Khởi nghiệp - sức sống mới của nền kinh tế thị trường non trẻ

29/12/2017 - 07:33

PNO - TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Quản lý kinh tế Trung ương - đánh giá 2018 là năm bản lề có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Sáng 28/12, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng cho biết, Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng năm 2018 ở con số 6,7%. Đây là con số thận trọng  nhưng đặc biệt hơn hết là Chính phủ nỗ lực, quyết tâm tái cơ cấu lại nền kinh tế. 

Mệnh lệnh của Thủ tướng: tới năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp. Năm 2018 sẽ tập trung cho khởi nghiệp sáng tạo với các dự án hướng tới thành phẩm sạch và có thể xuất khẩu.

Thương vụ Sabeco đình đám gần đây cũng cho thấy Việt Nam đang phấn đấu dấn sâu vào cuộc chơi tầm vóc hơn. Chúng ta bán một thương hiệu lớn song cách mạng công nghiệp 4.0 càng mở ra điều kiện phát triển kinh doanh theo xu thế mới và cần xuất hiện các doanh nghiệp mới, với sản phẩm chất lượng và công nghệ sáng tạo. 

Để có những thương hiệu lớn như Sabeco mai sau thì cần phải có những doanh nghiệp nhỏ bắt đầu từ hôm nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định: “Hoạt động khởi nghiệp phải liên tục và dài hơi”. 

Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng đại điện, kiêm Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Ventures Nhật Bản tại Việt Nam và Thái Lan cho biết: “Startup (tạm dịch khởi nghiệp) là trở thành chủ doanh nghiệp nhưng phải cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ở quy mô lớn cho thị trường”.  

Khoi nghiep - suc song moi cua nen kinh te thi truong non tre
 

Anh Phạm Văn Tam, chủ nhân thương hiệu ti vi Asanzo, đã phủ sóng thị trường nông thôn với sản phẩm giá rẻ (Led Asanzo 32inch HD 3,2 triệu đồng) và còn xuất đi các thị trường như Cuba, Lào, đặc biệt là sức tiêu thụ tại thị trường Campuchia vẫn đang tăng mạnh, cho biết: “Tôi từng mất 2-3 năm gõ cửa, năn nỉ các cửa hàng, trung tâm điện máy ở TP.HCM, không ai nhận ký gửi sản phẩm và tôi đành quay sang thị trường nông thôn”.

Điều đáng nói là trước khi làm nên thương hiệu của riêng mình, Phạm Văn Tam có hơn chục năm làm trong ngành kinh doanh ti vi nguyên chiếc và linh kiện kể từ năm 2001. Anh may mắn bén cái duyên này trước khi các ông lớn như Samsung, LG, Sony tràn vào. 

Do đó, có thể nói anh nắm rõ thị trường, từ khâu đầu tiên như linh kiện, lắp ráp, đến khâu cuối cùng là phân phối. Năm 2013, khi nhiều dòng ti vi ồ ạt đổ vào Việt Nam, Phạm Văn Tam đầu tư 20 triệu USD vào dây chuyền sản xuất để tạo ra một ti vi mang thương hiệu Việt. 

Sau ba năm kể từ khi tung lô hàng đầu tiên ra thị trường (năm 2014), đến năm 2016, thị trường đã tiêu thụ 500.000 ti vi Asanzo (công ty còn sản xuất các mặt hàng khác như điện gia dụng và điện lạnh). Tổng doanh thu đạt hơn 2.500 tỷ đồng và chiếm 10% thị phần. 

Anh Tam cho biết, nếu không có những lần mua đi bán lại, những lần thất bại rồi đứng lên, từng bước tiến lên trong thị trường thì anh sẽ không có cơ hội để sản xuất một chiếc ti vi thương hiệu Việt. 

Không chỉ có các sản phẩm điện máy, điện gia dụng hay nhiều sản phẩm quen thuộc, dòng sản phẩm Nhang Thiền, Nhang Xanh cũng giúp doanh nhân 9X Nguyễn Văn Thiện thành công. 

Anh cho biết, khi nhận thấy ở Việt Nam thị trường này chưa phát triển và phổ biến vì còn kén người dùng, năm 2014, anh mạnh dạn sản xuất và  tìm đường xuất khẩu. Anh cùng các thành viên sáng lập đầu tư xây dựng xưởng, đầu tư thiết bị để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu ngày càng tăng. 

Nhờ đó, lợi nhuận từ việc xuất khẩu đã đủ bù chi phí sản xuất. Đến nay, sản phẩm đã xuất đi trên 40 nước. Các thị trường lớn nhất là Trung Đông, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Bắc Mỹ, châu Âu... Đơn hàng lớn nhất từ trước đến nay là xuất sang Trung Đông năm 2016 với giá trị trong một đợt lên đến 3 tỷ đồng.

Khoi nghiep - suc song moi cua nen kinh te thi truong non tre
 

Đam mê và tâm huyết là vậy nhưng hiếm ai khởi nghiệp thành công ngay. Chị Nguyễn Thu Hồng khởi nghiệp với “Chả cá Hồng” chia sẻ, chị gặp khó khăn về trang thiết bị, nguyên liệu đầu vào và cả tài liệu nghiên cứu để cho ra món chả cá đúng như ý muốn. 

Chị kể về hành trình chọn thị trường Nhật trước khi tung sản phẩm ra thị trường trong nước: “Mình bắt đầu mang chả cá sang Nhật bán với giá 400.000đ/kg, mỗi lần qua Nhật mình đều mang 30-40kg chả cá. Hành lí bao giờ cũng một ba-lô, một va-li nhỏ và hai va-li to chả cá. Có khi qua tháng Hai thời tiết rất lạnh, tay tê cóng, môi nứt chảy máu mà vẫn kéo lê chạy tàu với đống hành lí “khủng” cực ứa nước mắt. Sau hai năm, mình bị đau nhức cột sống do mang vác quá mức”. Rồi chị tìm cách để đưa sản phẩm ra thị trường Việt Nam.

“Ban ngày làm việc cơ quan, tối về làm chả cá đến 2g sáng, 5g sáng bắt đầu đóng hàng (chủ yếu bán qua Facebook). Quá trình này kéo dài khoảng một tháng thì mình phải nhập viện vì mất sức mà quan trọng hơn là hiệu quả kinh tế lại kém… Nhận ra sai lầm và mình đã thay đổi chiến lược, mỗi người một việc, hoạch định rõ ràng, và ai trong nhóm cũng cam kết chịu khổ và trung thành với mục tiêu của dự án (đây là một câu chuyện dài khác). Sau một thời gian vật lộn để tồn tại, nhóm đã tiếp cận được nhà đầu tư tầm cỡ có cùng nhiệt huyết vì cộng đồng. Nhà đầu tư cùng mình đã qua Nhật để gặp gỡ với CEO của công ty sản xuất chả cá top đầu của Nhật và giáo sư của mình để hợp tác phát triển chả cá tại Việt Nam với việc cùng thành lập công ty CARAFOODS… Con đường phía trước của chả cá còn lắm gian truân, không chỉ vì lợi nhuận, mình thật sự mong muốn sẽ làm ra một sản phẩm chất lượng mang thương hiệu made in Vietnam”, chị cho biết.

Chỉ có hiểu biết của một người nghiên cứu làm chả cá không đủ để giúp sản phẩm trụ được trên thị trường, chị xin học bổng thương mại hóa của Quỹ Newton. Và chị Hồng đang du học tại Anh để bán chả cá... chuyên nghiệp, mong muốn bắt kịp xu hướng sản xuất, kinh doanh hiện đại.

Hiện nay, cộng đồng khởi nghiệp phát triển, Chính phủ  đã chủ động tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua nới lỏng thủ tục hành chính, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp trẻ.

Song, cộng đồng khởi nghiệp cần tự vận động để hiểu rõ quy luật, nhu cầu thị trường, đặc biệt cần có sự hỗ trợ đắc lực hơn nữa từ các quỹ đầu tư, thông qua tác động ở tầm chính phủ.

Bởi thực tế, “90% dự án khởi nghiệp không thành công vì không đảm bảo được nguồn tài chính để vận hành”, Lê Đăng Khoa, chủ nhân của nhiều thương hiệu như Làng tre Việt, 38 degree Flower Tea Market House nói. 

Bảo Uyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI