Mưa bão đi qua, nước mắt ở lại
Chúng tôi trở lại huyện Vĩnh Linh - địa phương bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh Quảng Trị sau khi cơn bão số 10 (tên quốc tế là Doksuri) tràn qua. Huyện Vĩnh Linh đã có hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái, gần 2.300 ha cao su, hồ tiêu bị bão đánh tan hoang, trong đó hơn một nửa diện tích không thể phục hồi, nhiều diện tích cây trồng và hoa màu tiêu tan.
|
Hàng trăm ha cao su và hồ tiêu ở Vĩnh Linh gãy đổ trong mưa bão |
Bước chân đến những hộ gia đình trồng cao su mới cảm nhận được sự tận cùng của những nhọc nhằn, vất vả mà bà con giờ đang phải gồng gánh. Gần 6 năm chăm bẵm, cày xới... đến ngày chuẩn bị thu hoạch thành quả thì bị gió bão quét sạch. Bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu dự định bỗng tiêu tan trong phút chốc. Trong khi đó, những khoản nợ ngân hàng để đầu tư trồng "vàng trắng" vẫn chất đầy.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lành (SN 1972, trú tại Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh) có hơn 4ha cao su. Trước đó, cơn bão số 10 năm 2013 quật gãy hơn 1/3 cây cao su. Sau 4 năm cần mẫn gây dựng, phục hồi lại và sắp thu hoạch thì nay, cơn bão số 10 lại tiếp tục quật gãy hơn nửa diện tích. Ánh mắt thẫn thờ, người phụ nữ ấy buồn rầu chia sẻ: “Nguồn thu chính cho cả gia đình là mấy gốc cao su, vậy mà giờ đây gió bão đã cuốn sạch. Đống nợ ngân hàng biết bao giờ mới trả hết”.
Cùng hoàn cảnh với bà Lành, hơn 1ha cao su cùng mấy trăm gốc tiêu của gia đình bà Trần Thị Tâm (trú tại xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh) cũng bị gãy đổ đến phân nửa. “Gần 7 năm ròng chăm bẵm vườn cao su như nuôi đứa con mọn.Nhìn hàng trăm gốc cao su gãy la liệt mà tôi như đứt từng đoạn ruột. Xót xa lắm, giờ chỉ còn nước cưa làm củi thôi” – bà Tâm nghẹn ngào nói.
|
Bão số 10 quét qua, hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh “vườn không nhà trống” |
Men theo con đường Quốc phòng chạy qua xã ven biển Trung Giang (huyện Gio Linh), hàng trăm cây tràm và phi lao bị gió đốn ngã nằm la liệt đang được bà con địa phương cùng lực lượng dân quân đội mưa khẩn trương thu dọn. Một căn nhà chỉ còn trơ bức tường đã hoen màu vôi bạc mà không còn phần mái lợp của gia đình ông Hoàng Xuân Cảm (SN 1962, xã Trung Giang, huyện Gio Linh).
Ngước đôi mắt bơ phờ chằng chịt vết chân chim về phía đống đổ nát, người đàn ông đã qua tuổi ngũ tuần rầu rĩ cho biết, nghe tin bão đổ bộ, vợ chồng ông đã gấp rút chằng néo nhà cửa rồi chuyển đến gian nhà tắm mới xây dựng phía sau trú ngụ. Tờ mờ sáng ngày 15/9, mưa xối xả trắng trời, kèm theo gió giật mạnh đã xé tan mái nhà trú ngụ của 3 thành viên ấy.
“Cả đêm thức trắng, lòng dạ tôi như lửa đốt. Nhìn toàn bộ mái nhà đến đồ đạc bên trong bị bão đánh tứ tung nhưng chúng tôi cũng đành bất lực ”, ông Cảm nói trong khi tay vẫn đang nhặt nhạnh những mảnh lợp xi măng rơi vương vãi.
|
Ông Hoàng Xuân Cảm nhặt nhạnh những mảnh vỡ, dọn dẹp nhà cửa |
Bao năm vật lộn với con sóng, vợ chồng ông Cảm nai lưng buộc bụng mới tích góp được chút tiền mọn cất được ngôi nhà, nhưng giờ chỉ còn bốn bề gió thốc. Mặc dù đau xót trước cơ ngơi bị đổ sập nhưng ông Cảm vẫn quả quyết: “Thiệt hại tài sản thì ai chẳng tiếc nhưng còn người thì còn của, sống ở đất nghèo như Quảng Trị mình thì phải cố gắng vươn lên thôi”.
Cơn bão số 10 đã gây tổn thất và gieo đau thương khắp tỉnh nghèo Quảng Trị. Mỗi mùa bão đi qua, thứ còn lại chỉ là những ngôi nhà rỗng toác gió lùa tứ phía. Đó không chỉ là nỗi đau của gia đình bà Lành, bà Tâm hay ông Cảm mà còn là nỗi đau chung của hàng triệu người dân đất Việt mỗi năm mùa thiên tai đến.
“Xắn tay” giúp dân
Đợt bão vừa qua, tỉnh Quảng Trị không có người thiệt mạng nhưng có 10 người bị thương ở các huyện Đakrông, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng. Hơn 2.200 nhà bị thiệt hại; 57 điểm trường học bị tốc mái, hư hỏng; hơn 3.200 ha cây lâu năm và hàng trăm ha hoa màu bị thiệt hại, làm hư hỏng nhiều công trình, cơ sở hạ tầng, đường giao thông… Uớc tính thiệt hại bước đầu khoảng trên 800 tỷ đồng.
|
Thoáng thấy người lạ, các em cười hiền rồi chạy ùa vào nép mình sau những liếp phên nhà sàn. Trong khi đó, bà con dân bản thì tản khắp nơi nhặt nhạnh những vật dụng rơi vãi bị gió mưa cuốn phăng, tập trung dọn vệ sinh quanh khu vực. Rời vùng gió cát, chúng tôi dọc theo Quốc lộ 9B đi ngược lên cực Tây miền đất lửa. Giữa đường đi, các tuyến liên thôn, liên xã ở các vùng bị vô số cây xanh, dây điện, bảng hiệu gãy đổ chắn ngang.
Sau hơn 2 giờ, chúng tôi mới đến được thôn A Đăng, xã Tà Rụt (huyện Đakrông) nằm vắt vẻo trên quả đồi uốn lượn quanh dòng sông Đakrông huyền thoại. Vào tới bản, những đứa trẻ nơi rẻo cao trạc tầm 5 – 6 tuổi phong phanh trong manh áo, tay cầm củ sắn ăn vội.
|
Lãnh đạo xã Tà Rụt thăm người bị thương do cây gãy đổ |
Vào ngày bão số 10 quét qua, anh Hồ Văn Biên và Hồ Văn Cơi (cùng SN 1979, trú tại thôn A Đăng, xã Tà Rụt) thuộc đội xung kích thôn trong lúc hỗ trợ nhân dân chằng chống nhà cửa bị cây gãy đè lên chân và lưng trọng thương. Cả hai được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Đakrông.
“Mình khoanh tay đứng nhìn cây gãy đổ vào nhà trúng người, hư hỏng hết đồ đạc sao được. Dân làng gặp nạn thì có mưa gió gì cũng đi, cũng đến giúp hết và chẳng ai suy nghĩ nhiều. Trước giờ chúng tôi tham gia vào đội thanh niên tình nguyện phối hợp với dân quân xã cũng đi giúp dân trong mùa bão lũ”, anh Biên chia sẻ.
|
Tỉnh Quảng Trị tích cực triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão |
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị cho biết, những ngày này, lãnh đạo tỉnh đã khẩn trương cử các đoàn công tác về các địa bàn xung yếu giúp đỡ người dân khắc phục thiệt hại. Đảm bảo người dân không bị đói, rét, thiếu chỗ ở.
Hoa Đông