Đây là lần thứ hai anh bạn người Úc Andrew bị té xe đạp trong vòng một tháng qua. Nặng hơn lần trước, lần này anh bị chấn thương bẹ sườn, trật khớp tay phải và đầu gối trái sau cú ngã trời giáng, cũng vì tránh đường một nhân viên giao thức ăn.
Thích ứng nhu cầu gọi thức ăn tại nhà ngày càng tăng của một thành phố đông dân, đa văn hóa như Sydney (Úc), thì lực lượng giao hàng cũng tăng lên ồ ạt.
|
Ảnh minh họa |
Điều đáng buồn là thừa lúc đoạn đường vắng, người giao thức ăn vượt ẩu, không nhận lỗi mà điềm nhiên bỏ đi, mặc cho Andrew xoay xở trong đêm tối. Rõ ràng đây là hành động vô cảm và thiếu trách nhiệm.
Dương tính “lông nhông” trong siêu thị
Nếu thường xuyên theo dõi tin tức, độc giả Úc có thể dễ dàng bắt gặp những hành xử "chỉ vì bản thân" của người dân nước này. Lấy ví dụ điển hình, liên quan đến cuộc chiến chống dịch Covid-19. Một thanh niên trở về Tasmania (Úc) từ Iran bị nhiễm vi-rút Corona.
Sau khi được phép rời bệnh viện để cách ly tại nhà, anh đã không đeo khẩu trang, ghé vào siêu thị thay vì đi thẳng về nhà như chỉ định. Vì 15 phút mua sắm của anh mà chính quyền địa phương phải phát tin khẩn yêu cầu những người có mặt tại siêu thị trong cùng thời gian đó đi khám sức khỏe và tự cách ly.
Hay một câu chuyện khác quy mô lớn hơn: sau bao cố gắng thương thảo, chính phủ Úc cũng đưa được chiếc máy bay đầu tiên đến Vũ Hán để đón công dân Úc (người Úc gốc Hoa) đang mắc kẹt tại thành phố này trở về nhà. 240 công dân rời Vũ Hán trong đợt một được bố trí cách ly trên đảo Giáng Sinh (thuộc Úc) với một đội y bác sĩ, dược sĩ tình nguyện túc trực.
Vui mừng vì thoát khỏi tâm dịch đâu không thấy, người ta chỉ ca thán về điều kiện vệ sinh, tiện nghi wifi tại phòng, thiếu kem chống nắng cho trẻ, thức ăn dở tệ... Thậm chí có người còn bảo thà ở lại Vũ Hán tự cách ly còn hơn. Khách quan mà nói, người ngoài cuộc không thể đánh giá về những điều kiện kể trên, vì cũng có ý kiến cho rằng mọi thứ chấp nhận được.
Tuy nhiên, có ai nhớ tới những tình nguyện viên liều mình vào vùng dịch đón người về, hay những người chuẩn bị sẵn các tình huống ứng phó trên đảo - họ sẽ nghĩ gì khi công sức bỏ ra được đáp trả bằng những lời đánh giá, than vãn thay cho lòng biết ơn?
|
Ảnh minh họa |
Chuyện nhóm người trở về từ Qatar lớn tiếng tại sân bay Nội Bài, đòi đưa đi cách ly sớm, than mệt, chê bánh mì... là minh chứng cho thái độ ích kỷ. Hay hành vi cố tình vượt qua hàng rào kiểm soát, giấu nhẹm hành trình di chuyển của các ca nhiễm 17, 34 rõ ràng đã làm liên lụy đến người thân, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. Một người đàn ông ở TP.HCM được yêu cầu cách ly tại nhà nhưng vẫn đi lễ nhiều lần trước khi xét nghiệm và nhận kết quả dương tính.
Tuy vậy, vẫn có những người trung thực và trách nhiệm. Khi phố Trúc Bạch bị phong tỏa, anh Phạm Quang Long, hàng xóm ngay sau nhà "bệnh nhân 17" đã nghĩ ngay đến việc lẩn trốn cách ly. Nhưng sau vài phút hoảng loạn, anh quyết định bàn giao công việc để lên đường.
Dù tự đoán tỷ lệ lây nhiễm của mình chỉ ở mức 0,1% nhưng anh Long vẫn thực hiện việc cách ly nghiêm túc, vì đối với anh "niềm tin, thái độ tích cực là vũ khí quan trọng nhất lúc này để chúng ta vượt qua dịch bệnh". Đặc biệt, cũng nhắc chuyện ăn uống, anh "cam đoan" cơm ở đây "ngon hơn khối cơm bụi vỉa hè". Trong thời buổi Covid-19 đang lơ lửng thử thách nhân loại, chỉ cần mỗi người đều biết nghĩ và làm được như anh thì đã là đóng góp thiết thực cho cộng đồng.
Trách nhiệm và trung thực từ bé
Một đêm của hơn mười năm trước, khi đến nhà cô bé Kim bảy tuổi dạy kèm, tôi bắt gặp hai mẹ con em ngoài hành lang chung cư. Bé Kim vừa chào tôi vừa vứt bao kẹo mút mới mở xuống đất. Hiểu ý cô giáo không hài lòng, cô bé cười tít mắt và ngay lập tức dùng chân đẩy rác sang hàng xóm. Mẹ bé xoa đầu con như mãn nguyện với hành động "khôn lanh" của đứa trẻ.
Một câu chuyện nhỏ khác, không chỉ thể hiện sự bảo toàn cho bản thân, mặc kệ người ngoài, mà còn là sự gian dối của một cậu bé chưa đầy mười tuổi. Lần đó tôi ra ngoài ăn cơm trưa cùng hai chị bạn, một chị vui miệng kể rằng: "Hôm qua, cu Bi ra đầu ngõ mua hàng. Nó chạy về cầm hai chai nước ngọt, hớn hở trả lại tôi 200.000 đồng. Bà bán hàng thối tiền mà đưa luôn cả tiền hàng. Nó biết mà im ru". Chị còn cười to phán: "Khôn vãi!".
Những mẩu chuyện đại loại như thế về trẻ con xảy ra nhan nhản trong cuộc sống. Sai sót của trẻ không phải lúc nào cũng nằm trong phạm vi trường học. Khi đó, người thầy kề bên dạy dỗ bảo ban chính là các bậc phụ huynh. Tiếc thay, hai người mẹ trên không làm được việc đó, mà còn "vẽ đường cho hươu chạy".
Bản thân tôi cũng vì cả nể, ngại phật lòng người quen nên im lặng, không chân thành góp ý. Thiết nghĩ việc cải sửa, xóa bỏ những căn tính sai lầm ấy, xây dựng trách nhiệm và lòng vị tha cần được sự chung tay, kiên quyết thực hiện ngay từ bây giờ, ở mỗi cá nhân, mỗi gia đình.
Một đứa trẻ rồi sẽ thành người lớn. Nếu không được giáo dục về tính trung thực, lên án lối sống vô cảm, ích kỷ, hoặc bản thân không tự nhận thức được những điều đó, thì hành trang trẻ mang theo vào đời sẽ là gì? Cũng dùng mẫu số chung "ích kỷ", nhưng khi nó ở người lớn, thì mọi việc không đơn giản như chuyện cái bao kẹo mút. Vết trượt đôi khi chỉ là hành động làm hạ thấp giá trị bản thân, tự làm xấu hổ mình. Nhưng nếu vừa "ích kỷ" vừa "không thành thật", thì hệ quả sẽ to lớn hơn rất nhiều lần.
Thu Hằng