Kể câu chuyện văn hóa Việt với thế giới - Bài 7:

Khơi mạch, nguồn văn hóa

25/12/2023 - 07:08

PNO - Quảng bá văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong chiến lược thực hiện chính sách đối ngoại, là “sức mạnh mềm” để phát triển đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.

LTS: Việc quảng bá văn hóa được Đảng và Nhà nước xem như “mũi nhọn”, là “sức mạnh mềm” góp phần định vị giá trị, tạo nên thương hiệu quốc gia trước bạn bè quốc tế. Cùng với đó, “Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam” là một trong những nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (được Chính phủ ban hành vào ngày 12/11/2021).

Và, nội dung Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 cũng nêu rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Bằng nhiều cách, câu chuyện văn hóa Việt đang được kể với thế giới.

 

 

Bài 1: Ẩm thực Việt tìm đường ra biển lớn

Bài 2: Dấu ấn quốc tế của múa rối nước, xiếc tre...

Bài 3: Điện ảnh nỗ lực vì chiều sâu văn hóa, con người

Bài  4: Thời trang và điểm nhấn từ giá trị truyền thống

Bài 5: Âm nhạc và những bước chân ra “biển lớn”

Bài  6: Hành trình của sách Việt

Mạch ngầm văn hóa Việt

Tờ Stuttgarter Nachrichten (Đức) nhận định: Việt Nam không chỉ có nền ẩm thực đặc sắc mà còn có sức hấp dẫn của văn hóa di sản, văn hóa đặc trưng vùng miền, văn hóa sông nước, những khu phố cổ mang tính lịch sử với những con phố nhỏ…

Teh Dar - chương trình với những sáng tạo giúp định hình “nghệ thuật xiếc tre Việt Nam” với thế giới  - Nguồn ảnh: Lune Production
Teh Dar - chương trình với những sáng tạo giúp định hình “nghệ thuật xiếc tre Việt Nam” với thế giới - Nguồn ảnh: Lune Production

Thời đại 4.0, việc ứng dụng công nghệ số để quảng bá văn hóa Việt ra thế giới trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết. Mạng xã hội là công cụ tuyệt vời để những người làm công việc sáng tạo mở rộng sự hiện diện và tiếng nói của mình với bạn bè quốc tế. Ngày càng có nhiều sản phẩm văn hóa dự festival văn hóa, show diễn thời trang, liên hoan phim (LHP) quốc tế… hoặc lan tỏa từ mạng xã hội, phương tiện truyền thông số… Nhiều sản phẩm đã chinh phục khán giả quốc tế và tạo tiếng vang mạnh mẽ.

Chúng ta có thể tự hào khi nhìn thấy những bạn trẻ, người nổi tiếng thế giới biểu diễn Vũ điệu rửa tay do Quang Đăng biên đạo trên nền nhạc bài hát của nhạc sĩ Khắc Hưng ở thời điểm dịch COVID-19 hoành hành; giai điệu của ca khúc See tình vang lên ở các quốc gia, trong nhiều sự kiện khác nhau. Dệt nên triều đại - tập sách song ngữ Việt - Anh giới thiệu trang phục Việt Nam triều Lê sơ thế kỷ XV, giai đoạn 1437-1471 của Vietnam Centre đã được đưa vào Thư viện Quốc gia Úc, Thư viện Đại học Harvard. Các trang phục triều Lê sơ do Vietnam Centre phục dựng được trưng bày tại Smithsonian - Bảo tàng Quốc gia nghệ thuật châu Á tại Mỹ. Các nhà thiết kế Việt với những bộ sưu tập kết hợp văn hóa Việt Nam và xu hướng thời trang thế giới có Nguyễn Công Trí, Hồ Trần Dạ Thảo, Phan Đăng Hoàng…

Đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong việc tăng cường hoạt động quảng bá văn hóa, song một số chuyên gia vẫn cho rằng việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới chưa được như kỳ vọng và tiềm năng văn hóa của đất nước. Theo đại biểu Quốc hội, phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn: “Khó khăn lớn nhất vẫn là nguồn lực. Chúng ta thiếu cả nguồn lực về tài chính, cơ sở vật chất và con người cho hoạt động này”. 

Thực tế cũng cho thấy, trừ những chương trình quảng bá văn hóa Việt Nam thông qua con đường ngoại giao, giao lưu văn hóa… đến thời điểm này, những sản phẩm văn hóa, “thương hiệu” Việt đang gây được sự chú ý lớn với bạn bè thế giới đa phần vẫn chỉ là từ sự nỗ lực và sự năng động của cá nhân hoặc các nhà sản xuất tư nhân.

Đơn cử ở lĩnh vực điện ảnh. Cuộc thi phim ngắn CJ - mô hình từ Hàn Quốc - đã phát hiện, chắp cánh cho tác phẩm của nhiều tài năng trẻ điện ảnh Việt Nam. Ra mắt năm 2018, đến nay các phim được lựa chọn từ cuộc thi này đã trình chiếu và đoạt giải tại hơn 50 LHP thế giới như LHP Berlin, Venice, Cannes Rotterdam, Locarno, Busan, Singapore… Đây cũng chính là nơi đưa tên tuổi Phạm Thiên Ân “xuất ngoại” với Hãy tỉnh thức và sẵn sàng - đoạt giải Illy tại Tuần lễ đạo diễn, LHP Cannes 2019.

Ngày 13/12, TasteAtlas công bố danh sách 100 nền ẩm thực ngon nhất thế giới 2023 (100 Best Cuisines in the World) nhằm vinh danh ẩm thực toàn cầu và góp phần gợi ý các chuyến đi khám phá ẩm thực cho khách du lịch quốc tế. Việt Nam xếp vị trí 22 với số điểm trung bình 4,44/5. Các món ăn được nhắc nhiều như phở bò, bún chả, bánh hỏi, nem rán, bánh xèo, bún bò Huế, bò kho

Luật Điện ảnh 2022 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, nhưng quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh chưa được xúc tiến và khả năng thực hiện của quỹ vẫn còn chờ hướng dẫn về nguồn thu, cách vận hành… Hiện tại, các phim độc lập Việt đa phần phải tìm nguồn hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài hoặc quỹ từ cộng đồng điện ảnh độc lập của Việt Nam. Kinh phí làm phim Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân (đoạt giải Camera d’Or tại LHP Cannes 2023) do Ủy ban Điện ảnh Singapore và một số đơn vị nước ngoài tài trợ. Quỹ điện ảnh Busan Hàn Quốc hỗ trợ đạo diễn Hà Lệ Diễm kinh phí để hoàn chỉnh Những đứa trẻ trong sương để rồi phim giành hàng chục giải tại các LHP quốc tế và xuất sắc là phim đầu tiên của Việt Nam lọt vào tốp 15 phim tài liệu tranh giải Oscar 2023.

BST của NTK Thế Huy và Hải Long giới thiệu tại Tuần lễ Thời trang New York vào năm 2022 (Ảnh: Nhân  vật  cung  cấp
BST của NTK Thế Huy và Hải Long giới thiệu tại Tuần lễ Thời trang New York vào năm 2022 (Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Sức mạnh mềm” văn hóa

Quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt là trong việc lan tỏa sức mạnh mềm, xây dựng bản lĩnh, sự tự tin cho văn hóa, con người Việt Nam, hình thành thương hiệu cho các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, đồng thời hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm qua, qua nhiều kỳ đại hội, ở nhiều nghị quyết và văn bản khác nhau, quảng bá văn hóa Việt Nam luôn được nhấn mạnh. Sự thành công của chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu của Hàn Quốc trở thành mẫu mực của nhiều quốc gia.

Nền công nghiệp văn hóa Hàn Quốc đã đạt nhiều thành tích đáng nể. Theo Viện Nghiên cứu Hyundai, chỉ riêng nhóm nhạc BTS đã mang về hơn 3,6 tỉ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm. Khoảng 7% khách du lịch đến Hàn Quốc chỉ vì BTS. Thời trang Hàn Quốc, ẩm thực Hàn Quốc, âm nhạc Hàn Quốc… được công chúng ở nhiều quốc gia ưa chuộng.

Sức mạnh của một đất nước không chỉ là năng lực quốc gia mà còn ở tầm ảnh hưởng. Và một trong những yếu tố lan tỏa nhanh nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất đến số đông công chúng chính là văn hóa. “Văn hóa giờ đây không đơn thuần chỉ là những giá trị tinh thần mà còn mang lại những lợi ích về kinh tế, chính trị, có tác động lan tỏa với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - đại biểu Quốc hội, phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Hoài Sơn khẳng định. 

Hàn Quốc tận dụng mọi thế mạnh để xuất khẩu văn hóa

Từ BTS đến Ký sinh trùng, Squid Game và hàng loạt các sản phẩm âm nhạc, phim ảnh, truyện tranh nổi tiếng khác đã giúp Hàn Quốc đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu văn hóa toàn cầu.

Báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc hồi đầu năm 2023 cho thấy doanh thu từ xuất khẩu văn hóa của nước này đạt mức cao nhất mọi thời đại: 12,45 tỉ USD vào năm 2021, tăng 4,4% so với năm 2020. Thống kê của Cục Hải quan Hàn Quốc tiếp tục khẳng định sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa khi lượng xuất khẩu album K-pop trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục 132 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Blackpink diện trang phục hanbok cách tân  trong MV How you like that
Blackpink diện trang phục hanbok cách tân trong MV How you like that

Sự thành công trong xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc không đến một sớm một chiều mà là sự kết hợp sức mạnh truyền thông và các dịch vụ phát trực tuyến, xóa bỏ biên giới văn hóa và rào cản ngôn ngữ để mở rộng thị trường. Điều này được thể hiện rõ nét trong ngành phim ảnh và âm nhạc - 2 lĩnh vực thế mạnh chiếm doanh thu cao trong tỉ lệ xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc.

Từ những năm 2000, các hãng âm nhạc và tập đoàn giải trí đã nhem nhóm mở rộng thị trường ra toàn cầu. Đến nay, mong ước đó đã thành hiện thực khi BTS, Blackpink, Twice… đã có vị trí đáng kể trong làng nhạc thế giới.

Thành công của phim Hàn cho thấy sự tận dụng triệt để sức ảnh hưởng toàn cầu của các nền tảng phát trực tuyến như Netflix và Disney+, cùng với việc khai thác nội dung mới lạ và đào tạo đội ngũ sáng tạo bài bản. Chính điều này tạo tiền đề cho một thế hệ đạo diễn tài năng ra đời như Bong Joon Ho, Kim Jee Woon… Họ chứng tỏ sự tài hoa khi kết hợp nhuần nhuyễn văn hóa Đông - Tây, qua đó giới thiệu những món ăn đặc trưng của dân tộc như kim chi, tokbokki, kimbap hay các sản phẩm công nghệ, mỹ phẩm, thời trang, du lịch… để từng bước định hình thương hiệu Hàn Quốc trong tâm trí người tiêu dùng khắp toàn cầu.

Chung Thu Hương

Hoa Nguyễn

 

Bài cuối: Phát triển công nghiệp văn hóa để quảng bá văn hóa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI