|
Cái gì bỏ đi là vứt ra đường: từ salon, nệm cũ cho đến bồn vệ sinh… - Ảnh: Diễm Trang |
Rác thải cồng kềnh vứt bỏ khắp nơi
Loay hoay cả buổi vẫn không mang được tấm nệm ngấm nước lên xe gom rác, nhóm công nhân quyết định tìm dao, kéo “xẻ thịt” tấm nệm thành những mảnh nhỏ. Quệt mồ hôi ướt đầm trên mặt, chị Tuyết Trinh, một thành viên của đội công nhân vệ sinh bày tỏ: “Vứt rác kiểu này ác quá, họ không thương những người dọn vệ sinh chút nào cả”.
Chị Dư Thị Thùy Linh, Đội phó Đội Vệ sinh Tân Phú, cho biết đây không phải lần đầu tiên, Đội vệ sinh Tân Phú phải huy động nhiều công nhân chỉ để gom rác ở một điểm trên vỉa hè vì có quá nhiều loại rác cồng kềnh.
Theo chị Linh, các loại rác cồng kềnh phải được thu gom riêng với mức phí hợp lý nhưng do nhiều hộ dân tiếc tiền nên vứt ra đường.
Không chỉ ở quận Tân Phú, tình trạng vứt rác cồng kềnh ra vỉa hè, lề đường cũng xảy ra khá phổ biến trên địa bàn TPHCM.
Mới đây, từ phản ánh của bạn đọc qua Đường dây khẩn của Báo Phụ Nữ TPHCM, chúng tôi ghi nhận trên tuyến đường Nguyễn Văn Linh (đoạn ngang xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) có nhiều bãi rác tự phát to đùng và bốc mùi nồng nặc. Lẫn trong những đống rác này có vô số rác cồng kềnh như thùng gỗ, thùng xốp, salon, bồn vệ sinh…
Tại đường Cộng Hòa (gần cầu vượt Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình), chúng tôi chứng kiến hai công nhân vệ sinh khá vất vả mới phá rời được năm bộ bàn ghế cũ, vứt ra đường. Chúng tôi đến hỏi thăm, một công nhân lắc đầu ngao ngán: “Lúc sáng đã gom rác ở đây rồi mà đầu giờ chiều quay lại thấy thêm đống bàn ghế cũ này, tụi tôi tá hỏa luôn!”.
Trước đó, trên đường Vạn Kiếp (phường 3, quận Bình Thạnh), chúng tôi cũng chứng kiến một người phụ nữ dùng xe đẩy mang nhiều chiếc ghế cũ vứt ra vỉa hè một cách thản nhiên.
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, có không ít gia đình nhờ người mua ve chai mang những loại rác cồng kềnh đi đổ với giá từ vài chục ngàn đến một hai trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, những người thu mua ve chai chỉ lựa lấy những loại phế liệu có thể bán được, còn lại vứt bỏ khắp nơi.
Có quy định, không áp dụng cũng như không!
Trước thực trạng trên, từ tháng 8/2020, UBND TPHCM đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện và các công ty dịch vụ công ích tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động thải bỏ và thu gom loại rác thải cồng kềnh.
Đặc biệt, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, để quyết liệt trong xử lý rác cồng kềnh, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các trường hợp địa phương đã có công bố dịch vụ thu gom mà người dân không tuân thủ và thải bỏ chất thải rắn cồng kềnh không đúng nơi quy định.
UBND TPHCM cũng đề nghị công ty dịch vụ công ích các quận, huyện xây dựng đề án và tổ chức bộ máy thu gom chất thải rắn cồng kềnh trên địa bàn. Đồng thời, các đơn vị này cần xây dựng đơn giá và phương thức xử lý chất thải rắn cồng kềnh sau khi thu gom.
|
Bãi rác hoang trên đường Nguyễn Văn Linh (đoạn xã Bình Hưng, H.Bình Chánh) - Ảnh: D.T. |
Được biết, từ sau khi chỉ đạo của UBND thành phố, các quận, huyện cũng đã ban hành công văn, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý chất thải rắn cồng kềnh trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng bổ rác trộm không đơn giản.
Ông Ngũ Nam, Chủ tịch UBND phường 6, quận 11, nói: “Từ tháng 10/2020, thực hiện chỉ đạo của thành phố, chúng tôi cũng triển khai xuống địa bàn, tăng cường giám sát, kể cả kiểm tra camera an ninh tính toán xử phạt theo quy định Nghị định 155/2016/NĐCP của Chính phủ với mức phạt tối đa cho hành vi này lên đến 7 triệu đồng. Thế nhưng, thực tế trích xuất camera lại phát hiện hầu như không xử lý được các trường hợp vi phạm vì không nhìn ra biển số xe, không nhận diện được người do mang khẩu trang, áo khoác…”.
Trao đổi với chúng tôi, người dân ở những khu vực hay xảy ra tình trạng đổ rác trộm, rất bức xúc vì vấn nạn này chưa được ngăn chặn hiệu quả. Ông Nguyễn Minh Tâm, một người dân ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, bày tỏ: “Hành vi xả rác ra môi trường là hủy hoại môi trường, là tội ác, cần nghiêm trị để răn đe. Nếu không, chúng ta có luật để làm gì?”.
Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM - cho biết tính đến nay, sau hai năm thực hiện Chỉ thị 19, mặc dù thành phố và các sở, ngành, quận, huyện rất quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; mặc dù CITENCO và các đơn vị thực hiện công tác quét, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt rất quyết tâm, không ngừng đổi mới, đa dạng về phương thức, hình thức và sáng tạo trong hoạt động tuyên truyền, vận động người dân không xả rác… nhưng kết quả đạt được còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra.
Ông Nhựt cho rằng dù có văn bản chỉ đạo, có hành lang pháp lý chế tài, nhưng nếu các địa phương không quyết liệt, mạnh tay thì văn bản mãi sẽ chỉ là văn bản và làm khốn khổ thêm cho ngành vệ sinh - dịch vụ công ích mà thôi.
Hạnh Chi
Hoàn thiện quy định về tái xuất phế liệu nhựa
Đây là một trong những nội dung được Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai trong kế hoạch nhằm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg và Quyết định số 1746/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý, giảm thiểu chất thải nhựa và quản lý rác thải nhựa đại dương.
Kế hoạch tập trung vào hoàn thiện chính sách, pháp luật quản lý chất thải nhựa, gồm xây dựng, hoàn thiện chế định quản lý chất thải rắn trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Trong đó gồm đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về tái xuất hoặc trả lại phế liệu nhựa nhập khẩu không đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; về nhãn sinh thái, đặc biệt là đối với túi ni-lông thân thiện môi trường và các sản phẩm nhựa có hàm lượng tái chế cao đề xuất quy định và lộ trình cấm sử dụng hạt vi nhựa trong sản xuất hóa mỹ phẩm, may mặc, phân bón…
Kế hoạch còn đặt ra các nội dung như nghiên cứu, đề xuất chính sách và quy định pháp luật hạn chế sản xuất, tiêu dùng và có lộ trình cấm sản xuất, tiêu dùng một số sản phẩm nhựa dùng một lần…
Thăng Long
|
Tăng cường quản lý chất thải y tế phát sinh từ dịch COVID-19
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 6118/BTNMT-TCMT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chủ động tăng cường rà soát, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Trong đó, đặc biệt chú trọng rà soát là các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; tăng cường công tác quản lý đối với chất thải y tế phát sinh, đặc biệt tại các địa phương đã, đang và có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tinh thần chỉ đạo chung của công văn yêu cầu các địa phương chủ động hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Công văn cũng cho biết, thanh tra của bộ sẽ phối hợp Tổng cục Môi trường xây dựng kế hoạch thanh tra lĩnh vực bảo vệ môi trường năm 2021, trong đó bổ sung nội dung thanh tra chuyên đề đối với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại trên phạm vi toàn quốc.
Tinh Châu
|
Được tài trợ