Khởi sự kinh doanh chưa bao giờ là muộn

20/11/2020 - 06:33

PNO - Trên con đường khởi sự kinh doanh của chị em phụ nữ luôn có Hội Phụ nữ đồng hành. Nhiều diễn đàn, sân chơi mới được Hội tổ chức nhằm giúp chị em gặp gỡ, giao lưu và chia sẻ các ý tưởng, chiến lược và bí quyết dẫn đến thành công trong kinh doanh.

Nhà chung của những người cùng đam mê

Vách bồ, cánh cửa cũ, chiếc ghế mộc, bộ ấm trà và một bình hoa nơi góc bàn… tại không gian “Shop Xinh” (H.Hóc Môn) làm gợi nhớ làng quê Việt. Đây cũng là “ngôi nhà chung” của năm thành viên có cùng niềm đam mê với gốm sứ. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc - thành viên của shop, cho biết: “Bắt nguồn từ việc chị em muốn kinh doanh nhưng chưa có kinh nghiệm, còn e dè, nên tôi gợi mở và rủ nhau cùng mở một cửa hàng nho nhỏ. Trong nhóm, có chị đang làm công sở, có chị đã ổn định kinh doanh, nhưng chúng tôi đã gặp và cùng nhau khởi sự kinh doanh mặt hàng quà lưu niệm, vật dụng gia đình làm từ gốm sứ”. 

“Shop Xinh” được nhóm phụ nữ đam mê kinh doanh chăm chút và luôn có khách  ghé tham quan, mua sắm
“Shop Xinh” được nhóm phụ nữ đam mê kinh doanh chăm chút và luôn có khách ghé tham quan, mua sắm

Các chị bắt đầu tìm hiểu tâm lý khách hàng và biết nhiều gia đình tuy có nhu cầu nhưng không biết mua các sản phẩm gốm sứ chỗ nào, chưa có thời gian để chăm chút cho gian nhà, gian bếp; nhiều gia đình vẫn còn sử dụng các sản phẩm ly, chén bằng nhựa, mica… Từ đó, nhóm bắt đầu lên ý tưởng thiết kế cửa hàng và phân công nhau tìm nguồn hàng có chất lượng, giới thiệu sản phẩm, tư vấn khách hàng, đẩy mạnh quảng cáo trên mạng xã hội… Công việc ban đầu khá thuận lợi vì các thành viên trong nhóm còn khá trẻ, nắm bắt nhanh xu hướng thị trường. Khách hàng cũng là khách quen, khách qua kênh bán hàng online và một lượng lớn khách đến từ gia đình “nhà Hội”. Sau giờ hành chính ở cơ quan, các thành viên của nhóm phân công nhau mở cửa hàng. Sắp tới shop sẽ pha thêm bình trà hoa, mở thêm điểm hẹn cuối tuần sau giờ tan ca để chị em có nhu cầu đến thư giãn, chuyện trò. Shop hoạt động từ 19-21g từ thứ Hai đến thứ Sáu và từ 15-18g thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần.

Ngoài 60 tuổi mới khởi sự kinh doanh

Bản thân cô Đỗ Thị Viên (P.13, Q.Gò Vấp) cũng không ngờ sau 20 năm phục vụ quân đội, 5 năm gắn bó với vai trò là chi hội trưởng phụ nữ, khi đã ngoài 60 tuổi cô mới bén duyên với công việc kinh doanh. “Có lẽ trong thời gian gắn bó với Hội, được tham gia và trải nghiệm các hoạt động kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi sự kinh doanh, cô đã ấp ủ trong mình “máu kinh doanh” lúc nào không hay” - cô chia sẻ. Một lần được đi du lịch đảo Phú Quốc, thấy tàu cập bến với rất nhiều tép tươi nhưng không có người thu mua, hoặc chỉ thu mua để làm phân bón, cô Viên liên tưởng đến món mắm tép gia truyền từ bà, từ mẹ đã làm suốt mấy chục năm qua. Trở về, cô suy nghĩ rồi bàn tính với chồng việc thu mua tép để sản xuất món mắm tép dân dã. Vốn là “người nhà quê” nên khi vợ bàn tính, chú Duyệt chồng cô Viên, đồng tình ngay và cấp tốc cùng vợ trở lại Phú Quốc tìm hiểu nguồn hàng cũng như thị trường tiêu thụ. 

Họ dựng nhà bè cách bờ khoảng 700m để tiện thu mua nguyên liệu, đảm bảo nguyên liệu được tươi và sạch, sau đó trở lại đất liền để tìm mua chum, mua lu đưa ra Phú Quốc; chuẩn bị mặt bằng sản xuất và làm cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. 

Mắm được làm theo công thức gia truyền, không phụ gia hay bất kỳ hóa chất gì. Tất cả công đoạn từ muối tép, đưa vào chum, ủ, phơi nắng… đều được cô Viên trực tiếp giám sát. Để sản phẩm được ngon, tép được ủ từ sáu tháng trở lên, vì vậy trong năm đầu tiên, cô Viên phải đầu tư hơn một tỷ đồng cho cơ sở vật chất, nhân công duy trì sản xuất. Khi có sản phẩm, cô Viên mang biếu bạn bè, gia đình và nhờ Hội LHPN Q.Gò Vấp hỗ trợ, kết nối giới thiệu sản phẩm. Thấy sản phẩm ngon, các chị lại tiếp tục giới thiệu cho nhau. 

Hơn một năm đưa vào thị trường, đặc sản mắm tép “Biển Đông Phú Quốc” của cô Viên đã được nhiều người biết đến. Ngoài cơ sở và cửa hàng trưng bày tại xã Bãi Thơm, H.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang thì căn nhà ba tầng của cô tại P.13, Q.Gò Vấp cũng trở thành cửa hàng và nơi trung chuyển hàng hóa. Hệ thống đại lý bán hàng của cô Viên cũng đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Hà Nội và TP.HCM… 

Cô Viên (trái) tham gia các gian hàng phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Q.Gò Vấp tổ chức
Cô Viên (áo dài hồng) tham gia các gian hàng phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Q.Gò Vấp tổ chức

Cô Viên tâm sự: “Khởi sự có muộn nhưng cũng nhờ đó mà mình đủ bản lĩnh, vật lực và kinh nghiệm. Nhưng vẫn có hạn chế là vấn đề sức khỏe. Công việc khá vất vả, vừa phải sản xuất trên biển vừa phải sản xuất trên đất liền”. 

Lúc này đang vào mùa tép nên cô Viên phải túc trực ngoài Phú Quốc. Nhưng khi nghe Hội có hoạt động, cô sắp xếp trở lại TP.HCM để tham gia cùng chị em. 

Có Hội đồng hành 

Chị Nguyễn Thị Lan - Chủ tịch Hội LHPN Q.Gò Vấp - cho biết Quận Hội sẽ tiếp tục làm cầu nối gắn kết những phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh, tổ chức các diễn đàn để chị em được chia sẻ những bí quyết kinh doanh từ các chuyên gia và từ các thành viên câu lạc bộ, kết nối giới thiệu sản phẩm cho các thành viên. Mới đầu tháng 11 này, Quận Hội Gò Vấp thành lập câu lạc bộ khởi sự kinh doanh với 40 thành viên để tạo thêm điểm hẹn cho chị em.

Không riêng gì Q.Gò Vấp, Hội LHPN của 24 quận, huyện cũng có nhiều hoạt động gắn kết, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Ngay khi vừa kết thúc đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai trong cộng đồng, biết các doanh nghiệp, doanh nghiệp nữ gặp nhiều khó khăn, Hội LHPN Q.3 đã tổ chức các buổi hội thảo khởi sự kinh doanh, giải pháp kinh doanh sau mùa dịch. Hoạt động này đáp ứng đúng nhu cầu nên được chị em hưởng ứng.

Hội LHPN H.Củ Chi thì tổ chức lớp học khởi sự kinh doanh cho hội viên phụ nữ. Hội LHPN Q.Tân phú tổ chức hội thi ý tưởng khởi nghiệp. Nhiều ý tưởng đã được các chuyên gia góp ý, hướng dẫn để trở nên khả thi. Khi chủ nhân của các ý tưởng bắt tay vào kinh doanh cũng được Hội hỗ trợ vốn vay không lãi từ 50-100 triệu đồng. 

Nhiều diễn đàn, sân chơi mới như chương trình Cà phê khởi nghiệp cũng được Hội LHPN TP.HCM tổ chức định kỳ hằng quý nhằm kết nối những người có ý tưởng kinh doanh với các chuyên gia và những chị em đi trước để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm dẫn đến thành công. 

Và mới hôm qua, 19/11, Hội LHPN TP.HCM cũng đã tổ chức ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp - việc làm năm 2020 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công” với nhiều hoạt động trưng bày - bán sản phẩm, hội thảo về các chuyên đề về kinh doanh… thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp, hàng ngàn người lao động và khách tham quan, mua sắm. Ngày hội lại thêm một lần nữa khẳng định: việc khởi nghiệp và làm ăn của chị em phụ nữ, nữ doanh nhân thành phố luôn có Hội đồng hành hỗ trợ. 

Sáng 19/11, ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp - việc làm năm 2020 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công” do Hội LHPN TP.HCM tổ chức đã khai mạc. Ngày hội mở ra sân chơi kết nối giao thương giữa các doanh nhân mới khởi nghiệp và các doanh nhân đi trước cũng như tạo điều kiện cho người lao động và các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội việc làm. 

Trong khuôn khổ ngày hội, có chín đơn vị đã tham gia đóng góp cùng Hội LHPN TP.HCM thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho phụ nữ khó khăn, dạy nghề, học bổng và thực hiện chương trình “Xuân yêu thương, tết nghĩa tình” năm 2021, trong đó Báo Phụ Nữ TP.HCM đóng góp 150 triệu đồng. 

Ngày hội diễn ra trong hai ngày (19 và 20/11) với nhiều hoạt động như các hội thảo chuyên đề liên quan đến tăng trưởng kinh doanh sau dịch COVID-19, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và các sân chơi trang điểm, làm đẹp, hướng dẫn pha chế đồ uống, nữ công gia chánh… 

D.Trang

 Thiên Ân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI