Thường thì mọi người nghĩ bắt nạt là về mặt thể chất, nhưng thật ra bắt nạt còn là thóa mạ, giễu cợt, cố ý lan truyền tin đồn hoặc tẩy chay người khác.
Bắt nạt dưới mọi hình thức, kể cả làm giảm uy tín, quấy rối và đe dọa, đều không chỉ khiến các nạn nhân suy sụp tinh thần mà còn có thể dẫn đến việc một số nạn nhân tự làm hại bản thân.
|
Hình minh họa |
Để con không trở thành kẻ bắt nạt
Những “kẻ bắt nạt” thường là những người đã từng bị đối xử thiếu tôn trọng, bị tổn thương, từng chịu đựng những cơn nóng giận và thiếu kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, cũng có những người trẻ tuổi có kỹ năng giao tiếp khéo léo nhưng họ tận dụng việc bắt nạt người khác như một cách thức để được gia nhập một nhóm nào đó, để trở nên nổi tiếng.
Làm thế nào để không tạo ra một kẻ bắt nạt? Hãy cẩn thận chọn lọc sách, phim ảnh và trò chơi video cho trẻ. Chọn những câu chuyện về hòa bình, yêu thương và lòng tốt cùng những câu chuyện mà lòng can đảm dám hy sinh, sống tốt được biểu dương.
Hãy dạy cho con của bạn đối xử với tất cả mọi người một cách tôn trọng và tử tế - và làm gương cho con về điều đó ở trong nhà cũng như ở cách giao tiếp của bạn với cộng đồng.
Hãy lưu ý đến các mối quan hệ của con với các anh chị em và các bạn của chúng. Nếu có cãi nhau và đánh nhau, hãy dạy các con những kỹ năng giải quyết xung đột. Nếu con bạn là con một, khi con đang đánh nhau với một đứa bạn hay anh, chị, em họ ở nhà, hãy cho cả hai cùng tham gia học cách giải quyết xung đột.
Sẽ rất tốt nếu con bạn có cơ hội chơi đùa và tương tác với các trẻ khác như chia sẻ cùng nhau, chơi thể thao, thám hiểm thiên nhiên...
Nhận xét của con về những người bạn và những gì xảy ra ở trường cũng cần được chú ý. Khi bạn lắng nghe con, bạn sẽ biết con đang trải qua những thay đổi gì và có điều gì khiến con xuống tinh thần không. Qua đó, bạn có thể giúp con hiểu và quản lý cảm xúc của chính con.
Khi ai đó cư xử tiêu cực với con, bạn lắng nghe con tâm sự và có thể chia sẻ với con nếu bạn từng gặp chuyện tương tự. Đôi khi chỉ cần nói: “Cha, mẹ hiểu con bị tổn thương” và khẳng định lại những tính tốt tự nhiên của con nếu ai đó đã nói điều gì ác ý với con.
Để con không bị bắt nạt
Có hai phản ứng khi bị bắt nạt là sợ hãi hoặc đáp trả theo cùng cách của kẻ gây hấn. Nếu con bạn sợ hãi, người bắt nạt sẽ tấn công nhiều hơn do cảm thấy mình đang uy quyền hơn. Nếu con bạn đáp trả, người bắt nạt cũng sẽ tiếp tục tấn công để giành chiến thắng. Giải pháp hợp lý là phản ứng bằng thái độ quả quyết nhưng ôn hòa.
Nếu trẻ hai hay ba tuổi, bạn có thể dạy trẻ cách phản ứng nếu bị trẻ em khác nói lời thô tục, ngắt véo, đánh hoặc cắn. Ví dụ: “Không đánh. Dừng lại ngay”. Trẻ bốn tuổi có thể học cách nói: “Tôi không thích bạn mắng chửi tôi, tôi muốn bạn dừng lại”.
Lắng nghe con kể những câu chuyện ở trường, bạn có thể biết con có bị bắt nạt hay không. Bạn có thể làm mẫu với con vài lần và cho trẻ thực hành với bạn.
Khi con bạn lớn hơn và bị khiêu chiến, con bạn có thể đối đáp quả quyết nhưng ôn hòa: “Tụi mình nghĩ xem cách nào hay hơn để cùng nhau làm đi!”. Khi con bạn bị nhận xét ác ý, trẻ có thể học cách đối đáp: “Tớ nghĩ mỗi chúng ta đều có những ưu điểm đáng để tự hào về bản thân. Tớ nhận thấy cậu... (kể một điểm tốt của người khiêu khích)”.
Bạn cũng có thể giúp trẻ đối đáp một cách hài hước, tự tin kèm với một nụ cười khiến kẻ bắt nạt hung hăng phải dừng lại. Chẳng hạn, để đáp lại câu: “đồ ngốc!”, con bạn có thể nói: “thỉnh thoảng thôi” với một nụ cười và một chút tự hào.
Tránh xa những kẻ bắt nạt
Khi đã trưởng thành, hầu như ai trong chúng ta cũng đều gặp vài người thoạt đầu có vẻ lạnh lùng, hơi thô lỗ hay kém thân thiện, nhưng hóa ra họ lại là những người tuyệt vời khi tiếp xúc với họ.
Nhưng chúng ta cũng gặp một số người thật sự ác ý hoặc thường xuyên bắt nạt người khác. Tôi tin vào việc tôn trọng mọi người. Tuy nhiên, tôi không nghĩ là cần đưa mình ra làm đối tượng bị bắt nạt.
Bạn nên nói cho con bạn biết về việc tránh những kẻ bắt nạt. Có thể cất tiếng chào hỏi hay gật đầu, mỉm cười với bạn ấy khi bạn ấy ở gần - đó là cách con áp dụng giá trị tôn trọng, nhất là khi con cảm thấy bạn ấy thật tình không muốn đóng vai kẻ bắt nạt.
Tuy nhiên, tốt nhất là khuyên con nên tránh những bạn hay bắt nạt càng nhiều càng tốt cho đến khi các bạn ấy cư xử tử tế trở lại.
|
Hình minh họa |
Ngăn chặn bắt nạt, cách nào?
Khi bạn đồng trang lứa đứng về phía đối tượng bị bắt nạt để can thiệp thì việc bắt nạt sẽ dừng lại. Một nghiên cứu ở Canada cho biết, bắt nạt dừng lại 57% số lần trong vòng mười giây nếu một bạn đồng trang lứa can thiệp. Khi những người ngoài cuộc đứng xem cảnh bắt nạt một cách thụ động có thể làm tăng thêm cảm giác quyền lực ở kẻ bắt nạt. Như vậy, đứng xem một cách thụ động, vô tình làm tăng thêm hành vi bắt nạt.
Bạn nên khuyến khích trẻ hỗ trợ bạn mình thoát khỏi nạn bắt nạt. Bạn có thể phân tích cho con:
1. Nếu con bỏ đi, không đứng ngoài cuộc xem cảnh bắt nạt, kẻ đang bắt nạt sẽ không có khán giả nhưng đối tượng bị bắt nạt không được hỗ trợ. Cách này không hiệu quả.
2. Nếu con bạn gọi tên đối tượng bị bắt nạt, rồi cùng đối tượng rời khỏi hiện trường, đối tượng sẽ được hỗ trợ nhiều và kẻ bắt nạt không thể làm gì hơn.
3. Con bạn nhắc đến một ưu điểm của cả đối tượng bị bắt nạt lẫn người đang bắt nạt và cùng đối tượng rời đi. Ví dụ: “Hùng à, bọn mình hiểu cậu rất đáng tin cậy. Hôm nay, Phương đang cáu kỉnh. Ngày mai, cậu ấy nhất định dễ thương hơn”. Cách này cũng rất hiệu quả vì chính kẻ đang bắt nạt cũng cảm thấy mình không hoàn toàn bị xa lánh. Điều này sẽ tạo cơ hội cho bạn ấy thay đổi. Đây là cách can thiệp tốt nhất.
4. Cách đánh lạc hướng: ví dụ con bạn có thể đến hỏi một việc khác để kẻ đang bắt nạt phải dừng ngay hành vi bắt nạt.
Ví dụ một lần nọ, tôi thấy một người đàn ông đang dừng xe quát tháo với hai người khác, tôi liền giả vờ đến hỏi đường anh ấy và anh ấy buộc phải dừng việc quát tháo. Anh ta không trả lời, nhưng đã lái xe đi mất. Khi ấy, tôi trao cái nhìn thân thiện cho hai người kia và họ cho biết họ đã ổn.
|
Hình minh họa |
Tuy nhiên, bạn hãy giúp con bạn hiểu con chỉ can thiệp khi con vẫn an toàn, không thể can thiệp trong tình huống của một cuộc ẩu đả bằng tay chân. Khi có bạo lực nghiêm trọng, cách con bạn có thể làm là nhờ sự hỗ trợ của nhà trường, cảnh sát...
Nếu con bạn chứng kiến bạn mình đang bị hành hung, con bạn có thể gọi từ xa và nói: “Dương ơi, thầy Minh cần gặp bạn ngay kìa!”.
Khi con bạn biết bảo vệ bạn bè hay người gặp nạn, con bạn cũng sẽ mạnh mẽ hơn, biết tự bảo vệ mình và chắc chắn sẽ có được sự tin cậy từ bạn bè, đồng thời góp phần xây dựng môi trường an toàn cho chính mình cùng bạn bè đồng trang lứa.
Tiến sĩ tâm lý Diane G. Tillman
(Trung tâm Inner Space Hoa Kỳ)