Ba ngày qua, nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc trước việc một nữ giáo viên IELTS bị tố sửa điểm 6.5 thành 8.0 để lôi kéo học sinh, liên tục dạy sai kiến thức. Điều này cho thấy nhu cầu bồi dưỡng ngoại ngữ để du học đang rất cao. Hơn thế, nhiều trung tâm tư vấn, đào tạo du học… cũng nắm được điểm yếu này của học sinh Việt Nam, bày chiêu trò thu hút khách hàng. Nhưng thực tế, nhiều trường hợp phải “ngậm đắng nuốt cay” vì không đủ điều kiện ngoại ngữ để du học.
|
|
Nhân viên tên An đang “vẽ” con đường du học tại châu Âu rất dễ dàng với sinh viên |
Bài 1: Đóng tiền xong mới biết không xin được visa
Nhân viên của công ty tư vấn rằng, chỉ cần bỏ ra 3-4 triệu đồng để thuê mở thẻ tiết kiệm trị giá 250 triệu đồng ở ngân hàng là đủ chứng minh điều kiện tài chính để xin visa sang Ý. Thế nhưng, sau khi học viên đã đóng tiền, mọi chuyện quay ngoắt 180 độ.
Học ở Ý, chi phí rẻ hơn Việt Nam?
Chiều muộn, vừa rời giảng đường, P. - sinh viên năm thứ nhất trường y ở TPHCM - tất tả chạy sang một trung tâm cách đó vài ki-lô-mét để kịp học một khóa nhằm thi IELTS và IMAT, chuẩn bị cho việc du học ở Ý.
Theo giới thiệu của đơn vị tư vấn du học, IMAT (International Medical Admissions Test) là một bài thi trắc nghiệm kéo dài 100 phút, được hội đồng thi Cambridge và Bộ Giáo dục Ý hợp tác tổ chức. Bài thi IMAT gồm 60 câu hỏi, với 5 phương án, câu trả lời đúng được cộng 1,5 điểm, trả lời sai bị trừ 0,4 điểm. Nội dung thi gồm 20 câu tư duy logic, 2 câu kiến thức xã hội, 18 câu sinh học, 12 câu hóa học, 4 câu toán học, 4 câu vật lý.
“Ban đầu, công ty tư vấn du học nói đi Ý rất dễ, nhưng càng lao vào học, em càng thấy khó. Để theo đuổi ước mơ du học, em phải xao nhãng việc học ở trường. Có đợt, em còn định bỏ thi vì kẹt lịch học bên trung tâm du học” - P. kể.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những nơi đang thu hút khá đông sinh viên muốn đi du học châu Âu là Công ty TNHH TALEED (P.6, Q.3, TPHCM). Một ngày gần cuối tháng 2/2020, theo chân các sinh viên, chúng tôi đến TALEED để được “tư vấn du học châu Âu”.
Khoảng 14g, tại đây có rất đông sinh viên đến nghe “tư vấn”. Các sinh viên tự điền thông tin vào mẫu do TALEED phát hành, sau đó sẽ được dẫn đến khu vực riêng để nhân viên của công ty tư vấn.
|
Có khá nhiều sinh viên đến Công ty TALEED nghe tư vấn du học, mỗi ngườ i được đưa vào phòng riêng |
Ngồi cạnh chúng tôi, K. - ở Q.Thủ Đức, TPHCM - cho biết, có nguyện vọng du học ở Úc vì người thân đang định cư ở đó. K. được mời vào khu vực riêng để gặp nhân viên tư vấn tên An. K. khai, mình không giỏi tiếng Anh và muốn đi du học trái với ngành đang theo học.
Như đoán được tâm lý, bà An hỏi: “Em chưa có IELTS đúng không? Nếu muốn học trái ngành, em phải học lại đại học mất khoảng 3-4 năm; nếu học đúng chuyên ngành thì chỉ học thêm một năm rưỡi”.
Thấy K. gãi đầu, bà An nói tiếp: “Nói là học đại học chứ chương trình học bên đó không khác gì đi thực tập cả. Nếu muốn học ngành kinh tế, em thi IELTS tầm 6.0, 6.5 là tốt rồi”. Nghe điểm thi IELTS 6.5, K. tỏ vẻ ngần ngại vì quá sức mình, bà An trấn an rằng, có hai dạng học viên vào thi, một dạng là để lấy bằng, một dạng để lấy kiến thức.
“Mục đích của mình là du học nên cái quan trọng nhất vẫn là tiếng Anh giao tiếp. Mình sẽ làm bài về kiến thức nhiều hơn. Ví dụ có 20 câu, em làm đúng 10 câu thì chỉ được 5 điểm thôi, nhưng nếu làm 12 câu, sẽ lên 5.5. Mình sẽ học theo chiến lược đó để rút ngắn thời gian, đi du học nhanh hơn” - bà An nói.
Trong lúc K. vẫn đang suy nghĩ về “rào cản” IELTS, bà An hỏi dồn nhiều câu về khả năng hỗ trợ tiền của cha mẹ K. Bà An giải thích: “Chị hỏi mức tài chính vì nếu trường hợp không thi được IELTS 6.0, mình sẽ đi theo hình thức chứng minh tài chính”.
Trò chuyện được vài phút, bà An bất ngờ rẽ hướng, tư vấn về du học châu Âu. Bà gợi ý K. nên đi du học ở Ý hoặc Hà Lan. Theo bà An, khi đi một trong hai nước này, học viên không phải đi một mình mà sẽ được hỗ trợ vì công ty đã hình thành được 8 năm, đã đưa được 1.200 người đi du học ở châu Âu nên sẽ liên lạc, bố trí cho học viên ở gần nhau.
“Mọi người cũng ở gần gần nhau bên đó như ở quận 3 và quận 1 của TPHCM thôi” - bà An nói. Để thuyết phục K., bà An cho biết, ở Ý sẽ có hai khoản gồm học phí và phí sinh hoạt, người đi du học được hỗ trợ cả hai khoản.
Sau một lúc tư vấn, thấy K. vẫn có ý định muốn đi Úc, bà An “vẽ đường vòng” rằng chắc chắn K. sẽ lấy được visa ở Úc. Theo đó, K. chỉ cần đi học ở Ý hoặc Hà Lan trong khoảng 3,5 năm rồi nộp hồ sơ qua Úc. Lúc này, tỷ lệ có visa của K. là khoảng 90%. Với điểm số và khả năng tiếng Anh của K., đi Úc sẽ rất rủi ro nên cần đi du học châu Âu trước.
Bà An hứa, nếu chọn đi châu Âu, công ty sẽ cam kết trên hợp đồng là K. sẽ được học ở trường top 300 thế giới. Nếu du học Ý, K. sẽ được hỗ trợ học phí gần như 100%. Mức học phí sau khi được hỗ trợ học bổng chỉ còn khoảng 3.500 euro/năm; chi phí sinh hoạt sẽ được chính phủ Ý cấp.
Với học bổng này, việc ăn uống, nhà cửa, di chuyển sẽ được cấp hai tháng/lần. “Tính ra, nếu học ở Ý, em chỉ tốn mỗi năm khoảng hơn 94 triệu đồng, đóng thành ba lần, mỗi học kỳ chỉ mất khoảng 31,5 triệu đồng” - bà An thuyết phục.
Mức chi phí đi học ở Ý do nhân viên của TALEED đưa ra khiến nhiều người không khỏi giật mình vì còn rẻ hơn chi phí từ tỉnh đến TPHCM học đại học. Trong khi người nghe cuộc tư vấn trên vẫn còn lâng lâng liên tưởng về con đường du học châu Âu quá dễ dàng, nhân viên của TALEED lại nói tiếp: “Đó là chưa kể, em còn được đi làm thêm. Mỗi tuần được làm từ 20-25 giờ. Nếu mình muốn chủ động về tài chính thì đi làm thêm rồi tự đóng học phí”.
Nhân viên Công ty TALEED còn hướng dẫn đi du học Hà Lan, với hai chương trình học bổng, khoảng 3.500 và 5.000 euro/năm. “Chị chắc chắn với em luôn, đã du học bên châu Âu, đặc biệt là Ý hay Hà Lan, việc rớt môn rất khó, vì phương pháp học bên đó dễ hơn bên mình” - bà An khẳng định.
|
Một sinh viên được đưa vào phòng riêng để tư vấn |
Thu tiền xong, mới báo “không đủ điều kiện xin visa”
Nhiều tháng qua, gia đình ông P.V.L. - ở Q.8, TPHCM - như ngồi trên lửa sau khi đã đóng 168 triệu đồng cho Công ty TALEED để con trai mình là P.V. (sinh viên năm nhất, ngành y) được du học ở Ý.
Ông L. kể, lúc đang học lớp 11, P.V. có đăng ký dự một chương trình để được xét cấp học bổng du học nước ngoài sau khi hoàn thành chương trình phổ thông. Sau hai vòng xét duyệt, hồ sơ của P.V. bị loại. Trong lúc P.V. đang hụt hẫng thì nhân viên TALEED gọi điện đến, tư vấn chương trình du học.
Khi tư vấn, nhân viên của TALEED nói rằng, P.V. sẽ thi và đậu vào trường y ở Ý bằng kỳ thi đầu vào IMAT. Chỉ cần đủ điểm đậu là được 80% học bổng, nhà trường sẽ xét duyệt 20% còn lại dựa vào điểm số xếp hạng, điểm IMAT càng cao thì học bổng càng lớn. Người tư vấn nói rằng, chỉ cần bỏ ra 3-4 triệu đồng để thuê mở thẻ tiết kiệm trị giá 250 triệu đồng ở ngân hàng là đủ chứng minh điều kiện tài chính để xin visa sang Ý.
Ông L. cho biết, khi nghe tư vấn, gia đình đã thấy bất thường. Tuy nhiên, vì thương con trai nên ông đã thuyết phục mọi người chấp nhận cho P.V. ký “hợp đồng đào tạo” với Công ty TALEED. Theo đó, khi ký hợp đồng, gia đình phải đóng cho TALEED 168 triệu đồng.
Sau nhiều lần được nhân viên TALEED liên lạc tư vấn, cuối tháng 3/2019, gia đình ông L. đã ký hợp đồng và đóng 84 triệu đồng là 50% giá trị hợp đồng. Nhân viên ở đây nói, 50% còn lại sẽ thu vào cuối tháng 12/2019. Tuy nhiên, đến giữa tháng 8/2019, nhân viên TALEED đã đề nghị gia đình đóng đủ số tiền còn lại.
Sau khi ký “hợp đồng đào tạo”, V. được tham gia một khóa học IELTS và 13 buổi IMAT. Trong thời gian V. tham gia khóa học, bộ phận visa của TALEED mời gia đình lên, nói rằng gia đình không chứng minh được khả năng tài chính để xin visa theo quy định của Ý.
Gia đình ông L. tìm hiểu thì được biết, nước Ý không chấp nhận việc “thuê thẻ tiết kiệm” như nhân viên đã tư vấn ban đầu mà chỉ chấp nhận sao kê tài khoản nhận lương của cha mẹ sinh viên. Ngoài ra, nếu thi và đậu IMAT, cũng không được chính phủ cấp học bổng 80%.
Đến đây, biết không thể đi du học ở Ý do nhân viên tư vấn sai lệch, gia đình ông L. yêu cầu thanh lý hợp đồng, nhưng không được công ty chấp nhận. Hiện V. đã dừng các khóa học, giấc mơ du học châu Âu đã tuột khỏi tầm tay và tiền cũng không lấy lại được.
Một trường hợp khác là T.T. - ở Q.9, TPHCM - cũng đang lao đao sau khi ký “hợp đồng đào tạo” và “hợp đồng tư vấn du học”, đóng hàng trăm triệu đồng cho Công ty TALEED. Tháng 3/2019, do có ý định đi du học vào năm 2020 nên T. và em gái đến Công ty TALEED để được “tư vấn”. Nhân viên TALEED tư vấn cho T. ký “gói dịch vụ” đi du học ngành y ở Ý với mức phí 339 triệu đồng và em gái đi học kinh tế ở Ý với mức phí 89 triệu đồng.
Nhân viên tư vấn cũng nói với T. rằng, làm visa ở Ý khá đơn giản, chỉ cần sổ tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng/người. Ngoài ra, để được học ở Ý, học viên cần trải qua một kỳ thi IMAT được tổ chức ở nước ngoài; TALEED sẽ đào tạo để học viên có thể tham dự kỳ thi.
“Nhân viên TALEED nói với em rằng, tỷ lệ đậu IMAT của các học viên năm trước là 80-90%. Nhưng khi tham gia các buổi học, em mới biết, tỷ lệ mọi năm không phải như vậy. Đậu kỳ thi IMAT là việc rất khó. Em hỏi chị tư vấn về sự chênh lệch này, chị ấy nói công ty gửi email thông báo cho chị ấy như vậy” - T. kể.
Không chỉ vậy, sau khi học viên đã đóng tiền, bộ phận visa của Công ty TALEED tổ chức một buổi tư vấn về visa. Tại đây, nhân viên TALEED nêu ra hàng loạt điều kiện và giấy tờ để được cấp visa chứ không phải chỉ cần một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 300 triệu đồng như đã tư vấn ban đầu.
“Họ nói để xin visa, cần giấy tờ chứng minh thu nhập và bất động sản từ đầu năm 2019, trong khi gia đình em đã nói rõ từ đầu: mẹ em là giáo viên, ba em làm nội trợ ở nhà. Việc em phải chứng minh thu nhập 80 triệu đồng/tháng là không thể” - T. cho biết.
|
Trong một biên bản cuộc họp, nhân viên Công ty TALEED nói sẽ hỗ trợ làm giấy tờ giả để chứng minh ông P.V.L. đang làm trong một công ty tư nhân với mức lương 35 triệu đồng/tháng |
Vẽ đường cho học viên vi phạm pháp luật?
Sau khi học viên hụt hẫng vì chắc chắn không thể chứng minh khả năng tài chính để được cấp visa, nhân viên của Công ty TALEED lại vẽ đường cho họ và gia đình làm những việc vi phạm quy định của pháp luật.
Học viên T. cho biết, đã được nhân viên của Công ty TALEED “bày cách” kêu mẹ của T. dùng bằng sư phạm để mở công ty như kiểu dạy tiếng Anh để giải trình với Đại sứ quán Ý, đồng thời làm các giấy tờ giả để báo cáo tài chính. Về phần thuế, nhân viên TALEED cho rằng, công ty mới mở trong hai năm đầu sẽ được miễn thuế.
“Họ bày cho gia đình em như vậy nhưng mẹ em là giáo viên tiểu học, không được dạy thêm. Ngoài ra, việc mở công ty “ma” để qua mặt đại sứ quán là vi phạm pháp luật nên gia đình em không chấp nhận” - T. cho hay.
Sau đó, nhân viên của TALEED tiếp tục “định hướng” cho gia đình T. làm giả, kê khai giả thu nhập của cha T. với mức lương từ 30-35 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, biết việc làm này là vi phạm pháp luật, gia đình T. đã không chấp nhận.
Còn ông P.V.L. thì hiện đang làm thuê cho một công ty với mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng và vợ ông làm nhân viên vệ sinh với mức lương chưa đến 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại buổi tư vấn liên quan đến chứng minh tài chính, nhân viên TALEED cho rằng, gia đình ông L. có bốn người nên phải có thu nhập 85 triệu đồng/tháng mới đủ điều kiện tài chính để được cấp visa du học.
“Nghe họ nói vậy, đầu óc tôi quay cuồng. Tôi làm công nhân, ở nhà thuê, phải xoay xở lắm mới đủ trang trải cuộc sống. Mẹ tôi mất, để lại 3 lượng vàng, bán được 100 triệu đồng rồi vay mượn thêm, mới đủ đóng tiền theo hợp đồng cho công ty, làm sao tôi chứng minh được thu nhập 85 triệu đồng/tháng” - ông L. lắc đầu.
Trắng trợn hơn, ngay trong buổi làm việc với gia đình tại công ty, nhân viên của TALEED cho biết, sẽ “hỗ trợ” làm giả giấy tờ cho ông L. đang làm việc ở một công ty tư nhân với mức lương 30-50 triệu đồng/tháng. Khi gia đình đặt vấn đề về sao kê thuế thu nhập cá nhân, nhân viên của TALEED hướng dẫn, sẽ nói dối Cục Thuế là đóng thuế phạt và thuế định kỳ cho ông L. “Họ lập luận rằng, do công ty đóng thuế thu nhập cá nhân cho nhân viên muộn nên giờ chịu đóng phạt. Họ còn gợi ý gia đình “bôi trơn” cho nhân viên Cục Thuế” - ông L. kể.
Theo ông L., gia đình ông không đồng ý làm theo hướng dẫn của nhân viên Công ty TALEED vì biết rằng những việc làm trên là vi phạm pháp luật. Nếu làm hồ sơ giả, chắc chắn sẽ bị Đại sứ quán Ý phát hiện và liệt vào danh sách “hồ sơ đen” trên toàn hệ thống Liên minh châu Âu.
(Còn tiếp)
Nhóm phóng viên