Khói nhang miền biên viễn

18/02/2019 - 08:47

PNO - Sài Gòn xa biên giới phía Bắc tới gần 3.000km, chứ nếu gần, mẹ sẽ cho con đi với các cô chú, lên tận những điểm từng diễn ra chiến sự, để con khói nhang cảm ơn sự hy sinh của họ, vì từng tấc đất Tổ quốc.

Hôm qua, cửa hàng thép cạnh nhà thông báo có một nhân viên sau tết không quay trở lại. Ông chủ cho biết, cậu thợ ấy về quê nhập ngũ. Con trai tôi liền hỏi: "Phải anh ấy nhập ngũ đánh Trung Quốc không mẹ? Group Zalo của lớp con đang lao xao về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, nói rằng có thể sắp có chiến tranh". Tôi nói: "Không phải đâu con, anh ấy đủ 18 tuổi thì địa phương gọi lên đường nhập ngũ thôi". Con lại hỏi: "Thời bình mà cần bộ đội nhiều thế hả mẹ?". 

Khoi nhang mien bien vien
Tháng Hai biên giới vẫn luôn nghi ngút khói nhang - Ảnh: Trương Thúy Hằng   

Câu hỏi khờ khạo của cậu con 13 tuổi làm tôi lóe sáng ý định "giáo huấn" cho cháu ít kiến thức quốc phòng, về bài học sau nhiều lần mất cảnh giác với giặc phương Bắc, trong suốt chiều dài lịch sử. Gần nhất là thông tin về cuộc chiến bất ngờ ở biên giới phía Bắc vào tháng 2/1979 mà group lớp con đang xôn xao kia.

Suốt buổi tối, chúng tôi gần như chỉ nói chuyện chiến sự. Tôi kể con nghe những gì mình biết về giai đoạn từ sau năm 1975, về quan hệ Việt - Trung, Trung - Xô và Việt - Xô. Khi cơm không lành, canh không ngọt, người Việt buộc phải chọn một đồng minh, người bạn còn lại không hài lòng về điều ấy nên tức giận, đòi “dạy Việt Nam một bài học”.

"Vậy cũng gần giống bạn Quỳnh Lan buộc bạn Kiều Chi phải chọn Lan hay chọn con, rồi tức giận đúng không mẹ?" - con cười cười. Tôi nói với con rằng, câu chuyện kể lại cho dễ hiểu thì là thế, nhưng chính trị vốn phức tạp, với rất nhiều đầu mối sâu xa. Hiện nay, chúng ta đang lần giở quá khứ để tìm về với lịch sử. Sẽ phải có rất nhiều nhà khoa học tập hợp lại với nhau, sẽ cần rất nhiều nhân chứng trong những ghi chép có tâm ở các địa phương xảy ra chiến sự.

Việc chúng ta phải làm là tìm ra những sự thật chi tiết trong từng cuộc đàm phán ngoại giao, sự can thiệp quốc tế hay từng trận đánh, từng sách lược động binh hay rút quân, lui quân. Tất cả những gì các con đọc trên báo chí ngày hôm nay mới là sơ khởi. Nhưng có một sự thật không thể thay đổi là 60 vạn quân Trung Quốc đã tràn qua biên giới, tấn công phá hủy các thị xã, làng mạc, giết vô kể người dân Việt. Chúng ta cũng có những con số thiệt mạng khủng khiếp sau các trận đánh chống trả lính Trung Quốc, có trận thiệt mạng tới mấy trăm binh sĩ.

Khoi nhang mien bien vien
Tấm bia chủ quyền ở đồn Pha Long nhuốm máu của biết bao chiến sĩ. Ảnh: Trương Thuý Hằng 

Tôi nói với con, có ý kiến cho rằng, hãy quên quá khứ để cùng người Trung Quốc buôn bán, làm ăn, thu lợi nhuận từ du lịch, giống như chúng ta từng khép lại quá khứ với người Pháp và người Mỹ, đừng vì quá đau thương mà bác bỏ. Hãy xem đấy là một ý kiến cần bàn. Cô Kim Hạnh - một chuyên gia kinh tế - đang lo ngại về việc người Trung Quốc trúng thầu cung cấp hạ tầng mạng 5G, người Trung Quốc phủ kín các điểm du lịch, họ xây nhà máy, đền miếu ngay trên đất ta...

Như thế có nghĩa, có một cuộc chiến đáng sợ hơn thời 1979, cuộc chiến về kinh tế và công nghệ, thông tin nguy hiểm hơn cả đạo quân 60 vạn của 40 năm trước. Điều này cần sự quyết tâm không bị chèn ép, không lệ thuộc của những người trẻ. Và để có điều đó, chính các con phải học hành và chiến đấu bằng sự giỏi giang của mình. Thời bình, có thể không cần nhập ngũ như anh thợ nhà bên, các con cũng có rất nhiều cơ hội bảo vệ Tổ quốc.

Tôi mở Facebook cho con xem về những người bạn có thói quen đi dọc biên giới thắp nhang cho các liệt sĩ, mong họ có cái tết không lạnh lẽo. "Vì ngoại giao, vì kinh tế và vô số lý do nhạy cảm, lâu nay, lịch sử thờ ơ với những trận đánh, những máu xương của cha anh, nhưng thực tế ở các địa phương, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ trong cuộc chiến ấy chưa bao giờ nguội lạnh. 

Không chỉ người địa phương có thói quen này, tôi tìm cho con xem hình ảnh cô Hà, cô Hằng, chú Tôn... những người bạn đại học của tôi nghiêng mình trước lá cờ Tổ quốc ở các đài tưởng niệm. Sài Gòn xa biên giới phía Bắc tới gần 3.000km, chứ nếu gần, mẹ sẽ cho con đi với các cô chú, lên tận những điểm từng diễn ra chiến sự, để con khói nhang cảm ơn sự hy sinh của họ, vì từng tấc đất Tổ quốc.

Tháng Hai biên giới vẫn còn sót lại những cành lê trắng, bạn gái tôi lên biên giới cầm hoa đặt lên đài tưởng niệm Chi Ma, anh bạn khác chắp tay thắp nhang ở Pò Hèn, cô nhà văn nọ tổ chức tour đưa nhóm bạn lên Vị Xuyên... Khói nhang bảng lảng miền biên viễn, chỉ qua mấy tấm hình thôi mà làm cay mắt cả người ở nhà.

Minh Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI