Khởi nghiệp từ gạo tươi

06/03/2022 - 13:57

PNO - Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, thường thấy người dân quê bị thương lái ép giá, anh Nguyễn Xuân Trường quyết tìm hướng đi mới nâng cao giá trị của lúa gạo.

Từ mô hình khởi nghiệp đến Tổ hợp tác tiêu thụ lúa gạo RVT

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất thuần nông nên anh Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1995, ở thôn Láng Nhớt, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) hiểu được thói quen sản xuất của người dân nơi đây. Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân 5 năm 2017, anh không theo ngành mà chọn cho mình một hướng đi mới. Đó là sản xuất gạo tươi và xem đó như một cách để nâng cao giá trị của cây lúa.

Anh Trường cho biết: “Gạo tươi là gạo xay trực tiếp từ nhà máy, có thể chế biến liền. Vì gạo không đánh bóng, không sử dụng chất bảo quản nên hạn sử dụng chỉ khoảng 45 ngày. Do đó, gạo xay đến đâu sẽ được tiêu thụ đến đó và chỉ xay khi có đơn hàng chứ không xay sẵn”.

Khách hàng chọn mua gạo tươi RVT được anh Trường đưa đi giới thiệu tại các phiên chợ thực phẩm an toàn
Khách hàng chọn mua gạo tươi RVT được anh Trường đưa đi giới thiệu tại các phiên chợ thực phẩm an toàn

Chia sẻ về ý tưởng ra đời sản phẩm, anh Trường cho biết: “Sau khi thu hoạch lúa xong, đa phần nông dân sẽ bán cho các đại lý, gia đình tôi cũng vậy. Tuy nhiên, thường bị thương lái mua ép giá nên dù năng suất có cao thì thu thập cũng không cải thiện được nhiều. Vì thế, tôi nghĩ cần phải chế biến và đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo thì bà con nông dân mới có thu nhập ổn định”.

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất thuần nông, anh Nguyễn Xuân Trường có niềm yêu quý đặc biệt với cây lúa
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất thuần nông, anh Nguyễn Xuân Trường có niềm yêu quý đặc biệt với cây lúa

Vừa tham gia công tác tại xã đoàn Diên Tân, vừa là tổ trưởng Tổ hợp tác khởi nghiệp thanh niên Diên Khánh, anh Trường chọn cây lúa để xây dựng mô hình khởi nghiệp cho bản thân. Đầu năm 2019, anh bắt tay vào sản xuất gạo tươi để phát triển kinh tế gia đình. Sau khi tìm hiểu các giống lúa có chất lượng cao như Đài Thơm 8, Hương Châu, RVT… anh nhập về thử sản xuất gạo và đưa ra thị trường để thăm dò. Trong đó, gạo RVT được đánh giá cao hơn vì chất lượng cơm ngon, không bị cứng, thơm dịu, gạo có lớp cám dày và có giá trị dinh dưỡng cao.

Sản phẩm gạo tươi RVT được thị trường ưa chuộng
Sản phẩm gạo tươi RVT được thị trường ưa chuộng

Anh cho biết tuy giống lúa này chất lượng gạo cao nhưng sản lượng so với các giống khác thì thấp hơn nên người dân địa phương không mấy mặn mà. Chính vì vậy, anh đã nhập giống F1 từ Đắk Lắk về và trồng thử trên diện tích canh tác của gia đình. May mắn, cây lúa lại rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; các bệnh như đạo ôn, đốm vàng thường gặp thì giống này ít khi xuất hiện nên ruộng lúa đạt chất lượng cao. Tuy nhiên, vì là lúa thơm, dẻo nên rầy khá nhiều, vì vậy phải có biện pháp phòng ngừa và xử lý để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Sau 115 ngày gieo trồng, anh thu hoạch vụ lúa đầu tiên. Đến nay, gia đình anh sản xuất giống lúa này mỗi năm 2 vụ đông xuân và hè thu. Theo ông Nguyễn Xuân Ngân, ba anh Trường, thì khác với những giống lúa khác, lúa RVT phải thu hoạch khi độ chín của lúa khoảng 95% để đảm bảo chất lượng của hạt gạo.

Cây lúa RVT phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nên phù hợp sản xuất tại địa phương
Giống lúa RVT phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nên phù hợp sản xuất tại địa phương

Với mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo địa phương, anh vận động, thuyết phục người dân trong xã cùng sản xuất giống lúa RVT, rồi thu hoạch, chế biến, đóng gói và đem đi giới thiệu, quảng bá. Từ mô hình khởi nghiệp của anh, năm 2020, xã đã thành lập Tổ hợp tác tiêu thụ lúa gạo RVT do anh Trường làm tổ trưởng để hỗ trợ bà con nông dân. Tổ sẽ cung cấp giống, đến kỳ thu hoạch, lúa RVT của nông dân sẽ được bao tiêu sản phẩm với giá ký hợp đồng cho từng vụ. Hiện nay, toàn xã có 25 hộ thuộc 3 thôn đang trồng giống lúa này, chiếm khoảng 30% diện tích sản xuất lúa tại địa phương.

Bà Phan Thị Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội nông dân xã Diên Tân cho biết: “Bà con nông dân ở địa phương đã bắt đầu chuyển đổi một số diện tích trồng lúa khác sang trồng giống lúa RVT và sẽ tiếp tục mở rộng thêm trong thời gian tới. Giá lúa này được mua vào cao hơn từ 2.000 - 2.500 đồng/kg nên nông dân có thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, tổ hợp tác bao tiêu sản phẩm nên bà con nông dân yên tâm sản xuất mà không phải lo lắng về đầu ra”.

Gạo tươi là gạo xay trực tiếp từ nhà máy, có thể chế biến liền
Gạo tươi là gạo xay trực tiếp từ nhà máy, có thể chế biến liền

Đưa gạo tươi ra phố

Dù gặp không ít khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, thế nhưng anh Trường vẫn quyết tâm thực hiện đến cùng. Những ngày đầu, để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, anh tìm đến các đại lý gạo ở TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh, đăng bán lẻ trên trang mạng xã hội. Ngoài ra, anh tham gia tất cả các phiên chợ do Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Khánh Hòa tổ chức. Dần dần, gạo RVT được nhiều người biết đến, còn được Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh chọn là sản phẩm tiêu biểu của huyện tham gia Phiên chợ thực phẩm an toàn hàng năm.

 

Anh Trường đầu tư hệ thống xay xát liên hoàn để chủ động trong việc sản xuất.
Anh Trường đầu tư hệ thống xay xát liên hoàn để chủ động trong việc sản xuất

Trong một lần tham gia phiên chợ, chị Lê Mai Anh (TP. Nha Trang) đã mua gạo tươi RVT về dùng thử, rồi sau đó quyết định sử dụng sản phẩm này cho gia đình đến tận bây giờ. “Loại gạo này nấu cơm ăn ngọt, thơm, dẻo hơn so với các loại gạo khác; khi vo lớp cám còn rất nhiều, đúng kiểu gạo quê nên tôi rất thích” - chị Mai Anh cho biết.

Sau khi có đầu ra ổn định, tháng 6/2021 anh đầu tư hệ thống xay xát liên hoàn để chủ động trong việc sản xuất. Gạo được xát ra và đóng gói tại chỗ, mỗi bao từ 5-10kg để khách hàng dễ sử dụng. 

Thị trường tiêu thụ hiện nay chủ yếu trong tỉnh, thế nhưng lượng gạo sản xuất ra không đủ cung ứng. Thông thường, khoảng 4 tháng sau thu hoạch, lượng gạo đã tiêu thụ hết nên có những tháng “cháy hàng”. Vì vậy, hiện nay, tổ hợp tác đang tiếp tục vận động người dân địa phương mở rộng sản xuất giống lúa này.

Không chỉ sản xuất gạo tươi, đáp ứng nhu cầu của thị trường, anh Trường cũng đang ấp ủ dự định thực hiện mô hình nông nghiệp du lịch tại địa phương để tăng thu nhập cho người dân quê mình.

Mô hình khởi nghiệp từ gạo tươi của anh Nguyễn Xuân Trường

 

Huyền Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI