|
Học sinh Trường tiểu học Hiệp Tân giới thiệu các loại rau với phụ huynh |
Gieo mầm nhân ái
Đây chính là những món quà Vân góp cùng cả lớp để tặng cho 1 bạn học sinh khó khăn theo chương trình “Vì bạn nghèo vui tết” của trường. Vân nói: “Mỗi ngày, mẹ cho em 20.000 đồng ăn sáng nhưng em chỉ ăn một nửa, một nửa để dành mua đồ tặng các bạn. Em rất vui khi mình góp được một phần nhỏ cho các bạn có cái tết đủ đầy hơn”.
Khệ nệ mang chai nước mắm, bịch bột nêm đến lớp, em Hoàng Phước Bảo Anh - học sinh lớp 8/1 - cho biết, em và các bạn trong tổ đã thảo luận và đề xuất những nhu yếu phẩm cần thiết. Mỗi bạn chủ động tiết kiệm để tham gia. Cả lớp đều rất vui khi có thể đồng hành cùng những bạn có hoàn cảnh khó khăn trong mùa tết.
Ông Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay, trường cung cấp cho các lớp danh sách những học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật… của trường. Học sinh và giáo viên chủ nhiệm trao đổi và thống nhất trao quà cho bao nhiêu bạn. Sau đó, các em tự lên ý tưởng phần quà, trường không ấn định mức tối đa hay tối thiểu. Hoạt động sẽ diễn ra trong 2 tuần.
“Trường không phân chỉ tiêu, các em rất chủ động, hào hứng tham gia. Dù quà có thể không nhiều nhưng thể hiện được truyền thống lá lành đùm lá rách, tương trợ lẫn nhau. Hoạt động này giúp học sinh hình thành ý thức sẻ chia, đồng thời giúp các học sinh có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực học tập, vươn lên trong cuộc sống để sau này có thể giúp đỡ lại người khác” - ông chia sẻ.
Những ngày cuối năm, vườn rau trên sân thượng của Trường tiểu học Hiệp Tân (quận Tân Phú) cũng vào độ xanh tươi, mướt mắt với các loại như rau muống, húng quế, mồng tơi, cải mầm… Vườn rau rộng 400m2, chia thành 5 khu cho 5 khối lớp. Mỗi tuần, học sinh chia nhau làm các công việc tại vườn, từ làm đất, gieo hạt, chăm sóc cho đến thu hoạch, đóng gói. Mỗi đợt có thành phẩm, học sinh tổ chức 1 buổi bán hàng cho phụ huynh. Số tiền thu được dành để trao học bổng, quà tết cho học sinh nghèo.
Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, tổng kết các đợt bán rau trong năm, trường sẽ trao 22 phần quà tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trị giá mỗi phần 500.000 đồng. Hoạt động của vườn rau không chỉ cung cấp thêm kiến thức về tự nhiên cho học sinh, mà còn giúp các em hình thành tình yêu thương cộng đồng. Biết được ý nghĩa này, học sinh ngày càng chăm chỉ chăm sóc sản phẩm của mình.
Trường tiểu học Thuận Kiều (quận 12) cũng vừa tổng kết chương trình “Nụ cười hồng”, đập heo đất do các lớp nuôi trong 2 tuần để hỗ trợ học sinh khó khăn. Với tổng số tiền hơn 35,5 triệu đồng, trường dự kiến trao 58 suất quà tết. Theo bà Lê Thị Thoa - Hiệu trưởng nhà trường - hoạt động này nhằm giáo dục lòng nhân ái, phát triển năng lực, phẩm chất tốt đẹp cho mỗi học sinh. Nhiều học sinh tuy nhỏ nhưng đã biết bày tỏ mong muốn với cha mẹ, học cách tiết kiệm mỗi ngày để có tiền bỏ ống heo.
Trước đó, trường cũng tổ chức hoạt động “Vẽ túi xinh - trao nghĩa tình”. Mỗi lớp được phát 2 chiếc túi canvas để trang trí, sau đó tổ chức bán đấu giá cho phụ huynh, thu được hơn 32 triệu đồng để trao quà, tặng học bổng cho các bạn khó khăn.
Giáo dục truyền thống văn hóa
Bà Lê Thị Thoa cũng cho biết thêm, trước khi học sinh nghỉ tết, trường sẽ tổ chức ngày hội để học sinh gói bánh chưng, nấu bánh và thưởng thức tại chỗ. Bà kể: “Năm ngoái là lần đầu tiên trường tổ chức hoạt động, học sinh đều rất thích thú. Các em nhìn phụ huynh, thầy cô làm rồi học theo, cũng lau lá, lấy gạo, bỏ nhân, thắt dây… chuyên nghiệp như người lớn. Nhiều bạn ở nhà không thích ăn bánh chưng nhưng với bánh mình tự làm thì lại ăn rất ngon. Trường hy vọng qua hoạt động này, các em sẽ biết và thêm yêu truyền thống văn hóa ngày tết của dân tộc”.
Tại quận 1, giáo viên Trường tiểu học Trần Hưng Đạo đang tất bật chuẩn bị ngày hội “Xuân yêu thương” cho học sinh. Mỗi ngày đến trường, nhìn thấy những cảnh trang trí mùa xuân đang dần hoàn thiện, học sinh càng háo hức, chờ đợi ngày diễn ra chương trình. Qua đó, học sinh và phụ huynh không chỉ được trải nghiệm ngày xuân truyền thống với bánh trà, câu đối đỏ, bánh chưng xanh… mà còn được tham gia những trò chơi thú vị như: làm cào cào lá dừa, xin ông đồ chữ ngày tết, tô heo đất, xem nặn tò he...
Theo bà Lê Thanh Hương - Hiệu trưởng nhà trường - học sinh TPHCM ít có điều kiện tham gia các hoạt động liên quan đến truyền thống ngày tết. Do đó, hoạt động trên sẽ giúp học sinh hiểu về truyền thống của người Việt, biết hướng về gia đình, biết tết là đoàn viên, sum vầy.
Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5) cũng đang tổ chức chuỗi hoạt động “Xuân nhân ái”, kéo dài từ cuối năm dương lịch đến cận tết âm lịch để học viên đi thiện nguyện hoặc làm hoạt động cộng đồng... Tại trung tâm, học viên tổ chức bán đồ thủ công làm bằng tay, đồ ăn, thức uống… để gây quỹ. Thầy cô thì cùng nhau nấu 100 suất ăn ngày tết cho những học viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi suất ăn gồm cơm, thịt kho trứng, rau xào, dưa hấu và 1 bánh chưng nhỏ.
“Với mâm cơm đậm đà truyền thống, thầy cô hy vọng các em có cái tết trọn vẹn, ấm cúng bên gia đình và người thân” - Giám đốc trung tâm Đỗ Minh Hoàng nói.
Cần giúp các em hiểu rõ về nguồn gốc của những truyền thống Sự phát triển tâm lý, nhận thức và nhân cách phải thông qua những hoạt động, giao tiếp trực tiếp mà hình thành. Tuy nhiên, các hoạt động này cần hướng tới thực chất, nhận thức bên trong của học sinh chứ không chỉ dừng lại ở mặt phong trào. Nhà trường cần giúp học sinh tự thấy được giá trị và hoàn cảnh của bản thân. Khi các em thấy được sự vất vả của cha mẹ thì sẽ biết ơn cha mẹ hơn, biết quý trọng những điều mình đang có. Từ đó, khi thấy hoàn cảnh của các bạn không bằng mình thì thương các bạn hơn, hiểu rằng các bạn xứng đáng được giúp đỡ, được đồng hành. Người thầy đầu tiên của mỗi người là cha mẹ. Do đó, cha mẹ phải có hành động cụ thể để trẻ dần thẩm thấu, tiếp thu và hình thành lòng nhân ái. Một học sinh thường xuyên cùng cha mẹ đi làm thiện nguyện sẽ có nhận thức khác so với những học sinh có cha mẹ thờ ơ, không có hành động cụ thể. Còn các hoạt động giáo dục truyền thống thì giúp học sinh có nhiều sân chơi, không quên những giá trị truyền thống của dân tộc. Nhưng điều quan trọng là nhà trường cần giúp các em hiểu rõ về nguồn gốc của những truyền thống này. Ví dụ: Bánh chưng có ý nghĩa gì? Vì sao miền Nam gói bánh tét còn miền Bắc lại gói bánh chưng? Do đó, song song với các hoạt động trải nghiệm, nhà trường cần có những hoạt động tuyên truyền, cho học sinh tìm hiểu về nguồn gốc thực sự của truyền thống. Khi đó, việc gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống thực sự bền vững và có ý nghĩa. Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An |
Trang Thư