Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan

20/03/2017 - 10:01

PNO - Đừng yêu vợ quá thiết tha. Yêu nhiều mà lại hóa ra phụ lòng

Trong thần thoại Hy Lạp có câu chuyện Orphée/Orpheus, con của Apollon - Thần Ánh sáng, Nghệ thuật, Tiên tri và Calliope - Nữ thần của thi ca. Chàng là nhạc sĩ đại tài, khi cất lên tiếng đàn có thể làm thay đổi mọi sự vật ở trần gian; dù là ác thú hung bạo nhất cũng trở nên thánh thiện, chan hòa yêu thương. Orphée yêu Eurydice - Nữ thần của núi sông thơ mộng; nhưng chẳng may một ngày nàng bị rắn độc cắn chết.

Nhớ thương vợ đến vụn vỡ trái tim, héo khô tâm trí, Orphée quyết định xuống âm ty tìm vợ. Đến âm ty, Orphée đã gẩy lên tiếng đàn tuyệt diệu, như âm thanh của chín cõi càn khôn đang khiêu vũ trên phím đàn, khiến quỷ thần phải cảm động. Ma lực của tiếng đàn mạnh đến nỗi vợ chồng chúa âm ty là Hadès và Persphone động lòng thương hại, trả lại Eurydice cho chàng.

Khói tình mang xuóng tuyèn dài chua tan
 

Trong văn chương của nhân loại, có phải chỉ mỗi Orphée xuống cõi âm tìm vợ? Không! Người chồng thủy chung, yêu thương vợ nhất nước Nam ta là Phạm Công, cũng đã có hành trình tìm vợ là Cúc Hoa tương tự. Theo truyện cổ tích Việt Nam, Diêm vương cũng cảm động trước tấm lòng của Phạm Công nên cho Cúc Hoa tái sinh.

Vợ chồng cùng trở về dương thế và nhà vua đã nhường ngôi cho Phạm Công. Từ đó, gia đình Phạm Công - Cúc Hoa đời đời vinh hiển. Kết thúc của Orphée thì khác hẳn. Bi đát. Đau đớn. Đầy nước mắt. Nguyên do, chúa âm ty bằng lòng cho Orphée dẫn vợ về cõi trần, nhưng với điều kiện là dọc đường đi chàng tuyệt đối không được ngoái lui nhìn vợ.

Lúc sắp ra khỏi ranh giới cõi âm, Orphée chợt hồi hộp, hoang mang, âu lo không biết Eurydice có đang theo sau mình không hay chúa âm ty đã phỉnh gạt mình? Không kiềm chế được, Orphée ngoảnh lại nhìn. Một tiếng sét nổ vang, Eurydice ngã quỵ xuống chết thêm lần nữa, thân thể tan biến thành mây khói. Vĩnh viễn Orphée không còn được gặp vợ nữa. Từ đó Orphée dở sống dở chết, lúc nào cũng kêu gào đòi lại Eurydice; bất chấp quanh mình là rất nhiều giai nhân. Không được đoái hoài, cuối cùng các người đẹp nổi giận, xúm lại cấu xé chàng tan nát. 

Phải chăng vì tình chồng nghĩa vợ, người ta mới chấp nhận thử thách gian nan đến vậy? Với người yêu, liệu điều đó có xảy ra? Rất khó có câu trả lời. Chỉ biết, không thiếu những câu chuyện, những người đang yêu tìm đến cái chết vì tình. Tiêu biểu nhất mà cả nhân loại đều biết là trường hợp Romeo và Juliet, nhưng tội tình nhất lại là chàng Trương Chi vì chàng không có được tình yêu của Mỵ Nương như Juliet đã yêu Romeo.

Vì thế, tiếng lòng của chàng ngàn vạn đời sau vẫn khiến nhân gian ứa lệ: “Nợ tình chưa trả cho ai/Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”. Dường như chỉ thấy vợ chồng tìm nhau mới dám dấn thân xuống cõi tuyền đài; còn người tình tìm nhau bất quá cũng chỉ là: “Tìm em xa gần, đất trời rộn ràng/ Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh/ Trăng tàn nguyệt tận chưa từng tuyệt vọng đâu em” (Trịnh Công Sơn); hay: “Tìm nhau trong thống khổ/ Tìm nghe câu than thở/ Tìm nhau như góa phụ tìm mộ bia” (Phạm Duy).

Khói tình mang xuóng tuyèn dài chua tan
 

Trong tình yêu, có lẽ ai ai cũng thế. Thế mới biết, tình chồng nghĩa vợ mới thật sự có giá trị tuyệt đối trong kiếp nhân sinh. Trong tập thơ đang in Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin (NXB Hội Nhà văn), y viết: “Lúc ấy thượng đế bảo rằng nếu yêu ta thì các ngươi hãy sinh con đẻ cái. Không gì đẹp hơn hình ảnh người đàn bà bụng mang dạ chửa bởi đó chính là hình ảnh của ta”. Đơn giản bởi chỉ từ đó mới có thể mở ra một sự tiếp nối, bằng không thì tình yêu dù đẹp đến mấy cuối cùng cũng bằng không.
Trở lại chuyện tình của Orphée, còn nhớ thi sĩ Bùi Giáng từng bình bằng mấy câu lục bát:

Đừng yêu vợ quá thiết tha
Yêu nhiều mà lại hóa ra phụ lòng
Trên đường khúc khuỷu long đong
Cũng đừng chối bỏ bướm ong với đời
Chung tình chi lắm ai ơi
Cho mòn ruỗng thịt, cho rời rã hương
Lối lui, nẻo tiến, đôi đường
Đủ ngần ấy điệu, mới đúng phường người ngoan

Thơ là tiếng lòng, lòng thế nào thì câu chữ ra thế ấy, khó có thể uốn éo, giả vờ. Nên, có người ngờ rằng, đó cũng chính là nỗi lòng của Bùi Giáng khi nhìn lại chính mình. Phải chăng đó là cách ông tự nhủ lòng khi hình ảnh người vợ chết trẻ, khoảng năm 1948 tại Trung Phước (Quảng Nam), luôn ám ảnh thường trực trong trí nhớ. Đôi khi cũng cần tự biết dập tắt ngọn lửa nhớ thương cứ âm ỉ trong cõi lòng tan nát. Biết quên cũng là một liều thuốc màu nhiệm. Để rồi lại tái sinh. Nói thì nói thế nhưng khó lắm! Khó đến mức nào? Hãy nghe Xuân Diệu tâm tình:

Người ta khổ vì cố chen ngõ chật
Cửa đóng bưng nên càng quyết xông vào
Rồi bị thương, người ta giữ gươm dao
Không muốn chữa, không muốn lành thú độc

Điều kỳ diệu nhất của tình yêu là gì? Chỉ có thể là, một khi đã nhìn rõ ràng kết thúc của nó, nói như Xuân Diệu: “Đến khi hay, gai nhọn đã vào xương” nhưng vẫn quyết tin là không, cứ lì lợm bước tiếp. Bước đi và cất tiếng hát trong vô vọng. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI