có dịp ngắm mai vàng khoe sắc giữa Sài Gòn.

Thỉnh thoảng, tiếng pháo nổ đâu đó trong đêm làm mấy chú chó hàng xóm sủa vang trời, đâu biết rằng pháo cũng đánh thức lòng tôi. Những ngày xưa ấy, vào đêm 30, hễ nghe hàng loạt pháo nổ dồn dập là biết đã đến giờ giao thừa. Mùi pháo khét lẹt xông vào mũi, mắt, không gian chìm ngập trong khói pháo. Tôi phải nhốt chó vào nhà tắm, bỏ mèo vào tủ áo để chúng không bị tiếng pháo làm kinh hoảng. Sau khi cúng Trời Đất và tổ tiên, mẹ mở tủ lấy phong bì đỏ đã chuẩn bị sẵn để lì xì cho chị em tôi. Rồi hai chị em diện áo dài cùng mẹ đi chùa Lâm Tế gần nhà trong tiết trời đêm se lạnh…

Tôi dạo quanh Hội Hoa xuân ở khu Little Saigon để tìm kiếm không khí mùa xuân. Trời Nam Cali nóng như trời Sài Gòn những ngày cận Tết khiến người ở đây than thở, bực bội với tiết trời nóng bức giữa mùa đông. Riêng tôi lại thấy vui vui vì nó giống-Sài-Gòn.

Khong ai quen duoc mua xuan que nha

Khong ai quen duoc mua xuan que nha

Sài Gòn ta đó, những ngày nắng đẹp - Ảnh: Hồng Kỳ

Những thứ cơ bản của ngày Tết cũng được tôi mua sẵn, hoặc các cô tôi “tài trợ”, nhưng tôi vẫn thấy thiếu không khí ngày Tết mà chỉ riêng Sài Gòn mới có. Người đông như kiến trên đường phố, chộn rộn mua sắm cuối năm, gói ghém hành lý "cộ bị" về quê. Sau tất cả sự tất bật nhộn nhịp những ngày cuối năm đó, còn lại một Sài Gòn vắng vẻ nhưng duyên dáng, một Sài Gòn không ồn ào tiếng còi xe, một Sài Gòn trữ tình với những hàng cây dài mà khi đường phố không kẹt xe mới cảm nhận được vẻ đẹp của nó.

Ở Mỹ, không khí xuân chỉ tập trung ở những thương xá của cộng đồng người Việt. Nhiều người mua bông hoa, chưng mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét. Dù nhiều người cố gắng sắm sửa, trưng bày và nấu nướng cho có một cái Tết, nhưng “một mùa xuân lẳng lặng về không tiếng”, vì mọi người vẫn phải đi làm, trẻ con vẫn đến trường nếu Tết không rơi vào ngày cuối tuần.

Đôi mắt đen tròn của Gia Trân, cô bé hàng xóm của tôi, thoáng buồn khi được hỏi kế hoạch của “ba mùng”. “Em không biết làm gì! Chắc chỉ có ăn và ngủ”. Lần đầu ăn Tết xa quê nhà (vốn ở Ninh Thuận), cô bé 17 tuổi có nhiều thứ để nhớ. “Cảm giác rất buồn. Không như mọi năm được dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, được đi sắm đồ mới với mẹ, được nấu những món ăn cổ truyền. Ngoài ra, khi tết đến, lại được đi thăm ông bà, cô chú bác, được lì xì và nhận những lời chúc may mắn đầu năm”, Gia Trân nói.

Xa quê, nhất là khi đến thời khắc đặc biệt thế này, những hoài niệm bỗng tràn về đến cháy lòng. Tết là dịp để mà con người, dù bôn ba đến mấy, cũng nhớ về nguồn cội, tìm lại miền ký ức thân thương, những thứ tưởng bình thường đương nhiên bỗng trở thành quý giá vô ngần.

Khong ai quen duoc mua xuan que nha

Phố ông Đồ Sài Gòn những ngày giáp tết Ất Mùi - Ảnh: Lynh Vi

Khong ai quen duoc mua xuan que nha

Giáp Tết ở Lai Vung, Đồng Tháp - Ảnh: Đỗ Ngọc

Khong ai quen duoc mua xuan que nha

Chợ hoa xuân ở công viên 23/9, Sài Gòn - Ảnh: Đỗ Ngọc

Nhưng, con người thường cũng dễ thích nghi cho phù hợp với hoàn cảnh. Những người xa quê hàng chục năm, sống ở nơi ít có người Việt, hoài niệm mùa xuân của họ đã tàn dần theo năm tháng tha hương. Nghe xuân sang nhưng trong lòng... hết xốn xang. Một người bạn sống ở tiểu bang New York lạnh lẽo đầy tuyết mùa này nói với tôi: “Rồi em cũng quen dần thôi! Tết đến cũng chẳng hay, Tết đi rồi cũng chẳng tiếc”. “Quen dần” có nghĩa là phôi pha, là rụng rơi ký ức!”. Trong tôi đang “chia làm hai nửa”, vừa muốn thích nghi để hòa nhập, vừa muốn níu kéo những trong trẻo, hạnh phúc của mùa xuân xưa.

Đêm nay, tôi sẽ nghe lại bài "Bonjour Vietnam" của Phạm Quỳnh Anh. Con tim xa quê sẽ thổn thức cùng giai điệu: “Việt Nam ơi, hãy nói cho ta biết về cái tên khó gọi, cái tên ta đã mang từ thuở sơ sinh. Hãy tả cho ta màu da, mái tóc và đôi chân bé nhỏ đã mang ta từ thuở sơ sinh . Hãy kể cho ta về ngôi nhà, con đường… Một ngày nào đó ta sẽ về ... về viếng linh hồn của ta”.

Và tôi tin, nếu vẫn hướng về nguồn cội thì không ai quên được mùa xuân quê nhà, vẫn nôn nao, háo hức mỗi độ xuân về. Phi trường Tân Sơn Nhất chẳng phải lúc nào cũng tấp nập đón người Việt xa về ăn Tết trên quê hương?! Một ngày nào đó, tôi sẽ đón xuân cùng Sài Gòn, không còn phải “tình hoài hương”, nhớ nhớ thương thương từ nửa vòng trái đất!


LÃNG DZU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI