Khởi nghiệp ngay trong đại dịch

14/02/2022 - 07:04

PNO - Tạo dựng doanh nghiệp ngay trong khoảng thời gian dịch bệnh diễn biến khốc liệt nhất, các doanh nhân này tin tưởng sẽ đạt sự tăng trưởng tốt trong năm 2022.

Khởi nghiệp bằng nông sản
Quyết định khởi nghiệp trong những ngày tháng bùng phát dịch COVID-19, lựa chọn sản phẩm từ cây sen, Lưu Việt Chương - Giám đốc Công ty TNHH Đất Phú - tập trung suy nghĩ về việc phải làm gì để có thể tạo ra các sản phẩm có yếu tố khác biệt hơn là lo về những trở ngại của dịch bệnh hay những rủi ro từ loại nông sản mình lựa chọn. Các sản phẩm sen sấy nước cốt dừa, trà tim sen sao vàng hạ thổ, sen bọc sô-cô-la, sen khô, sen lứt, sữa hạt sen, nhang sen kết hợp thảo mộc, đồ thủ công làm từ lá sen… đều được làm theo cách “lạ”, từ khâu chế biến đến đóng gói. 

Anh Lưu Việt Chương chia sẻ: “Thay vì sấy theo cách thông thường là rang hoặc chiên hạt sen rồi sấy nhiệt, tôi chọn công nghệ sấy thăng hoa, tức là luộc hạt sen, trộn với nước cốt dừa, cấp đông rồi mới sấy, do đó giữ được cấu trúc và hương vị của hạt sen tốt hơn”.  

Nhờ khởi nghiệp với sản phẩm tương ớt lên men cổ truyền,  anh Lê Minh Cương đã tăng thu mua ớt tươi giúp nông dân quê mình
Nhờ khởi nghiệp với sản phẩm tương ớt lên men cổ truyền, anh Lê Minh Cương đã tăng thu mua ớt tươi giúp nông dân quê mình

Thừa nhận sản phẩm từ sen đã có khá nhiều trên thị trường nhưng anh vẫn tin rằng, những sản phẩm quen mà lạ của mình sẽ được khách hàng, đặc biệt là người từ 25-40 tuổi, lựa chọn. Thay vì đóng gói theo cách đại trà, nhang sen của anh được làm theo hình lục giác ghép từ sáu hình tam giác với sáu hương thơm khác nhau với sự phối trộn giữa quế, tràm, khuynh diệp. Sau sen sấy nước cốt dừa, anh dự định sẽ tiếp tục đưa ra thị trường sản phẩm sen sấy phô mai, ca cao, cà phê. Sản phẩm mới nhất nhắm đến thị trường dịp lễ Valentine này là hạt sen bọc sô-cô-la với thiết kế bao bì hiện đại hình thiên nga bắt mắt. Thực tế, không mất quá nhiều thời gian, sản phẩm của anh đã có mặt khắp cả nước. Dịp tết vừa qua, doanh số bán hàng cũng tăng vọt. Lưu Việt Chương cho biết, anh đặt mục tiêu biến tất cả các bộ phận của cây sen thành sản phẩm bán được. Thân, lá, hoa, hạt, củ sen sẽ thành trà hay đồ thủ công mỹ nghệ, được phân phối tại các kênh bán lẻ truyền thống hoặc bán online và hướng đến xuất khẩu trong năm nay. 

Nhiều lần chứng kiến giá ớt rớt thê thảm do lệ thuộc thương lái và thị trường xuất khẩu khiến bà con phải phá bỏ ruộng ớt, Lê Minh Cương - Giám đốc, nhà sáng lập dự án tương ớt cổ truyền Spico - quyết tìm ra cách thức gia tăng giá trị cho loại nông sản này. Thương hiệu tương ớt Spico ra đời từ quyết tâm đó, bao gồm những sản phẩm bán thủ công và không dùng chất bảo quản. Trong đợt dịch vừa qua, nông dân không tiêu thụ kịp ớt tươi, Lê Minh Cương đã nghiên cứu được cách tăng thời gian bảo quản nguyên liệu lên đến 6-9 tháng, ớt chẳng những không bị hư hỏng mà còn cho hương vị ngon hơn. Nhờ vậy, anh đã nâng lượng nguyên liệu thu mua của nông dân ở Thanh Hóa quê mình từ 3 tấn/vụ lên 7-8 tấn/vụ, sản phẩm làm ra cũng được phân phối khắp cả nước bằng cả kênh bán hàng trực tiếp lẫn trực tuyến. 

Nhờ sự đa dạng nên các sản phẩm của anh được khách hàng thuộc mọi phân khúc, ở các vùng miền khác nhau lựa chọn, gồm tương ớt vị Bắc, vị Nam, tương ớt ít cay, tương ớt cay đặc biệt, tương chay, tương ớt cho trẻ em… “Tương ớt vị Bắc chua, hăng; tương ớt vị Nam có nhiều mắm cốt, vị ngọt đậm hơn; tương ớt cho trẻ em ít cay, thành phần chủ yếu là rau củ (bí đỏ, cà chua, dưa hấu), mật hoa dừa để vừa kích thích vị giác, vừa giàu dinh dưỡng. Đặc biệt, các sản phẩm đều không pha bột ngọt, các chất điều vị, không dùng chất bảo quản” - Lê Minh Cương hào hứng nói về những sản phẩm của mình.

Anh Lưu Việt Chương giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp từ sen tại phiên chợ Xanh tử tế
Anh Lưu Việt Chương giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp từ sen tại phiên chợ Xanh tử tế

Ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO thương hiệu Meet More Coffee - cho rằng năm 2022 là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp (DN). Thế giới hiện đã thích nghi, sống chung với dịch COVID-19 và bắt nhịp, kinh doanh bình thường, nhiều quốc gia đang tìm những chuỗi cung ứng mới, sản phẩm mới từ các nước, tạo cơ hội cho việc xuất khẩu. Với nguồn nông sản dồi dào, Việt Nam có thể đẩy mạnh việc xuất khẩu thực phẩm ra các nước nếu đáp ứng được các yêu cầu về an toàn thực phẩm.

Cần sự hỗ trợ

Trước nay, Công ty Đất Phú chỉ lấy nguyên liệu sen từ tỉnh Phú Yên nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Anh Lưu Việt Chương đang có kế hoạch mở rộng quy mô, sử dụng nguồn sen từ nhiều địa phương khác trong nước. Trong tương lai, anh muốn phát triển thêm các sản phẩm làm từ đặc sản của mỗi vùng miền trên cả nước. Công ty anh bắt đầu sấy trái xoài Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) và một số đối tác trong, ngoài nước đã đặt hàng sản phẩm.

Anh Lưu Việt Chương giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp từ sen tại phiên chợ Xanh tử tế ẢNH: N.CẨM
Anh Lưu Việt Chương giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp từ sen tại phiên chợ Xanh tử tế Ảnh: N.Cẩm

“Vừa rồi, một số lô hàng hạt sen được Việt kiều mang sang Mỹ bán trong cửa hàng được thị trường đón nhận khá tích cực nên trong năm nay, chúng tôi sẽ xúc tiến kế hoạch xuất khẩu xoài sấy sang Nhật, Hàn Quốc, Mỹ… khi hoàn thiện các tiêu chuẩn ISO, HACCP cho sản phẩm. Tôi đặt mục tiêu đưa hạt sen của Việt Nam đi khắp thế giới, trước mắt là tìm cách đưa được các sản phẩm lên máy bay của một hãng hàng không để tiếp cận du khách quốc tế nhanh nhất, họ sẽ giúp mình quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn. Từng trưng bày sản phẩm trong hệ thống cửa hàng thời trang Uniqlo, được nhiều khách nước ngoài biết và mua nên tôi tin vào hướng đi của mình” - anh Lưu Việt Chương nói. 

Theo anh Lê Minh Cương, xưởng sản xuất của công ty trước nay chỉ rộng khoảng 200m2, giờ thị trường đã lớn hơn rất nhiều nên quy mô phải tăng lên trên 500m2 mới đủ đáp ứng những kế hoạch xuất khẩu sản phẩm. Năm nay, kinh tế hồi phục, các đối tác nước ngoài sẽ tìm kiếm những DN khởi nghiệp. Đây là cơ hội cho công ty, nhưng từ khâu thương thảo đến ký kết hợp đồng cũng mất 6-12 tháng.  Anh nói: “Với thị trường trong nước, chúng tôi không tăng giá sản phẩm dù giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển đều tăng nên rất cần sự hỗ trợ từ Nhà nước. Đặc biệt, DN khởi nghiệp sản xuất gặp khó khăn ở dây chuyền công nghệ nên mong Nhà nước đơn giản hóa các thủ tục và có sự quan tâm hơn đến các sản phẩm địa phương mang tính sáng tạo, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”. 

Ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, những DN khởi nghiệp đều có sự sáng tạo không ngừng và mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tiếp sức từ Nhà nước để sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị, đặc biệt là các sản phẩm giúp nâng cao giá trị nông sản Việt. DN mong muốn Chính phủ có các chính sách phù hợp với thực tế. Một trong những động thái của Chính phủ giúp DN có niềm tin trở lại là chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%, áp dụng từ tháng 2/2022 hay các gói hỗ trợ DN, kích thích tiêu dùng. Hơn 80% DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ. Nhà nước nên ưu tiên hỗ trợ họ để khi kinh tế hồi phục, họ sẽ đóng góp hiệu quả trở lại cho ngân sách Nhà nước. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI