Khơi thông nguồn lực, giúp doanh nghiệp vượt khó

20/09/2023 - 06:25

PNO - Làm thế nào để tăng cường nội lực, khơi thông các nguồn lực xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó là các vấn đề được bàn bạc, mổ xẻ trong Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023, do Quốc hội tổ chức ngày 19/9 tại TP Hà Nội.

Doanh nghiệp đang kiệt sức

Tăng cường “sức khỏe” cho các doanh nghiệp Việt Nam được xác định là một chuyên đề để thảo luận trong Diễn đàn kinh tế - xã hội lần này. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu thực tế, sau đợt dịch COVID-19 nặng nề năm 2021, Việt Nam vẫn đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thử thách. Bên cạnh các tác động khó dự báo từ thế giới, sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã “tới hạn”. Nhiều đơn hàng bị cắt giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Năng lực nội sinh, tính tự chủ, khả năng chống chịu của doanh nghiệp, của nền kinh tế ngày càng bộc lộ rõ nét những hạn chế.

Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023 tổ chức tại TP Hà Nội với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” - Ảnh: Huyền Anh
Diễn đàn kinh tế - xã hội năm 2023 tổ chức tại TP Hà Nội với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” - Ảnh: Huyền Anh

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - cho rằng, hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải bỏ chi phí vốn cao như ở Việt Nam, đó là chưa kể đến chi phí bôi trơn, thời gian dự án kéo dài gấp 2-3 lần so với nước ngoài. “Nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn trụ vững được. Khả năng chống chịu của Việt Nam là vô địch, năng lực tồn tại rất ghê gớm” - ông Trần Đình Thiên nhận xét.

Tuy nhiên, theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng chậm lớn, khó lớn và ngại lớn. Ông dẫn chứng, trong 8 tháng đầu năm 2023, bình quân mỗi tháng, có 18.600 doanh nghiệp được thành lập mới và tái gia nhập thị trường, 15.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường; tổng lượng vốn đăng ký giảm 19,8%. Điều này phản ánh quy mô nhỏ dần của doanh nghiệp mới thành lập. Ông cho rằng, đất nước đang “thừa tiền, thiếu vốn, doanh nghiệp kiệt sức”. Sau đợt dịch COVID-19, vốn cạn kiệt nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn. Đến hết tháng 8/2023, vốn đầu tư công mới giải ngân đạt 39,6% kế hoạch. 

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng thông tin, qua điều tra thường niên khoảng 10.000 doanh nghiệp Việt Nam, việc tiếp cận nguồn lực sản xuất, kinh doanh cơ bản chưa thuận lợi. Có tới 55,6% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn về tín dụng, vốn. Ông đánh giá, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có những nỗ lực lớn để kéo mặt bằng lãi suất xuống nhưng không thể xuống thấp và đây là một thách thức.

Ông Đậu Anh Tuấn nhận diện, một trong những rào cản đối với doanh nghiệp Việt là chất lượng cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế. Dẫn một kết quả điều tra ở 2.000 doanh nghiệp, ông cho hay, trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chất lượng hạ tầng ở Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại. So với những quốc gia trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 77 về chất lượng hạ tầng tổng thể, thứ 103 về đường bộ, 83 về cảng, 103 về vận tải hàng không và 87 về cung ứng điện. Các kết quả này cho thấy sự kém cạnh tranh so với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia hay Thái Lan. Ví dụ điển hình về yếu kém cơ sở hạ tầng được đại diện VCCI đưa ra là sự cố thiếu hụt điện nghiêm trọng tại miền Bắc hồi tháng 5 - 6/2023 gây ra nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tăng cường nguồn lực nội sinh lẫn ngoại sinh

Để kinh tế phát triển, doanh nghiệp hoạt động tốt, theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, phải đảm bảo “tam thông”, gồm thông suốt hạ tầng (gồm cả hạ tầng cứng lẫn hạ tầng mềm), thông thoáng cơ chế (thể chế thị trường, công khai, minh bạch, khuyến khích cạnh tranh lành mạnh), thông minh vận hành (bộ máy điều hành đồng thuận, đồng hướng, đồng nhịp, năng động, sáng tạo). 

Công nhân làm việc tại Công ty May mặc Dony (TPHCM) - Ảnh: Thanh Hoa
Công nhân làm việc tại Công ty May mặc Dony (TPHCM) - Ảnh: Thanh Hoa

Ông cũng đề xuất có thêm nhiều ưu đãi về thuế, tín dụng cho các doanh nghiệp để chuyển mô hình kinh doanh sang kỹ thuật số, công nghệ cao, kinh tế xanh. Ông gợi ý: “Chúng ta nên thử đặt hàng cho các tập đoàn kinh tế Việt Nam xây dựng tuyến đường sắt đô thị nối TPHCM với cảng hàng không quốc tế Long Thành. Có như vậy, Việt Nam mới tăng cường được sức mạnh nội sinh, có động lực mạnh phát triển”.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI - cho hay đã nhận được rất nhiều kiến nghị về việc gỡ các nút thắt cho doanh nghiệp, đặc biệt là nút thắt thị trường tín dụng, trái phiếu, bên cạnh đó là hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận với các thị trường quốc tế, khai thác các hiệp định thương mại đã được ký kết, khai thông các nguồn lực cho doanh nghiệp phát triển. 

Bên cạnh việc tăng cường nguồn lực nội sinh, ông lưu ý phải phát huy được nguồn lực ngoại sinh, đó là tranh thủ thu hút nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI). Việt Nam cần nắm bắt “cơ hội lịch sử” khi thế giới đang thay đổi trật tự về chuỗi cung ứng, có sự dịch chuyển dòng vốn và công nghệ, để nắm bắt nguồn vốn, kiến tạo cho mình thế đứng mới, vị trí mới, từ đó tạo hiệu ứng lan tỏa để phát triển doanh nghiệp bản địa. 

Đầu tư vào khoa học, công nghệ để tăng năng suất 

Tiến sĩ Nguyễn Lê Hoa - Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam - nêu nhiều nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Theo bà, Việt Nam thiếu nguồn lao động chất lượng cao; tỉ lệ lao động ở khu vực phi chính thức chiếm trên 65%, có đời sống bấp bênh và khó tiếp cận với các ứng dụng đổi mới, sáng tạo; thành phần kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% trong cấu trúc kinh tế nhưng có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, khó có nội lực phát triển năng suất. 

Ông Jonathan Pincus - chuyên gia kinh tế quốc tế của Tổ chức Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam - nhận định: “Việt Nam đầu tư vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu rất thấp so với một số quốc gia châu Á. Việc đầu tư vừa quá ít lại vừa dàn trải. Những khoản đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo đang trải ra ở nhiều cơ quan, bộ ngành mà chưa tập trung vào được những ngành then chốt. Các viện kinh tế tư nhân chưa được khuyến khích”.

Theo ông, đầu tư công vào giáo dục cao học ở Việt Nam còn thấp. Các trường phổ thông ở Việt Nam đạt kết quả cao về toán, khoa học nhưng người học lại không có không gian phát triển ở các cấp tiếp theo. Việt Nam cũng có nhiều du học sinh tại châu Âu và Mỹ, nhưng phải có chế độ khuyến khích để họ quay về các trường đại học, các viện nghiên cứu của Việt Nam. 

Bàn về năng suất, ông cho hay, Thái Lan và Malaysia từng có mức tăng năng suất cao nhưng không thể duy trì sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Nguyên nhân là các quốc gia này bị rơi vào “bẫy năng suất” do không nâng cấp năng lực sản xuất trong nước mà tiếp tục tăng trưởng dựa vào xuất khẩu các mặt hàng có giá trị thấp. Do đó, theo ông, muốn thành công, Việt Nam phải xây dựng được hệ thống đổi mới quốc gia. 

Ông nói: “Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hứng thú đầu tư vào Việt Nam ở các lĩnh vực như sản xuất chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng nguồn đầu tư này. Cần tạo cú hích lớn về khoa học, công nghệ để tăng trưởng được năng suất về lâu dài”.

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI