Khởi sự kinh doanh để giúp chị em có thêm việc làm

04/10/2017 - 08:38

PNO - Tổ dịch vụ nấu ăn là sự khởi đầu mới, hy vọng sẽ có lãi để xây dựng nguồn quỹ chăm lo bảo hiểm y tế cho cán bộ chi, tổ hội.

Sau khóa học tỉa hoa nghệ thuật trên củ, quả do Hội LHPN Q.2, TP.HCM tổ chức, chị Nguyễn Thị Kim Phượng (SN 1979) quyết định đầu tư hơn 150 triệu đồng thành lập tổ dịch vụ nấu ăn nhằm tạo việc làm cho hội viên (HV), phụ nữ (PN) khó khăn. 

Khoi su kinh doanh de giup chi em co them viec lam
Chị Phượng (thứ tư từ phải qua) cùng học viên lớp tỉa hoa nghệ thuật trên củ, quả

Mở dịch vụ mới từ sự tình cờ

Phường An Phú, Q.2 là địa bàn có nhiều dự án, công trình xây dựng, PN từ các nơi đổ về thuê trọ ngày càng đông, đa phần làm nội trợ, buôn bán nhỏ hoặc theo chồng vào công trường phụ hồ. Khi vừa nhận trọng  trách Chủ tịch Hội LHPN P.An Phú, Q.2 (năm 2015), chị Phượng đã dành 10 ngày đi dọc những con hẻm nhỏ, ngồi nói chuyện với lao động nhập cư trong các khu nhà trọ.

Thấy chị em tha thiết với việc học nghề và tìm kiếm mô hình khởi nghiệp, chị trăn trở mãi. Sau cùng, chị quyết định mở khóa học tỉa hoa nghệ thuật trên củ, quả tại trụ sở UBND P.An Phú. Ban đầu, lớp có 20 học viên, về sau thêm 10 người nữa, chủ yếu là PN nội trợ, buôn bán, các chị làm việc trong bếp ăn công ty, xí nghiệp. 

Bản thân chị Phượng cũng là học viên của lớp. Từ chỗ chỉ học cho vui nhằm quản lý lớp cho tốt và có thêm kỹ năng trang trí bữa cơm gia đình, nhưng dần dần, chị thấy thích thú với những “tác phẩm nghệ thuật” do tự tay mình tạo ra trên củ, quả. Thế nên, sau khóa học này, khi Hội LHPN Q.2 mở khóa mới, chị tiếp tục ghi danh làm học viên.

Khi lớp bế giảng, được một cán bộ của Trung tâm Giới thiệu việc làm PN (trực thuộc Hội LHPN TP.HCM) gợi ý mở dịch vụ nấu tiệc, chị suy đi tính lại rồi quyết “liều một phen”. Chị dồn hết số tiền hơn 150 triệu đồng mà vợ chồng tích góp được vào việc mua sắm bàn ghế, chén bát, trang thiết bị cần thiết. Đầu tháng 8/2017, tổ dịch vụ nấu ăn do chị  “chủ xị” chính thức ra mắt. Ngay lập tức, tổ có mối hàng đầu tiên là bữa tiệc với 10 bàn. 

Nguyên tắc “bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm” được đặt lên hàng đầu. Thay vì nấu sẵn, sau đó mang đến dọn bàn, tổ của chị chuẩn bị rau, củ, thịt, cá tươi rồi mang đến nấu ngay tại nhà khách. Tham gia nấu bữa tiệc mở hàng này, chị Nguyễn Huỳnh Hồng Phúc phấn khởi:  “Lần đầu đi nấu tiệc, tổ không có lãi, chúng tôi chia nhau rau, củ còn dư, nhưng cũng vui lắm. Tôi rất tin tưởng vào sự phát triển mạnh và ổn định của tổ trong tương lai”. 

Kinh doanh vì cộng đồng

Là con gái đầu trong gia đình nông dân nghèo có bảy người con ở xã An Phú, H.Thủ Đức (cũ), từ nhỏ, chị Phượng đã quen theo mẹ ra chợ “buôn thúng bán bưng”. Không giỏi bếp núc, nhưng chị có “hậu phương” là mẹ - bà Lê Thị Kim Hương - một người PN chịu thương chịu khó và rất thích nấu ăn.

“Chuyện cơm nước, nhà cửa, đưa đón con đi học đều do cha mẹ và chồng tôi giúp. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư xe chuyên chở, còn lượng nhân công của tổ thì “tùy cơ ứng biến”, cốt yếu là tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em. Cái khó bây giờ là mối hàng, nhưng tôi tin, mình kinh doanh uy tín, chất lượng thì dần dần sẽ có khách quen” - chị Phượng nói về dịch vụ mới của mình. 

Năm 2012, chị Phượng bắt đầu khởi sự kinh doanh với việc mở cơ sở gia công quần áo thể thao. Mấy năm liền, nhờ có nguồn hàng thường xuyên, thu nhập của công nhân ở cơ sở dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng. Một số HV, PN có nhu cầu làm thêm, chị cũng giao hàng cho họ mang về nhà cắt chỉ. Những trường hợp khó khăn, đau ốm bất ngờ, chị trích lợi nhuận của cơ sở ra giúp.

Đến năm 2014, chị giao cơ sở này cho em gái thứ tư quản lý, để toàn tâm toàn ý làm công tác Hội. Dù vậy, chị tự nhận “lửa” kinh doanh vì cộng đồng vẫn chưa nguôi trong tâm trí mình. Tổ dịch vụ nấu ăn là sự khởi đầu mới, chị hy vọng sẽ có lãi để xây dựng nguồn quỹ chăm lo bảo hiểm y tế cho cán bộ chi, tổ hội.

“Chị Phượng là cán bộ Hội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho PN. Trước khi tổ dịch vụ nấu ăn ra đời, chị đã liên hệ với những hộ có đất bỏ hoang, đứng ra bảo lãnh để chị em khó khăn được mượn đất, trồng rau sạch. Phượng có xuất phát điểm khó khăn, chồng làm công nhân, vợ lo việc Hội, sống chung với cha mẹ trong đại gia đình 18 người. Điều đáng quý là thay vì chú trọng kinh doanh kiếm lời cho cá nhân, Phượng luôn tìm kiếm công việc để HV, PN nghèo cùng làm với mình. Tổ dịch vụ nấu ăn mà Phượng vừa thành lập là một ví dụ. Phía quận sẽ kết nối, giới thiệu rộng rãi để tổ có thêm khách hàng trong thời gian tới”.

Võ Thị Thanh Thủy - Phó chủ tịch Hội LHPN Q.2 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI