Khơi thông điểm nghẽn tín dụng

30/09/2023 - 06:18

PNO - Bảo đảm các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và doanh nghiệp, là hướng giải quyết cho tình cảnh tiền ngân hàng thừa trong khi doanh nghiệp vẫn khát vốn.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục hối thúc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện cho vay, đồng thời triển khai nhiều gói ưu đãi tín dụng lớn như gói 120.000 tỉ đồng để xây nhà ở xã hội, gói 10.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Nhưng tiến độ giải ngân vẫn chậm, ít doanh nghiệp tiếp cận được vốn.

Tăng trưởng tín dụng nền kinh tế 8 tháng đầu năm 2023 mới đạt 5,56%, thấp hơn cùng kỳ năm trước (9,88%) và thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm nay (14%). Tăng trưởng xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%, nhập khẩu giảm 16,2%. Thị trường tài chính - tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn rủi ro. 

Trong Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2023 do Quốc hội tổ chức ngày 19/9, phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận định, những chỉ số trên là biểu hiện khát vốn nhưng lại khó hấp thụ vốn của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp đói vốn nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám, không cần vay vốn”. 

Đây thực sự là một nghịch lý đang nổi lên. Tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành động lực phát triển, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn.

Bảo đảm các nguồn lực lưu thông thông suốt là yếu tố quyết định hiệu quả của nền kinh tế và doanh nghiệp, là hướng giải quyết cho tình cảnh tiền ngân hàng thừa trong khi doanh nghiệp vẫn khát vốn. Cần tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó và nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới. 

Thực tế cho thấy, có sự lúng túng trong điều hành, nổi rõ là điều hành về điện, xăng dầu, cung ứng hàng hóa thiết yếu như thuốc chữa bệnh, vật tư y tế và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. 

Chính phủ đã có nhiều quyết sách nhanh, những chính sách tích cực, nhưng việc triển khai chính sách của bộ phận thực thi chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng thấp còn xuất phát từ phía doanh nghiệp, từ thị trường thấp điểm. Sức khỏe doanh nghiệp chưa hồi phục sau các đại dịch COVID-19 khiến doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn và không dám vay vốn.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, còn nổi lên những khó khăn liên quan đến vốn, tín dụng: hiệu quả kinh doanh nông nghiệp thấp, nhiều rủi ro, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư đầu vào và đầu ra nông sản, sự yếu kém trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, liên kết vùng, cụm ngành, chuỗi giá trị, phần lớn doanh nghiệp trong vùng có quy mô nhỏ và vừa, sự hạn chế về năng lực tài chính, quản trị, sự thiếu minh bạch về thông tin tài chính... Cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp, hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường để tăng niềm tin kinh doanh cho doanh nghiệp. 

Để tiền không bị “ế”, giải được cơn khát vốn cho doanh nghiệp, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; ưu tiên thực chất cho nông nghiệp, nông thôn; mở rộng và thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tăng cường thông tin; củng cố, phát triển mạng lưới và dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. Tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục trong giao dịch với khách hàng nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân…

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI