Khởi sinh lacquer: Ấm nồng phương Đông

12/09/2022 - 15:37

PNO - Tranh là người, cũng là chất. "Khởi sinh lacquer" của ba nghệ sĩ Trần Dân (sinh năm 1980), Trần Hiền (1985), Lại Minh Huyên (1994) đang diễn ra ở V-Art Space (Hà Nội) như góp thêm một tiếng nói biểu đạt cho sức mạnh của tranh sơn mài truyền thống Việt Nam trong bối cảnh đương đại.

1.

Cùng thực hành nghệ thuật tại không gian Xưởng lưu trú thực hành phá cách X-No8 (Xưởng số 8), ba nghệ sĩ cùng đối thoại trong một chủ đề có tính khai mở: Khởi sinh ở ba nhánh thông điệp là Sinh sôi, Nhân sinh, Hòa hợp. 33 bức tranh khép rồi mở, mở rồi khép từng phần thông điệp như một vòng tuần hoàn của vũ trụ. Nhân sinh cũng chính là hòa hợp, đồng thời cũng là sinh sôi, nảy nở, biến hóa. Xem tranh, ngó thấy bản dạng riêng của ba nghệ sĩ: Một Trần Dân đương đại, ý niệm; một Trần Hiền tính nữ và một Lại Minh Huyên nghiêm ngắn trong sự cổ điển. Đồng thời, cũng nhìn ra sự tụ hợp, lắng đọng, kết nối giữa họ. Ở đây, việc sử dụng chất liệu, chủ đề và tư tưởng nằm trong một sự thấu suốt và nhất quán đầy ý hướng.

Từ trái qua: Họa sĩ Trần Dân, Trần Hiền, Lại Minh Huyên
Từ trái qua: Họa sĩ Trần Dân, Trần Hiền, Lại Minh Huyên

Tông màu chủ đạo của Khởi sinh lacquer thiên về những gam màu ấm nồng cổ xưa nhưng không quá rực rỡ, chói gắt mà thâm trầm như đỏ, vàng, cam, hồng… Trên nền màu đen, xám, tro, xanh lục, xanh da trời… những gam màu ấm giống như những tàn lửa chờ ngày hồi sinh. Hay nói cách khác, là màu kết tủa sau những phút huy hoàng, lộng lẫy của nhân gian. Màu của sự sau cuối, của trời, của đất, của rừng, của nước, nhưng cũng là màu của một sự khởi sinh màu nhiệm.

Ở đó, nhác thấy một miền đồng hoang hỗn mang. Những hình ảnh có đôi có cặp bên nhau, và những con người đang bay. Tất cả những dòng sông trôi về giác ngộ, an trú. Những mầm sống nhú lên, thì thầm. Mặt trời như bánh xe quay không ngừng nghỉ. Bước chân độc hành nhỏ bé trong rừng thẳm, như làm nền cũng như muốn tan biến. Con người và thiên nhiên hòa hợp. Trần Dân, Trần Hiền và Lại Minh Huyên đang trở về với những “đại tự sự” mang tính sử thi, thấm màu truyền thuyết, huyền hoặc, rộng lớn, nguyên thủy của vũ trụ. Qua đó gửi gắm triết lý hòa hợp của văn hóa phương Đông. 

2.
Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Gia Trí từng nói: “Nghệ sĩ đích thực luôn hướng về gốc. Sự phong phú và vô tận của cảm hứng sáng tạo sinh ra từ gốc. Như cây tươi tốt, nhiều hoa trái là nhờ gốc rễ sản sinh ra. Ở cái gốc ấy, nghệ thuật và tôn giáo gặp nhau”. Cái tinh thần hướng về gốc đó, không chỉ là chủ đề, tư tưởng, mà còn nằm trong câu chuyện chất liệu. Đây là một triển lãm thuần về sơn mài truyền thống - một nét độc đáo của hội họa Việt Nam. 

Lại Minh Huyên đùa với Trần Dân rằng, nếu không tập trung vào sơn mài, anh sẽ không hiện diện ở đây. Nhu cầu duy nhất của anh là được làm việc với sơn mài. Trần Dân nói, lựa chọn chất liệu này “như một điểm thuần khiết nhất” để kết nối ba anh em lại với nhau, để cùng nhau kể câu chuyện Khởi sinh lacquer hôm nay.

Xưởng số 8 do họa sĩ Trần Dân sáng lập vào giữa năm 2020. Đây là không gian chung để nhóm nghệ sĩ cùng lao động nghệ thuật, thực hành hội họa đương đại trên chất liệu sơn mài truyền thống của Việt Nam. Khởi sinh lacquer là “đứa con” tinh thần đầu tiên của xưởng. Triển lãm diễn ra tại V-Art Space (Hà Nội) từ nay tới hết ngày 25/9, sau đó dự định sẽ tiếp tục ở TP.HCM trong tháng 11 tới.

Nếu các chất liệu khác “háo” không gian khô thoáng, thì sơn mài muốn khô phải ủ trong buồng kín, thêm khay nước để hơi nước bốc lên tạo độ ẩm. Một họa sĩ từng nói, đặc điểm khác thường này bắt nguồn từ đặc tính của nhựa cây sơn - một loại thực vật đặc hữu Đông Nam Á, gặp hơi ẩm là nóng lên, bay hơi cùng nước, quyện hòa những phân tử màu, tạo nên một bề mặt căng, phẳng, trong vắt. Độ bóng càng bóng càng tối. Phải nhìn và cộng cảm mới ra.   

Sơn mài không đơn thuần là chất liệu, mà còn là nội dung. Trong quá trình vẽ, nó đào thải bớt sự gai góc, nhộn nhạo, xô bồ. Chỉ còn một tâm thái thực hành nghệ thuật trong yên lặng và chờ đợi. Cụ Nguyễn Gia Trí nói: “Không cưỡng ép được sơn mài. Nhiều khi chiều tranh như chiều mẹ mình vậy”. Vì thế, đó là chất liệu truyền thống, nhưng lại “mở” nhất trong sự háo hức. Không một họa sĩ nào biết trước được bức tranh của mình sẽ đi về đâu. Sự biến hóa của đường nét, màu sắc phụ thuộc vào quá trình ủ và vẽ, vẽ và mài… 

Sự hoàn hảo của một bức tranh sơn mài, không chỉ nằm ở kết quả tranh đẹp, tranh xấu, mà còn nằm trong quá trình tạo sinh nó. Vì thế, tinh thần khởi sinh không chỉ gói ghém trong chủ đề. Nó còn nằm trong những nhát tay đặt trên mặt vóc, những cú đẩy đi mài những nét tranh, cho đến khi đánh bóng… để rồi, đến cuối cùng, người nghệ sĩ mới hay rằng, quá trình làm ra bức tranh cũng là quá trình thay đổi, gột rửa, hoàn thiện tư duy, thậm chí tái tạo năng lượng của mình.

Nói như Lại Minh Huyên, so với những chất liệu khác, “vẽ sơn mài là một công việc ích kỷ; nếu không trao cho nó tình yêu một cách trọn vẹn, thì nó cũng không cho ta một kết quả mỹ mãn”. Họa sĩ vẽ sơn mài là lắng nghe nhịp của bản thân, thong thả mà kiên định, cùng sống và cùng cảm. Kết thúc bức tranh cũng là khi người nghệ sĩ đã sáng rõ quá trình hình thành đời sống của nó, cũng là sáng rõ tâm can của bản thân họ.  

Khởi sinh lacquer gợi lại những cảm thức Đông phương vừa cổ điển vừa hiện đại. Gợi lại đời sống của một chất liệu truyền thống chưa khi nào mất đi vẻ hấp dẫn. Ba nghệ sĩ lấy sơn mài truyền thống để thực hành hội họa, độc nhất chất liệu này, không đan xen, không mượn dân gian đương đại một cách giả hiệu. Vì thế, dẫu trong hơn 30 bức tranh của Khởi sinh lacquer, có một số bức có ý tưởng, hình ảnh đi vào sáo mòn, mang tính minh họa, thấp thoáng trong tranh người này người kia; thì tính nguyên bản, thuần túy trong câu chuyện thực hành nghệ thuật của họ ở Xưởng số 8 như một lời chào gợi mở để tìm tòi, sáng tạo… Nói nghệ thuật là “trên đường” bởi vì thế. Nghệ thuật là tìm đường, cũng là tìm mình.

Đậu Dung

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI