Khốn đốn vì tính hào phóng của chồng

23/02/2021 - 12:30

PNO - Vợ chồng tôi đang lục đục vì bao nhiêu tiền thưởng tết, các khoản dự trù tiêu của tháng 2, chồng đã lì xì và tặng họ hàng hết.

Vừa qua Mùng 10 tết, từ quê, chồng gọi điện thủ thỉ: “Vợ chuyển cho anh ít tiền, đi đường xa mà không có tiền trong túi thì không yên tâm”. Tôi giật mình hỏi: “Trước tết, anh mới nhận tiền lương thưởng còn lấy thêm mười triệu để về quê, sao giờ còn hỏi tiền”.

Chồng thủng thẳng đáp: “Lâu lâu mới về quê, em phải cho anh thể hiện chứ, chừng đó thấm vào đâu”.

Để có niềm vui cho các cháu gái, chồng tôi đã cho bay toàn bộ thưởng tết - Ảnh minh họa
Để có niềm vui cho các cháu gái, chồng tôi đã cho "bay" toàn bộ thưởng tết - Ảnh minh họa

Tôi nhẩm tính, ngoài khoản quà cáp tôi mua sẵn, chồng đem theo hơn hai chục triệu đồng trong chuyến về quê mà giờ không còn một đồng nào. Tôi chẳng lạ gì tính hào phóng của chồng, nhưng anh tiêu tiền kiểu đó thì những ngày sắp tới chúng tôi lấy gì mà chi tiêu đây?

Những năm trước, gia đình tôi về ăn tết cùng ông bà ngoại, nhưng năm nay tôi mới sinh bé nên ở nhà, chỉ chồng và con trai về quê. 

Ba mẹ tôi chỉ có hai con gái, tôi lấy chồng cách xa 300 cây số, còn em gái đi xuất khẩu lao động nên năm nào vợ chồng tôi cũng sắp xếp về.

Cũng may ba mẹ chồng luôn ủng hộ việc này vì bên nhà chồng đông anh em, đến tết tề tựu đầy đủ. Bình thường, tôi luôn là người tính toán chi phí trong mỗi chuyến đi sao cho hợp lý. Vợ chồng tôi đều làm nhà nước, lương thưởng có hạn, nếu không tính toán rất dễ hụt tiền chi tiêu sau tết.

Thế mà, chỉ sau 2 tuần, toàn bộ số tiền chồng đem theo đã hết. Tôi thấp thỏm sợ chồng dính vào bài bạc cá độ nên gọi điện hỏi thăm ba mẹ để dò la tình hình.

Nhưng chưa kịp hỏi, mẹ tôi đã bảo: “Năm rồi vợ chồng con làm ăn được hay sao mà thấy Tuấn mạnh tay thế”. Hỏi kĩ hơn mới biết, chồng tôi có tiền trong tay nên được dịp thể hiện tính hào phóng.

Thay vì mừng tuổi các cụ mỗi người 200 ngàn đồng như mọi năm, anh mừng luôn 500 ngàn đồng, các cháu mỗi đứa từ 100 ngàn đồng tới 500 ngàn. Chưa kể, vào chơi nhà họ hàng nào gặp người ốm hay mất hết tài sản do đợt lũ lụt, anh rút cho luôn.

Tôi thở dài ngao ngán, đành kể hết sự tình với mẹ. Mẹ cười nói: “Thôi con ạ, xởi lởi trời cho, ki bo trời buộc”. Thực tình, ngoài việc tặng tiền họ hàng và lì xì các cháu quá tay thì chồng tôi cũng không tiêu pha gì.

Nhưng nghĩ đến khoản tiền bỉm sữa, tiền học cho con tháng tới mà tôi ức chế. Trước tết chồng bảo, hai vợ chồng đều nhận hai tháng lương liên tiếp nên anh cầm tiền vậy thôi chứ sẽ dè sẻn để sau tết mang đưa tôi. Thà rằng chúng tôi giàu có đã đành, đằng này, tính toán nát óc mới đủ chi phí sinh hoạt hàng tháng.

Do chồng thoải mái chi tiêu khi về quê, mới đầu năm, tôi đã đau đầu vì chuyện tiền bạc (ảnh minh họa)
Do chồng thoải mái chi tiêu khi về quê, mới đầu năm, tôi đã đau đầu vì chuyện tiền bạc (ảnh minh họa)

Mọi chuyện không dừng lại ở đó. Hôm nay tôi nhận được điện thoại của một người anh họ. Anh bảo: “Biết đầu năm hỏi chuyện tiền bạc là không hay, nhưng hôm tết chú về chơi có hứa với cháu, giờ cháu nó chuẩn bị làm thủ tục đi học tiếng Anh rồi, hai em cho anh chị mượn một ít để đóng tiền”. Tôi ngã ngửa, từ chối không được mà nhận lời cũng không xong.

Hỏi lại chồng mới lộ ra, anh không chỉ hứa với anh họ, mà khá nhiều người ở quê sẽ cho mượn tiền để làm nhà, đổi xe. Tôi thở dài ngao ngán: “Anh hứa thì tự xoay xở mà cho mượn, em không đủ tiền nuôi con, không lo được”.

Chồng lúng túng: “Do anh thấy mọi người ở quê khổ quá, giúp được gì thì giúp chứ. Mà họ hàng nhà em, chứ phải nhà anh đâu”. Điều chồng tôi nói không sai, nhưng muốn lo cho người khác thì bản thân mình phải có điều kiện đã, sao anh không chịu hiểu điều đó.

Như Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI