Khốn đốn vì bị "xù" nợ

28/10/2016 - 10:38

PNO - Dốc hết vốn liếng, bà Trần Thị Hường vay mượn ngân hàng để mở cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) cung ứng cho chủ thầu xây dựng nhưng đến hạn thanh toán, chủ thầu lẩn tránh khiến bà này phá sản.

Trắng tay, phá sản vì bị xù nợ

Phản ánh với báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Hường (SN 1964, ngụ ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết, đã hơn bốn năm nay, bà phải ngược xuôi vất vả từ An Giang lên TP.HCM để đòi nợ số tiền bán VLXD trên 800 triệu đồng mà chủ nợ là Công ty TNHH sản xuất - thương mại - xây dựng Hoàng Thông (gọi tắt là công ty Hoàng Thông) có trụ sở đặt tại đường Thành Công, P.Tân Thành, Q.Tân Phú, TP.HCM.

Đầu năm 2011, khi đang làm nghề buôn bán thức ăn cho cá, bà Hường thấy phong trào mở cửa hàng, sắm ghe chở VLXD ở miền Tây nở rộ và ăn nên làm ra. Không ngần ngại, gia đình bà đầu tư một cửa hàng VLXD ở xã Thoại Giang.

Trong quá trình làm ăn, công ty Hoàng Thông trở thành khách hàng lớn nhất của cửa hàng. “Dù trụ sở công ty nà y đặt ở TP.HCM, nhưng địa bàn hoạt động và khách hàng đều nằm ở các tỉnh miền Tây, nên họ thường đến cửa hàng để mua cát, đá, gạch xi măng, cừ các loại. Không chỉ mua VLXD cho các công trình ở An Giang, họ còn yêu cầu chở hàng bằng ghe đến các địa bàn xa hàng trăm cây số như Kiên Giang, Cần Thơ...

Khon don vi bi
Bà Trần Thị Hường trình bày với phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM.

Mỗi đợt giao hàng, hai bên đều ký hợp đồng mua bán, thỏa thuận tiến độ, làm giấy xác nhận khối lượng giao nhận, sau đó thanh toán tiền. Lúc đầu làm ăn, mọi chuyện đều suôn sẻ, công ty Hoàng Thông thanh toán tiền bạc rất sòng phẳng nên tôi rất tin tưởng” , bà Hường kể.

Đến tháng 11/2011, đại diện công ty Hoàng Thông cho biết có công trình xây dựng nhà xưởng ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, yêu cầu cửa hàng bà Hường ký tiếp hợp đồng, giao hàng tận nơi, số lượng và giá mua bán theo thời giá tại thời điểm giao hàng.

Đến ngày 10/5/2012, hai bên đã ký biên bản xác nhận khối lượng công trình và ghi nhận số tiền phía công ty Hoàng Thông còn nợ là hơn 698 triệu đồng. Công ty cam kết sẽ thanh toán 50% số tiền trên trong vòng 30 ngày kể từ ngày lập biên bản xác nhận khối lượng. Tuy nhiên, quá thời hạn, công ty không thanh toán, dù đã được bà Hường nhắc nợ nhiều lần.

“Từ đó đến nay, tôi đã đến văn phòng công ty trên 30 lần để đòi nợ, nhưng khi đến văn phòng, ông P.P.T., giám đốc công ty, là người đại diện theo pháp luật và cũng là người trực tiếp ký hợp đồng với cửa hàng tôi luôn vắng mặt, trốn tránh hết lần này đến lần khác. Thậm chí, có lần, ông ta còn cho “xã hội đen” đe dọa sẽ đánh tôi nếu tiếp tục đến đòi nợ”, bà Hường bức xúc.

Thắng kiện trên "giấy"

Bức xúc việc công ty Hoàng Thông chây ỳ, thiếu thiện chí trả nợ, ngày 1/11/2013, bà Hường đã nộp đơn khởi kiện ra TAND Q.Tân Phú, TP.HCM. Ngày 14/3/2014, tòa xét xử sơ thẩm vụ án, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn là bà Hường, buộc công ty Hoàng Thông phải thanh toán số tiền gần 814 triệu đồng, bao gồm nợ gốc trên 698 triệu cộng thêm lãi phát sinh do chậm thanh toán hơn 115 triệu đồng. Công ty Hoàng Thông kháng cáo. Ngày 10/9/2014, TAND TP.HCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên bác mọi kháng cáo của phía công ty Hoàng Thông, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Thế nhưng, từ đó đến nay, dù đã nhiều lần lên Chi cục Thi hành án Q.Tân Phú, bà Hường đều nhận được câu trả lời: “Chưa thể thi hành án được vì qua xác minh, công ty không còn tài sản gì để có thể thi hành án”.

Theo bà Hường, do công ty Hoàng Thông cố tình không trả nợ, cửa hàng VLXD của bà đã phải đóng cửa, chi phí đi lại đòi nợ, chi phí thuê luật sư để bảo vệ quyền lợi… cộng thêm số nợ ngân hàng trên 700 triệu, không có tiền để đóng lãi suất, kinh tế gia đình bà đã thật sự kiệt quệ; căn nhà duy nhất mà gia đình bà đang ở có nguy cơ bị ngân hàng phát mãi do nợ quá hạn.

Ngày 24/10/2016, phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM đến xác minh sự việc tại hai địa chỉ được cho là nơi đặt trụ sở và chi nhánh của Công ty Hoàng Thông ở Q.Tân Phú nhưng cả hai nơi này đều không có dấu hiệu hoạt động.

Theo luật sư Nguyễn Thị Diệu Hiền (Đoàn Luật sư TP.HCM), nếu người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác và tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án thì việc thi hành án sẽ bị đình chỉ.

Để tránh tình trạng “thắng kiện trên giấy”, khi tiến hành khởi kiện, người dân nên yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời như: phong tỏa tài khoản ngân hàng, nhà đất, xe... của người bị kiện để đảm bảo thi hành án sau này. Còn nếu phát hiện người đại diện theo pháp luật của pháp nhân này có dấu hiệu lừa đảo thì có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an để được giải quyết theo quy định.

Hoài Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI