Khởi nghiệp từ tình thương trẻ tự kỷ

12/04/2019 - 09:30

PNO - 28 tuổi, nhiều người còn loay hoay định hướng lối đi cho cuộc đời thì Đỗ Thị Nhị, hiệu trưởng ngôi trường đặc biệt, đã có con đường vững chắc của riêng mình.

Con đường được cô chọn lựa kể từ khi là một đứa trẻ, biết yêu thương, chia sẻ với những đứa trẻ tự kỷ, khuyết tật...

Tuổi thơ đầy nước mắt

Nhìn cơ ngơi của cô giáo Đỗ Thị Nhị, một trường mầm non chuyên biệt với cái tên Bình Minh, tại xã Đồng Nguyên (huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), ai cũng nghĩ rằng Nhị cũng là con của gia đình khá giả. Mấy ai biết, tuổi thơ của cô giáo dáng người gầy gò, nhỏ nhắn ấy là cả một quãng thời gian đầy gian khó.

Sớm mồ côi mẹ từ khi mới ba tuổi, bố cô đi bước nữa nên ký ức về gia đình của cô như bị xóa mờ sau những tháng ngày đi làm con nuôi quanh xã. Đến năm tuổi, Nhị mới trở về sống với bố. “Tôi nhớ như in, ngày nhỏ tôi không có nổi một đôi tất. Cho đến lớp Sáu mới có một đôi tất màu trắng xanh, thứ mà tôi ao ước từ lâu. Còn trong bao năm, tôi sống bằng những manh quần tấm áo thừa hàng xóm láng giềng cho. Đó là tấm áo để mặc vào ngày tết…”, Nhị bùi ngùi chia sẻ.

Để có tiền đi học, Nhị đã làm đủ mọi việc từ chăn trâu, cắt cỏ đến đánh giấy nhám thuê tại làng nghề Đồng Kỵ. Cùng với sự giúp đỡ của những người dân quê chất phác, con đường học hành của cô may mắn không bị gián đoạn. Nhị còn luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. 

Khoi nghiep tu tinh thuong tre tu ky
Cô Nhị và học sinh mới của trường Bình Minh

Nhị kể, ngày bé, trong những lúc chơi đùa, nhìn những đứa trẻ khuyết tật bị tách biệt khỏi nhóm bạn, cô thấy thương vô cùng. Cũng vì thế mà cô luôn tiếp cận, giúp đỡ những bạn như vậy có thể hòa đồng với những đứa trẻ khác. Từ cấp III, Nhị xác định sẽ trở thành cô giáo dạy trẻ khuyết tật. Bước chân đầu tiên của cô trên con đường đó là ngày quyết định đăng ký thi vào Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ngành giáo dục đặc biệt năm 2009. Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều người đã có lời mời cô giáo trẻ này ở lại Hà Nội dạy học với mức lương cao, nhưng Nhị đã từ chối để trở về quê hương.

Từ khi còn học đại học, cô đã mở những lớp học miễn phí cho các em nhỏ ở quê nhà. Cùng với đó là hành trình đi thăm, hoạt động từ thiện tại các cơ sở dành cho trẻ khuyết tật, cảm nhận sự thiệt thòi của các em, sự vất vả của phụ huynh nên quyết tâm gắn bó cùng những đứa trẻ có hoàn cảnh đặc biệt của Nhị càng thêm vững chắc.

Bình Minh của trẻ tự kỷ

Năm 2013, lớp học dành cho trẻ tự kỷ của Nhị bắt đầu những giờ học đầu tiên, từ căn phòng nhỏ. Đến năm 2016, Trường mầm non chuyên biệt Bình Minh được thành lập. Đây có thể được coi là bước đi khá liều lĩnh của Nhị bởi mọi thứ chỉ xuất phát từ tình yêu thương, muốn đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em khuyết tật, tự kỷ trong và ngoài tỉnh.

“Tôi đã phải làm thêm rất nhiều để tích cóp tiền cho dự án này. Thời sinh viên, sau giờ học tôi dạy thêm ở các trường mỗi ngày 3-4 ca nên mỗi tháng cũng có mười mấy triệu đồng. Tối về nhà lại nằm ngủ mê man, các bạn còn gọi tôi là “trâu” bởi mình làm việc nhiều quá”, Nhị cười và nói. 

Thời điểm trường mới mở, gặp rất nhiều khó khăn từ kinh phí, trang thiết bị cho đến giáo viên hỗ trợ. Nhưng trước sự chân thành của Nhị, các phụ huynh, những người làm thiện nguyện đã chung tay giúp đỡ để trường Bình Minh trở thành nơi mà trẻ tự kỷ có thể theo học. 

Nói về thực trạng của trẻ tự kỷ, Nhị cho rằng, hiện tại ở Việt Nam vẫn còn ít lớp học. Phụ huynh phải đi rất xa để tìm dịch vụ giáo dục đặc biệt, mong muốn con mình được can thiệp sớm nhất. Nhưng cũng không ít phụ huynh không thừa nhận con mình bị tự kỷ, họ cho rằng những đứa trẻ chỉ mắc bệnh, chậm nói hoặc chậm phát triển. 

“Trẻ tự kỷ là một dạng khuyết tật, cần phải có những biện pháp can thiệp đặc biệt, sớm nhất để đứa trẻ có thể phát triển. Tại trường Bình Minh, thay vì quá phụ thuộc vào các cô, chúng tôi lại nhấn mạnh vai trò của cha mẹ trong việc nuôi nấng, hướng dẫn các con bị tự kỷ ra sao. Chính cha mẹ mới là tác nhân quan trọng giúp cho các bé”, Nhị chia sẻ.

Tại ngôi trường đặc biệt này, những trẻ từ gia đình chính sách, phụ nữ đơn thân khó khăn, gia đình hộ nghèo diện đặc biệt, công nhân lao động nghèo luôn được trường hỗ trợ  từ 30-100% học phí và hằng năm luôn có 5-7 trẻ được tặng suất ăn trong sáu tháng. 

Trong Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức năm 2018, vượt qua khoảng 1.000 dự án, cô giáo trẻ Đỗ Thị Nhị đã được nhận giải xuất sắc cùng phần thưởng 100 triệu đồng.

Đề án của Nhị mang tên “Gieo mầm yêu thương để chắp cánh cho những ước mơ xanh”, đề cập thực trạng, xu thế gia tăng của trẻ khuyết tật, tự kỷ trên địa bàn tỉnh; nguyên nhân và đề xuất giải pháp xây dựng mô hình giáo dục trẻ khuyết tật, tự kỷ có áp dụng những phương pháp phổ biến và chuyên biệt; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là các phần mềm dành cho trẻ khuyết tật, phát triển mô hình gắn kết trẻ với môi trường thân thiện.


An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI