Khôi phục rừng để bảo vệ bờ biển

20/02/2025 - 06:24

PNO - Cách đây khoảng 20 năm, tôi đã tham gia khảo sát một dự án trồng rừng ven biển cho một tỉnh ở miền Trung do nước ngoài hỗ trợ. Đây là dự án trồng gần 2.000ha rừng phòng hộ ven biển để làm tấm khiên ngăn bão, chống sạt lở bờ biển. Tuy nhiên, dự án này đã thất bại một vài năm sau đó do cây sinh trưởng không đạt tiêu chí của dự án, đất trồng rừng bị lấn chiếm hoặc nhường chỗ cho dự án xây dựng khác.

Dọc theo bờ biển miền Trung, không khó để thấy các cánh rừng ven biển tả tơi do bị cháy, chặt phá, sâu bệnh và tình trạng sạt lở biển ngày càng nghiêm trọng. Qua thống kế sơ bộ, vùng biển từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Bình Thuận có trên 80 điểm sạt lở. Các chuyên gia đã khuyến cáo nhiều lần rằng khi rừng phòng hộ mất, bờ biển sẽ bị xói mòn.

Đặc điểm của vùng bờ biển miền Trung là núi áp biển, độ dốc lớn nên bờ không ổn định, dễ bị tác động. Do thời tiết ngày càng bất thường, tình trạng sạt lở bờ biển ở miền Trung diễn ra ngày càng nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Cùng với yếu tố địa lý, thiên tai thì nạn khai thác cát và xâm hại rừng phòng hộ ven biển là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng sạt lở bờ biển.

Để ngăn chặn sạt lở bờ biển, giải pháp trước mắt là xây dựng đê chắn sóng, kè biển. Tuy nhiên, khi xây dựng các công trình, cần tính toán kỹ các yếu tố về thủy triều, quan trắc bờ biển, điều kiện tự nhiên… để công trình kiên cố lâu dài. Hiện nay, không ít công trình kè bảo vệ biển ở các tỉnh miền Trung được đầu tư hàng trăm tỉ đồng nhưng vừa xây xong đã hỏng là do chưa chú trọng các yếu tố kỹ thuật khi xây dựng. Trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp, chính quyền các địa phương có thể huy động tối đa nguồn lực xã hội.

Về lâu dài, để bảo vệ vùng ven biển miền Trung trước bão tố và sạt lở, điều cần làm đầu tiên là khôi phục hệ thống rừng phòng hộ ven biển. Những rừng phi lao, tràm… xanh mướt ven biển sẽ là những tấm lá chắn hữu hiệu.

Chiến dịch khôi phục rừng để bảo vệ bờ biển của Thái Lan là một kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam. Thái Lan từng mất 1/3 diện tích rừng ngập mặn bảo vệ biển trong giai đoạn 1961-2000. Cùng với đó, 1/4 đường bờ biển của nước này cũng bị sạt lở.

Trước thực trạng trên, Chính phủ Thái Lan đã triển khai chiến dịch khôi phục rừng để bảo vệ bờ biển, huy động người dân toàn quốc tham gia. Họ dùng phương pháp trồng cây đước non dọc theo các cọc tre để giúp giữ đất và chống lại sóng biển đánh vào gây sạt lở. Hàng trăm héc ta rừng ngập mặn ven biển ở Thái Lan đã được khôi phục trong vài năm gần đây nhờ giải pháp này.

Một nguyên nhân gián tiếp khác khiến tình trạng sạt lở bờ biển ở miền Trung gia tăng là do tác động của việc quy hoạch, xây dựng các công trình ven biển. Để ngăn chặn yếu tố này, các địa phương ven biển cần có biện pháp điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư; khẩn trương xây dựng giải pháp quản lý tổng hợp vùng bờ biển, giám sát chặt chẽ việc xây dựng các công trình du lịch, dân sinh ven biển. Đồng thời, cần rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, phân loại sạt lở, cập nhật các khu vực sạt lở trên hệ thống quản lý sạt lở trực tuyến.

Để giảm thiệt hại, chính quyền các địa phương có thể ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát sạt lở bờ biển. Công nghệ này sẽ cung cấp thông tin trực quan, cập nhật nhanh chóng tình hình xói lở bờ biển cho các cơ quan quản lý, qua đó giám sát, theo dõi lâu dài và đề xuất các giải pháp ứng phó phù hợp. Khu vực ven biển miền Trung cần có trên 15 điểm giám sát bằng công nghệ viễn thám.

Một giải pháp khác là chính quyền các địa phương cần rà soát, đánh giá các khu vực nguy hiểm để điều chỉnh các phương án ứng phó, đồng thời chú trọng công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn các kỹ năng và thực hiện đúng quy trình ứng phó khi xảy ra sự cố sạt lở.

Chuyên gia môi trường Vũ Ngọc Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI