Khôi phục “lá chắn thép” ven biển Phú Yên

16/11/2020 - 06:22

PNO - Ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên - cho biết tỉnh đang cơ cấu lại các loại rừng.

Sau cơn bão số 12, khu dân cư Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên bị sạt lở nặng, có chỗ sóng biển gần chạm đến thềm nhà. Bà Bùi Thị Lan lo lắng: “Mấy ngày qua, tôi đổ bao tải chứa đất, đá xuống ngăn nhưng đổ bao nhiêu, sóng “nuốt” hết bấy nhiêu. Nhà ở sát mép sóng, có những đợt sóng cao 4-5m, nước tung lên tận mái nhà”. 

Nhà dân ở thị xã Sông Cầu đổ sập do mưa, bão
Nhà dân ở thị xã Sông Cầu đổ sập do mưa, bão

Gần đó, nhà ông Trần Văn Tiến cũng bị sóng biển tràn vào gây hư hỏng đồ đạc. Ông Tiến cho biết, thôn Từ Nham có hai bãi biển được gọi là Bãi Trước và Bãi Sau. Người dân ở Bãi Sau sống yên ổn, còn cuộc sống của người dân ở Bãi Trước bị đảo lộn do triều cường xâm thực. 

Chỉ tay về phía có mấy cây dừa, ông Tiến nhớ lại: “Hồi trước, xóm nhà này nằm tận ngoài đó, phía trước đó là hàng phi lao (dương), nhưng người dân chặt phi lao về làm hàng rào và củi, dần dần hàng phi lao biến mất, sau đó sóng biển lớn ập vào, người dân bỏ của chạy lấy người, chỉ còn sót lại mấy cây dừa”.

Theo thống kê của UBND xã, thôn Từ Nham có 40 hộ với hơn 90 nhân khẩu, có nguy cơ bị triều cường ảnh hưởng, trong đó có 20 hộ có nhà nằm sát biển bị ảnh hưởng trực tiếp. 

Ông Phan Trần Vạn Huy - Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu - cho biết bão số 9 làm 84 nhà dân bị tốc mái, trong đó một căn bị sập hoàn toàn; 88 đìa nuôi cá mú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương bị thiệt hại.

Tại xóm An Vũ, thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, do bị triều cường xâm lấn, nhiều hộ phải di dời nhà đi nơi khác sinh sống.

Ông Trần Văn Long - sống lâu năm ở đây - kể: “Xóm An Vũ ở gần sông Bình Bá, bên kia bờ sông là động cát có rừng dương rồi mới đến biển, nhưng rừng dương bị chặt hạ, sóng biển đánh thẳng vô xóm gây sạt lở, buộc người dân phải đi nơi khác”.

Tại thôn Mỹ Quang Nam, xã An Chấn, huyện Tuy An, vừa qua triều cường “nuốt” bảy ngôi nhà, biến xóm nhà thành bãi cát trắng. 

Rừng phi lao ven biển của huyện Tuy An bị chết khô
Rừng phi lao ven biển của huyện Tuy An bị chết khô

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2019, phi lao ven biển xã An Hòa Hải và An Ninh Đông của huyện Tuy An bị chết khô. Người dân địa phương cho biết, cây chết một phần do nắng hạn (tám tháng liền không mưa), một phần do người nuôi tôm bơm nước ngọt ra để trung hòa độ mặn cho hồ nuôi nên mạch nước ngầm xuống thấp, khiến cây chết nhanh và nhiều.

Theo báo cáo của UBND xã An Ninh Đông, có 56ha rừng phòng hộ chết, trong đó có 44ha rừng giao cho các hộ dân quản lý và 12ha rừng do UBND xã quản lý. 

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Trọng Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy An - cho hay phòng đang triển khai dự án trồng 40ha rừng phi lao ven biển từ xã An Hòa Hải qua xã An Ninh Đông. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cũng triển khai dự án trồng 7km rừng ngập mặn là cây đước ven đầm Ô Loan.

Ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên - cho biết tỉnh đang cơ cấu lại các loại rừng. Cụ thể, từ nay đến năm 2030, sẽ ổn định diện tích đất lâm nghiệp 276.046ha. Trong đó, đất rừng sản xuất là 153.869ha, đất rừng phòng hộ là 102.718ha và đất rừng đặc dụng 19.460ha. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh sẽ điều chuyển 3.742ha rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, tăng 450ha rừng phòng hộ ven biển.

Trâm Trân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI